Cuộc đua vũ khí cấm chuyển từ Âu sang Á
(PetroTimes) - Ngày 2/8 Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước về Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga sau khi tố cáo Moscow vi phạm hiệp ước, điều mà Nga đã nhiều lần phủ nhận. Ngay sau khi hiệp ước chính thức bị hủy, Washington đã thông báo sẽ triển khai các tên lửa tầm trung, vốn trước đây bị cấm theo Hiệp ước INF, đến châu Á.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper trong chuyến thăm Úc tuần trước nói rằng ông ủng hộ sớm đặt các tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất ở châu Á |
Lý do Washington chính thức đưa ra là Moscow đã không phá hủy các vũ khí vi phạm hiệp ước. Nga lên án Mỹ là thủ phạm gây đổ vỡ. Tranh cãi về điều này có từ nhiều năm trước. Từ năm 2014, Mỹ đã lên án Nga triển khai các tên lửa 9M729, có tầm bắn 1.500 km, vi phạm INF, không cho phép triển khai các tên lửa tầm trung, có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km trên bộ, điều mà Moscow kiên quyết phủ nhận. Tháng 10/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định sẽ rút khỏi INF, nếu Nga không tuân thủ hiệp ước. Chính quyền Nga cho rằng Moscow không vi phạm điều gì và nếu Mỹ muốn rút khỏi INF thì Nga cũng sẽ làm vậy.
Sau quyết định rút khỏi INF của Mỹ, Moscow đã đề xuất thảo luận về một số khu vực mà Mỹ - Nga đồng thuận không triển khai tên lửa tầm trung. “Chúng tôi đã đề xuất với Hoa Kỳ và các nước NATO khác rằng họ cân nhắc khả năng tuyên bố một lệnh cấm tạm thời tương tự để áp dụng đối với việc triển khai các tên lửa tầm ngắn và tầm trung như của chúng tôi, giống như tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin”, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov phát biểu. Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 2/8 đã bác bỏ đề nghị của Nga về lệnh cấm tạm thời này.
Tổng thống Vladimir Putin nói rằng Nga không muốn có một cuộc chạy đua vũ trang và ông đã hứa rằng ông sẽ không triển khai tên lửa của Nga trừ khi Hoa Kỳ làm như vậy trước. Ngày 5/8, ông Putin họp với Hội đồng An ninh Nga, sau cuộc họp, ông ra lệnh cho Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và cơ quan tình báo đối ngoại SVR giám sát chặt chẽ xem bất kỳ bước đi nào của Hoa Kỳ nhằm phát triển, sản xuất hoặc triển khai những tên lửa thuộc diện bị cấm theo hiệp ước đã bị hủy bỏ. “Nếu Nga có được thông tin đáng tin cậy cho thấy Hoa Kỳ đã hoàn thành việc phát triển các hệ thống này và bắt đầu sản xuất chúng, Nga sẽ không có lựa chọn nào khác hơn là phải dồn tổng lực để phát triển các tên lửa tương tự”, ông Putin nói trong một tuyên bố. Ông nói thêm rằng giờ đây điều hết sức cấp thiết là Moscow và Washington phải nối lại đàm phán về kiểm soát vũ khí để ngăn chặn điều mà ông gọi là một cuộc chạy đua vũ trang “không phanh”.
Trước đó ngày 3/8, tức một ngày sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nói rằng ông ủng hộ sớm đặt các tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất ở châu Á. Phát biểu của ông Esper có thể sẽ khơi lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang và có thể càng làm cho quan hệ với Trung Quốc thêm căng thẳng. “Tôi muốn nó diễn ra trong những tháng tới ... nhưng những việc thế này thường mất nhiều thời gian hơn mong đợi”, ông Esper nói với các phóng viên khi được hỏi về thời biểu triển khai những tên lửa tầm trung đến châu Á. Các quan chức cao cấp của Mỹ nói rằng sẽ mất vài năm nữa mới triển khai loại vũ khí như vậy. Ông Esper không tiết lộ địa điểm đặt tên lửa ở châu Á.
Tên lửa tầm trung của Trung Quốc |
Ngày 6/8, Fu Cong, Giám đốc Cục Kiểm soát Vũ khí của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho rằng việc Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp ước INF sẽ có tác động tiêu cực trực tiếp đến sự ổn định chiến lược toàn cầu, cũng như an ninh ở châu Âu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông Fu nói Trung Quốc đặc biệt quan ngại về các kế hoạch đã được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thông báo để phát triển và thử nghiệm tên lửa tầm trung trên đất liền ở châu Á - Thái Bình Dương. “Trung Quốc sẽ không làm ngơ và buộc phải có biện pháp đối phó nếu Hoa Kỳ triển khai các tên lửa đất đối không tầm trung ở khu vực này của thế giới”, ông Fu nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 6/8. Ông cũng khuyên các quốc gia khác, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc, nên thận trọng và đừng cho phép Hoa Kỳ triển khai vũ khí như vậy trên lãnh thổ của họ. Ông Fu nói làm như vậy sẽ “không phục vụ các lợi ích an ninh quốc gia của các nước này”.
Theo giới phân tích, sở dĩ ngay sau khi rút khỏi INF, Mỹ bắn tiếng muốn triển khai tên lửa tầm trung tới châu Á là vì muốn lôi kéo Trung Quốc vào một hiệp ước tên lửa tầm trung mới. Tổng thống Donald Trump ngày 2/8 nói rằng nếu có thương thảo về một thỏa ước mới, ông muốn có sự tham dự của Trung Quốc lẫn Nga. Mỹ hiện đang đối đầu với mối đe dọa tên lửa từ Trung Quốc. Cho đến nay, do không bị ràng buộc bởi các thỏa thuận quốc tế, Bắc Kinh đã phát triển được một hệ thống tên lửa tầm trung hùng hậu tại Hoa lục, phần lớn gồm những loại bị cấm theo thỏa ước INF trước đây, được đánh giá là tân tiến nhất thế giới, trái ngược hoàn toàn với tình trạng yếu kém của binh chủng tên lửa Trung Quốc vào thời điểm Mỹ - Liên Xô ký thỏa thuận INF năm 1987. Hàng trăm tên lửa Trung Quốc được bố trí tại miền Đông Nam nước này, đặt Nhật Bản, Đài Loan và Ấn Độ trong tầm ngắm. Tên lửa Trung Quốc cũng có thể tấn công các đảo của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.
Theo chuyên gia Thomas Mahnken, Trung tâm nghiên cứu chiến lược đại học Johns Hopkins, đây là thời điểm cho phép đảo ngược lại cán cân lực lượng. Trước Thượng viện Mỹ, tướng Mark Milley, Tổng tham mưu trưởng tương lai của quân đội Mỹ, cũng ủng hộ quan điểm cần triển khai tên lửa tầm trung tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Theo nhật báo Mỹ New York Times, ngay trong những tháng tới, Hoa Kỳ sẽ trắc nghiệm phiên bản tên lửa tầm trung Tomahawk trên bộ, loạt tên lửa hành trình trên bộ đầu tiên sẽ được triển khai trong vòng 18 tháng tới. Hiện tại, Washington đang tìm kiếm địa điểm đặt tên lửa tầm trung mới. Hàn Quốc được nhắc đến như là một địa điểm hàng đầu có thể tiếp nhận tên lửa Mỹ.
Theo New York Times, quyết định rút khỏi INF sẽ cho phép Mỹ đối phó với việc Trung Quốc trang bị vũ khí tại Thái Bình Dương. Đặc biệt là tại vùng Biển Đông đang có tranh chấp, Trung Quốc đã cho cải tạo, bồi đắp nhiều bãi đá ngầm thành những đảo tiền tiêu quân sự. Liu Weidong, chuyên nghiên cứu về nước Mỹ thuộc Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cho rằng quyết định này của ông Trump sẽ giúp cho quân đội Mỹ tự do phát triển cũng như là triển khai các loại vũ khí thông thường và hạt nhân trong khu vực. Chỉ có điều khi việc Mỹ rút ra khỏi Hiệp ước INF, Nga và Trung Quốc có thể tận dụng cơ hội này như là một chất xúc tác để đẩy nhanh hơn nữa các chương trình phát triển vũ khí của mình. Và như vậy, lần đầu tiên kể từ năm 1972, nhân loại có nguy cơ rơi vào một thế giới ở đó sẽ không tồn tại một giới hạn nào đối với các nước trong việc phát triển vũ khí hạt nhân.
Sự chấm dứt Hiệp ước INF là một đe dọa đối với an ninh không chỉ của châu Âu, mà cả với phần còn lại của thế giới. Trước nguy cơ thế giới bước vào một cuộc chạy đua hạt nhân mới, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhắc nhở Mỹ và Nga đừng quên các bài học của quá khứ. Ông nhấn mạnh: “INF là một thỏa thuận căn bản giúp cho châu Âu được ổn định, chấm dứt thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Hiện nay, thế giới mất đi một công cụ quý báu để chống lại chiến tranh hạt nhân. Hai bên cần tránh leo thang và đi đến một thỏa thuận mới về kiểm soát vũ khí”. Chuyên gia Quentin Lopinot, thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), ở Washington, nhận định việc INF tan vỡ không nhất thiết dẫn đến chạy đua vũ trang toàn cầu, nhưng một cơ chế hiệu quả giúp cho việc ngăn chặn nguy cơ này đã mất đi. Chuyên gia Lopinot dự báo là chạy đua phát triển các vũ khí vốn bị INF cấm sẽ diễn ra tại châu Á hơn là ở châu Âu.
Ông Putin cảnh báo ông Trump về việc phát triển tên lửa hạt nhân |
Mỹ tìm cách đưa Trung Quốc vào thỏa thuận hạt nhân mới với Nga |
Nga hứa sẽ đáp trả nếu Mỹ thử nghiệm tên lửa "át chủ bài" |
H.Phan