Tội phạm tham nhũng, kinh tế ngày càng phức tạp, tinh vi
(PetroTimes) - Sáng 3/9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 13, thảo luận báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019.
Trình bày báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, năm 2019, Chính phủ, Bộ Công an đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên về tội phạm, nhất là những vấn đề dư luận xã hội bức xúc. Trong đó, 6 tháng đầu năm 2019 đã điều tra, làm rõ 33.470 vụ phạm pháp hình sự, đạt tỷ lệ 84,2% (án rất nghiêm trọng đạt 90,4%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 95,2%); về cơ bản các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được điều tra làm rõ, các vụ xâm hại trẻ em được điều tra, xử lý quyết liệt hơn, tổ chức tiếp nhận, giải cứu 137 nạn nhân bị mua bán trở về;
Triệt phá 2.167 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại, trong đó trấn áp mạnh mẽ tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; bắt, vận động đầu thú, thanh loại 4.376 đối tượng truy nã; qua phòng ngừa, đấu tranh đã góp làm giảm 0,78% số vụ phạm pháp hình sự; nhiều loại tội phạm được kéo giảm như: giết người giảm 11,67%, cướp tài sản giảm 8,7%; gây rối trật tự công cộng giảm 49.15%; đánh bạc, tổ chức đánh bạc giảm 28,28%.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương báo cáo tại phiên họp. |
Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho hay, tình hình tội phạm về trật tự xã hội đã được kiềm chế làm giảm về số vụ những vẫn diễn biến phức tạp. Đáng lưu ý, xảy ra nhiều vụ giết người với hành vi gây án dã man, tàn bạo, nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích do đối tượng bị tâm thần hoặc ảo giác do sử dụng ma tuý tổng hợp “ngáo đá” gây ra, gây lo lắng trong nhân dân. Tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em xảy ra nhiều, gây bức xúc dư luận. Tội phạm có tổ chức vẫn tiềm ẩn phức tạp, nhất là hoạt động núp bóng doanh nghiệp, “tín dụng đen”, đòi nợ thuê...
Công tác phòng ngừa tội phạm chưa mang lại hiệu quả thực chất, phòng ngừa xã hội ở một số địa phương mang tính hình thức, phòng ngừa nghiệp vụ hiệu quả chưa cao...
Tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế cũng diễn ra phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, sử dụng công nghệ thông tin, thiết bị công nghệ cao để phạm tội; sử dụng phần mềm gian lận doanh thu để trốn thuế, kéo dài thời gian thu phí tại các trạm thu phí BOT như vụ xảy ra tại tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương. "Tham nhũng vặt” trong giải quyết thủ tục hành chính công diễn ra tương đối phổ biến, nhất là ở cơ sở, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp...
Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên một số lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư, xây dựng, công thương, y tế, giáo dục, quản lý, sử dụng đất đai…
Đáng lưu ý, vẫn còn một số vi phạm trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, cá biệt có trường hợp cán bộ trong các cơ quan bảo vệ pháp luật bảo kê, làm ngơ, tiếp tay cho vi phạm, tội phạm gây dư luận xấu.
Nhận định về Báo cáo này, thay mặt nhóm điều tra - hình sự, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha cho biết: Ủy ban Tư pháp cơ bản đồng tình với những nhận định, đánh giá của Chính phủ về những kết quả của công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm. Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Văn Pha chỉ ra: Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng nhưng kết qua phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với tình hình trên thực tế:
“Vi phạm pháp luật và tội phạm về tham nhũng vẫn rất phức tạp, nhất là “tham nhũng vặt” trong các cơ quan và nhân viên nhà nước khi thực thi công vụ có liên quan trực tiếp đến người dân và tham nhũng trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng gây bức xúc trong nhân dân và công luận, tuy nhiên, việc phát hiện vẫn chưa được nhiều và giảm (0,35%) so với cùng kỳ”, ông Pha nhấn mạnh.
Việc phát hiện các hành vi làm hàng giả, hàng kém chất lượng còn nhiều hạn chế, có vụ làm xăng giả với quy mô lớn, tiêu thụ trên nhiều địa phương, kéo dài nhiều năm nhưng đến nay mới bị phát hiện xử lý.
Nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng về trật tự xây dựng đã diễn ra công khai tại nhiều địa phương, trong thời gian dài đến nay mới bị cơ quan chức năng xử lý và mức độ xử lý còn chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa.
“Việc phát hiện và thống kê về xử lý vi phạm hành chính trên toàn quốc vẫn còn chưa đảm bảo tính tổng thể, chưa có sự theo dõi hệ thống để làm căn cứ đánh giá tình hình, hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước và xử lý tội phạm”, ông Pha nói.
Bên cạnh đó, công tác điều tra vẫn còn một số hạn chế như: Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm mới đạt 84,8%, chưa đạt yêu cầu của Nghị quyết số 37. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, tạm giữ, tạm giam còn nhiều vi phạm. Chất lượng hoạt động điều tra còn một số hạn chế trong thu thập, đánh giá chứng cứ.
Trên cơ sở đó, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Chính phủ trong thời gian tới tiếp tục có những biện pháp nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực trật tự xây dựng, thương mại, giao thông, công nghệ thông tin...
Tùng Phong (TH)