Ấn Độ phản đối hành vi đe dọa dùng vũ lực trên Biển Đông
New Delhi kêu gọi các bên tuân thủ đúng luật pháp quốc tế khi hành xử tại Biển Đông, đồng thời phản đối mọi hành vi đe dọa dùng vũ lực tại khu vực này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar (Ảnh: ANI) |
“Biển Đông là một phần của lợi ích chung toàn cầu. Ấn Độ, vì vậy, có những lợi ích mật thiết tới hòa bình và ổn định trong khu vực”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar phát biểu ngày 29/8 tại thủ đô New Delhi.
Nhà ngoại giao này nhấn mạnh lập trường của Ấn Độ về thực thi quyền tự do hàng hải và tự do hàng không và các hoạt động thương mại hợp pháp tại vùng biển quốc tế tuân thủ luật lệ quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật Biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS).
“Những khác biệt nên được giải quyết một cách hòa bình thông qua việc tôn trọng các quy trình ngoại giao và pháp lý và không có hành vi đe dọa sử dụng vũ lực”, ông Kumar nhấn mạnh.
Bình luận của Bộ Ngoại giao Ấn Độ được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông gia tăng, khi các tàu của Trung Quốc tiếp tục xâm phạm trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ).
Trước Ấn Độ, cộng đồng quốc tế cũng đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về các căng thẳng trên Biển Đông.
Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 26/8 đã ra thông cáo bày tỏ quan ngại “sâu sắc trước những nỗ lực tiếp diễn của Trung Quốc khi vi phạm trật tự quốc tế dựa trên quy tắc xuyên suốt khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
Liên minh châu Âu (EU) ngày 28/8 đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về các hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng tại Biển Đông trong những tuần gần đây.
“Các hành động đơn phương trên Biển Đông trong những tuần vừa qua đã dẫn đến căng thẳng leo thang và gây tổn hại cho môi trường an ninh hàng hải, tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng cho sự phát triển kinh tế hòa bình của khu vực”, tuyên bố của EU cho biết.
Theo Dân trí
Tổng thống Philippines nêu phán quyết Biển Đông, ông Tập Cận Bình thẳng thừng bác bỏ |
Nhiều nước lo ngại tình hình Biển Đông |
EU phản đối hành động đơn phương leo thang căng thẳng trên Biển Đông |