Doanh nghiệp Mỹ “tăng tốc” rời Trung Quốc khi thương chiến leo thang
Một số công ty Mỹ đang đẩy nhanh việc chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc khi các đòn thuế quan tiếp tục gây khó khăn cho công việc kinh doanh của họ.
Ngày càng nhiều công ty Mỹ rời khỏi thị trường Trung Quốc (Ảnh minh họa: Reuters) |
Theo kết quả khảo sát do Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) ở Thượng Hải, Trung Quốc công bố hôm nay 11/9, hơn 1/4 số doanh nghiệp được hỏi (chiếm 26,5%) cho biết trong một năm qua, họ đã chuyển hoạt động đầu tư từ Trung Quốc sang các khu vực khác. Báo cáo của Amcham thống kê tỷ lệ này tăng 6,9% so với năm 2018, trong đó các ngành có mức độ thay đổi cao nhất về điểm đến đầu tư là công nghệ, phần mềm và dịch vụ.
Cuộc khảo sát do AmCham phối hợp với PwC, tiến hành trên 333 thành viên của Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải. Cuộc khảo sát được tiến hành từ ngày 27/6-25/7, đúng vào thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý nối lại các cuộc đàm phán thương mại và trước khi hai nước tăng thuế trả đũa lẫn nhau.
Theo báo cáo của AmCham, các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc nói rằng, những rào cản trong việc tiếp cận thị trường địa phương khiến họ gặp khó khăn khi hoạt động kinh doanh.
Khi được hỏi về viễn cảnh khả quan nhất của các cuộc đàm phán thương mại sắp tới giữa Mỹ và Trung Quốc, hơn 40% các doanh nghiệp Mỹ đánh giá rằng việc tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường nội địa Trung Quốc là kết quả quan trọng nhất của các cuộc đàm phán, vì điều này giúp các doanh nghiệp Mỹ hoạt động thành công tại Trung Quốc.
Kết quả quan trọng thứ hai được hơn 28% doanh nghiệp Mỹ kỳ vọng là sự cải thiện trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ khi hoạt động sản xuất tại Trung Quốc. Tiếp đó, 14,3% doanh nghiệp mong muốn cuộc đàm phán thương mại sẽ dẫn tới việc Trung Quốc “tăng cường mua hàng hóa từ Mỹ”.
Chính quyền Trump gần đây cũng nỗ lực gây sức ép với Trung Quốc để buộc nước này mua thêm các sản phẩm từ Mỹ, đặc biệt là nông sản.
Khó khăn khi tiếp cận thị trường
Một trong những vấn đề khiến các công ty Mỹ “đau đầu” lâu nay khi hoạt động tại Trung Quốc là nhiều ngành tại Trung Quốc gắn liền với hoạt động kinh doanh ở nước ngoài. Các công ty Mỹ cho rằng, trong các ngành cần tới sự cởi mở, họ đã gặp khó khăn khi phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc hoặc các công ty tư nhân được hưởng lợi từ các chính sách hoặc các mối quan hệ với địa phương.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Mỹ cũng đề cập tới hai trong số những thách thức của họ khi hoạt động tại Trung Quốc, bao gồm việc cưỡng ép chuyển giao công nghệ quan trọng cho các đối tác Trung Quốc và việc thiếu biện pháp bảo vệ tài sản trí tuệ.
Cuộc khảo sát mới nhất của AmCham cũng chỉ ra rằng, khó khăn trong việc tiếp cận thị trường địa phương vẫn là một trong những vấn đề chính mà các công ty Mỹ phải đối mặt tại thị trường Trung Quốc. Hơn một nửa số doanh nghiệp Mỹ (khoảng 56,4%) được hỏi nói rằng việc có được giấy phép hoạt động tại Trung Quốc không dễ dàng với họ.
Các doanh nghiệp làm trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính và bảo hiểm là những doanh nghiệp mong muốn được cải thiện khả năng tiếp cận thị trường nhiều nhất khi hoạt động tại Trung Quốc. 81% số doanh nghiệp được hỏi làm trong lĩnh vực này đang tìm kiếm một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, mặc dù Trung Quốc tuyên bố suốt 18 tháng qua rằng, nước này sẽ nới lỏng các quy định về chủ sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực tài chính.
Tác động từ đòn áp thuế
Sự hiện diện của các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc vẫn mạnh mẽ. Tuy nhiên, báo cáo của AmCham cho biết các đòn áp thuế từ cả Mỹ và Trung Quốc đang ảnh hưởng tới doanh thu và khiến một số doanh nghiệp Mỹ phải thay đổi chiến lược tại Trung Quốc.
Nếu Mỹ triển khai toàn bộ mức thuế với Trung Quốc như cảnh báo của Tổng thống Donald Trump, gần như toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ sẽ bị đánh thuế tính đến cuối năm nay. Đáp trả Washington, Bắc Kinh cũng tung đòn áp thuế với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc.
Hơn một nửa doanh nghiệp Mỹ được hỏi cho biết doanh thu của họ giảm do thuế quan tăng cao. 1/3 trong số này nói rằng họ giảm từ 1-10% doanh thu do bị đánh thuế.
Các doanh nghiệp Mỹ cũng chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến thương mại dài hơi giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát, 35% tin rằng căng thẳng thương mại sẽ tiếp tục kéo dài thêm từ 1-3 năm tới, trong khi gần 13% nói rằng cuộc chiến này có thể kéo dài từ 3-6 năm. Khoảng 17% thậm chí bi quan hơn khi dự đoán cuộc chiến thương mại sẽ kéo dài mãi mãi.
“Khi chưa có dấu hiệu nào cho thấy một thỏa thuận thương mại, 2019 sẽ vẫn là một năm khó khăn, và nếu không có một thỏa thuận thương mại, 2020 có lẽ còn là một năm tồi tệ hơn”, báo cáo của AmCham nhận định.
Theo Dân trí