Tin tức kinh tế ngày 7/9: Việt Nam tăng cường đầu tư vào các startup công nghệ Đông Nam Á
(PetroTimes) - Việt Nam tăng cường đầu tư vào các startup công nghệ Đông Nam Á; Nông sản vùng Nebraska (Mỹ) tìm đường vào Việt Nam; Lô nhãn tươi đầu tiên của Việt Nam cập bến Australia; EU siết quy định về nông sản nhập khẩu... là những tin tức kinh tế đáng chú ý trong ngày 7/9.
Giá vàng hôm nay 7/9: Giá vàng giảm mạnh dù thị trường xuất hiện “ngòi nổ” mới |
Giá xăng dầu hôm nay 7/9 khép tuần giao dịch tăng mạnh |
Việt Nam tăng cường đầu tư vào các startup công nghệ Đông Nam Á
Ảnh minh họa. |
Theo một báo cáo gần đây của Cento Ventures – một công ty đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Singapore, các công ty khởi nghiệp dựa vào công nghệ của khu vực Đông Nam Á đã thu hút gần 6 tỉ USD qua hơn 332 vụ giao dịch trong nửa đầu năm 2019. Trong đó, các lĩnh vực fintech – công nghệ tài chính, chăm sóc sức khỏe và hậu cần cho thấy sự tăng trưởng vững chắc.
Báo cáo cho thấy các khoản đầu tư trong nửa đầu năm 2019 thấp hơn so với nửa đầu năm 2018 – với 8,3 tỉ USD trong hơn 177 giao dịch. Tuy nhiên, công ty đầu tư mạo hiểm này cho rằng tổng đầu tư trong cả năm 2019 sẽ ngang bằng với tổng đầu tư của năm 2018 với dự kiến rằng các kỳ lân như Grab, Go-jek, Traveloka và Tokopedia sẽ thu hút những khoản đầu tư lớn trong nửa năm sau.
Việt Nam chiếm 17% tổng vốn đầu tư trong nửa đầu năm 2019, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi Indonesia chiếm tỷ lệ nhỏ hơn trong tổng số vốn đầu tư thì Malaysia, Thái Lan và Philippines có vẻ giữ nguyên tỷ lệ so với những năm trước.
Báo cáo cũng cho thấy rằng các dịch vụ bán lẻ trực tuyến và dịch vụ địa phương, cùng với các công ty “đa ngành” vẫn là các danh mục được tài trợ nhiều nhất, trong khi các danh mục khác như bất động sản, tự động hóa kinh doanh, công nghệ tiếp thị và quảng cáo cũng đang thu hút sự chú ý ngày càng tăng. Dịch vụ tài chính và du lịch tiếp tục thu hút đầu tư, nhưng hậu cần và chăm sóc sức khỏe là những lĩnh vực được tài trợ nhiều nhất trong nửa đầu năm 2019.
Nông sản vùng Nebraska (Mỹ) tìm đường vào Việt Nam
Thu hoạch nông sản tại Mỹ. (Ảnh minh họa) |
Ngày 5/9, tại trụ sở Bộ Công thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã có buổi làm việc với Đoàn doanh nghiệp bang Nebraska do ông Pete Ricketts – Thống đốc bang Nebraska, Hoa Kỳ dẫn đầu. Chuyến đi khảo sát thị trường của đoàn doanh nghiệp bang Nebraska nhằm tìm đường xuất khẩu nhiều loại nông sản sang Việt Nam.
Thống đốc Bang Nebraska, ông Pete Ricketts nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những thị trường có rất nhiều tiềm năng xuất khẩu nông sản cho Nebraska như đậu tương, thịt bò, ngô và các loại thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, thịt lợn cũng là mặt hàng được xem xét để tăng cường xuất khẩu vào Việt Nam, do thịt lợn là món ăn truyền thống của người Việt.
Không dừng lại ở việc tìm kiếm các nhà nhập khẩu nông sản tại Việt Nam, đoàn doanh nghiệp Nebraska cũng kỳ vọng các doanh nghiệp Việt Nam tới Nebraska để hợp tác, đầu tư, đặt bước chân đầu tiên để thâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ với các loại nông sản nhiệt đới.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải hoan nghênh và cam kết ủng hộ hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp bang Nebraska tại Việt Nam; đồng thời giao các đơn vị của Bộ hỗ trợ thông tin, kết nối với các đối tác phù hợp của Việt Nam cho các doanh nghiệp Nebraska.
Lô nhãn tươi đầu tiên của Việt Nam cập bến Australia
Lô nhãn tươi đầu tiên của Việt Nam chính thức nhập khẩu vào thị trường Australia. (Ảnh minh họa) |
Sau 8 giờ kiểm tra kỹ càng của các cơ quan chức năng Australia, chiều 6/9 (giờ địa phương), lô nhãn tươi đầu tiên của Việt Nam đã được thông quan, chính thức được nhập khẩu vào thị trường Australia. Quả nhãn tươi Việt Nam đầu tiên được nhập khẩu vào thị trường Australia sau chưa đầy 1 tháng Chính phủ nước này công bố điều kiện nhập khẩu đối với loại quả thơm ngon này.
Để lô quả nhãn tươi đầu tiên sớm có mặt tại thị trường Australia, Đại sứ quán Việt Nam tại Australia và Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia đã nỗ lực làm việc với các cơ quan bạn và phối hợp với Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Australia vận động doanh nghiệp nhập khẩu loại quả mới từ Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam đã xuất khẩu nhãn vào nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU...và đều đáp ứng các tiêu chuẩn về sạch dịch hại, an toàn, đồng nhất, chất lượng và có hàng quanh năm. Với thị trường Australia, nhãn tươi là loại quả thứ 4 của Việt Nam được phép nhập khẩu vào nước này sau vải, xoài và thanh long.
EU siết quy định về nông sản nhập khẩu
EU siết quy định về nông sản nhập khẩu. (Ảnh minh họa) |
Theo thông báo mới đây của EU quy định sửa đổi về kiểm dịch thực vật (KDTV) (Commission Implementing Directive (EU) 2019/523) có hiệu lực từ ngày 1/9/2019, sẽ bắt buộc áp dụng yêu cầu KDTV chặt chẽ đối với nhiều loại nông sản nhập khẩu từ các nước ngoài EU, trong đó có Việt Nam.
Trước thay đổi quan trọng về KDTV của EU, mới đây, Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN&PTNT đã có công văn về việc thực hiện quy định KDTV nhập khẩu của EU gửi các Chi cục KDTV vùng trực thuộc để chủ động, nghiêm túc thực hiện.
Để tránh ảnh hưởng tới xuất khẩu nông sản của Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu các Chi cục KDTV vùng thực hiện kiểm tra các lô hàng xuất khẩu theo đúng quy định về KDTV của EU.
Đối với các lô quả có múi và xoài tươi xuất khẩu, phải được sản xuất từ các vườn đã được cơ quan KDTV kiểm tra và đảm bảo không nhiễm ruồi đục quả. Thông tin về vườn không nhiễm ruồi hoặc thông số về xử lý phải được ghi vào Giấy chứng nhận KDTV để đảm bảo truy xuất nguồn gốc.
Các Chi cục KDTV vùng cần chủ động thông báo, hướng dẫn để các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân XK biết và tuân thủ các quy định KDTV NK mới được EU điều chỉnh.
Gần 365.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới tại vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên
Ngày 7/9, tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Ban chỉ đạo Quốc gia Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên được ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp và huy động từ các nguồn lực khác được khoảng 365.000 tỷ đồng.
Đến nay, Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã có 604/1.424 xã (42,41%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 4/8 tỉnh, thành phố đã đạt và vượt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao gồm thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận. Vùng Tây Nguyên có 226/599 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Có 2/5 tỉnh đã đạt và vượt mục tiêu phấn đấu đến 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao gồm tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là vùng đặc trưng nhất của Việt Nam để xây dựng nông thôn mới bởi đây là vùng có không gian phát triển xây dựng nông nghiệp, ngư nghiệp điển hình và rộng lớn nhất.
Vì thế, cần phải tập trung xây dựng nông thôn mới, nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng của khu vực, góp phần phát triển kinh tế xã hội đưa vùng này lên ngang bằng với hai miền Bắc – Nam.
Lâm Anh (t/h)