Nhìn lại cuộc chiến tàu chở dầu ở vùng Vịnh
(PetroTimes) - Ngày 15/8, tòa án Gibraltar quyết định thả tàu chở dầu Iran bị bắt giữ hơn 1 tháng trước. Rất có thể Tehran sẽ “đáp lễ” bằng việc thả tàu chở dầu của Anh.
Tàu chở dầu Grace 1 và Stena Impero |
Tuy nhiên căng thẳng giữa Iran với Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ trong những tuần gần đây đã khiến nhiều tàu chở dầu khác bị “vạ lây” ở eo biển Hormuz.
Tàu Grace 1
Vào ngày 4/7, tàu chở dầu của Iran, Grace 1, đã bị cảnh sát biển và hải quân Gibraltar (lãnh thổ thuộc Anh nằm ở phía nam Tây Ban Nha) bắt giữ.
Chính quyền Gibraltar và Hoa Kỳ nghi ngờ con tàu này chở dầu cho Syria và như vậy là vi phạm các lệnh trừng phạt của EU. Damas bị các nước phương Tây trừng phạt, bao gồm cả lĩnh vực dầu mỏ, kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột năm 2011.
Iran gọi vụ bắt giữ là "vi phạm nguyên tắc hàng hải" và cảnh báo sẽ phản ứng.
Tehran đã không chính thức tiết lộ điểm đến của tàu chở dầu Grace 1, nhưng phủ nhận rằng nó sẽ tới Syria.
Tòa án tối cao Gibraltar ngày 19/7 tuyên bố rằng họ gia hạn việc giam giữ tàu chở dầu Iran thêm 30 ngày, tức là tới ngày 19/8. Tuy nhiên, đến ngày 15/8, họ đã quyết định thả tàu Grace 1 bất chấp sự ngăn cản từ Mỹ.
Tàu MT Riah
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran ngày 14/7 đã bắt giữ một "tàu chở dầu nước ngoài", bị buộc tội vận chuyển dầu lậu.
Tàu chở dầu này đã bị bắt giữ ở phía nam đảo Larak của Iran, ở eo biển chiến lược Hormuz.
Iran đã tịch thu 2 triệu lít dầu trên tàu chở dầu này và thả 12 thuyền viên nước ngoài.
Tổ chức TankerTrackers, chuyên theo dõi các chuyến tàu chở dầu, cho biết họ đã mất tín hiệu với tàu MT Riah, treo cờ Panama, vào ngày 14/7, khi nó đi vào vùng biển Iran.
Tàu Stena Impero
Vào ngày 19/7, Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã bao vây và bắt tàu chở dầu Stena Impero của Anh ở eo biển Hormuz.
Con tàu dài 183 mét này bị bắt giữ và đưa đến cảng Bandar Abbas của Iran vì "không tuân thủ quy định hàng hải quốc tế". Tàu này bị buộc tội bỏ qua các cuộc gọi cấp cứu và tắt bộ tiếp sóng sau khi va chạm với một thuyền đánh cá.
Tàu chở dầu mang cờ Anh, thủy thủ đoàn gồm 23 người, trong đó có 18 người Ấn Độ, phần còn lại đến từ Philippines, Latvia và Nga.
Vụ bắt giữ diễn ra vài giờ sau khi tòa án Gibraltar tuyên bố gia hạn thời gian giam giữ tàu Grace 1.
London nhanh chóng gọi điện cho Tehran yêu cầu thả Stena Impero, coi đó là một vụ bắt giữ bất hợp pháp.
Nhưng Iran khẳng định rằng việc bắt giữ là hợp pháp và phủ nhận rằng đó là sự trả đũa đối với việc London bắt tàu chở dầu của Iran trước đó.
Ban đầu Iran và Anh đã bác bỏ khả năng trao đổi tàu chở dầu bắt giữ của nhau nhưng cuối cùng London đã chấp thuận thả tàu của Tehran. Theo giới quan sát, Iran cũng sẽ sớm thả tàu Stena Impero của Anh.
Tàu chở dầu không rõ nguồn gốc
Ngày 31/7, Tehran đã bắt giữ một tàu chở dầu thứ ba với 7 thuyền viên nước ngoài trên tàu, vì cho rằng tàu này đang mang 700.000 lít nhiên liệu hàng lậu vào vùng Vịnh.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giao Iran cho biết họ đã chuyển tàu đến cảng Bouchehr (phía nam) và tịch thu toàn bộ số dầu lậu trên tàu.
Cả quốc tịch của tàu và thuyền viên đều không được tiết lộ trong vụ bắt giữ.
Trước khi xảy ra các vụ bắt giữ trên, nhiều cuộc phá hoại tàu chở dầu và thương mại cũng được ghi nhận tại vùng Vịnh, sau khi căng thẳng giữa Mỹ và Iran bắt đầu leo thang. Washington cáo buộc Tehran đứng sau các vụ phá hoại này nhưng Iran bác bỏ.
Nh.Thạch