Đau đáu soi lại mình từ “Quán Thanh Xuân”
(PetroTimes) - Bắt đầu từ số đầu tiên của chương trình Quán Thanh Xuân (QTX) (truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 - Đài truyền hình Việt Nam), chương trình này đã gây ấn tượng với đông đảo khán giả lứa tuổi 4X đến 7X. Tuy nhiên, không phải số nào của QTX cũng giữ được phong độ của mình.
Đánh vào tâm lý “hoài cổ, hướng về xưa cũ” của lứa tuổi từ trung niên trở đi, chương trình QTX nặng về khai thác những kỷ niệm từ thuở bao cấp hoặc quá độ lên thời “kinh tế thị trường”. Quá khứ ấy có những khó khăn, trớ trêu, thậm chí nực cười, nhưng lại cũng có mặt đáng yêu, đặc biệt là tình người thì thời nào cũng đẹp. Khi biết cách khai thác chữ “Tình” trong tất cả các kỷ niệm, những chuyện đã qua đi và không bao giờ trở lại, QTX đã gợi được những xôn xao, ấm áp trong lòng khán giả của mình.
Trích đoạn kịch Bệnh sĩ của Lưu Quang Vũ trong QTX tháng 8.2019 |
Là người năng theo dõi chương trình QTX, tôi tự hỏi, vậy sau những phút giây được trở về quá khứ, được thư giãn và vuốt ve với những hoài niệm được ca tụng và nâng lên thành giá trị tâm hồn, thì QTX mang lại điều gì là cốt lõi, là bài học cho hôm nay?
Nhìn lại mình trong quá khứ, soi lại mình ngày nay, mình có hài lòng không, và mình cần thay đổi những gì? Quả thực, điều kiện sống, và không gian cho tinh thần ngày nay đã tốt hơn xưa rất nhiều, nhưng tại sao nhiều người trong chúng ta vẫn không thể hạnh phúc hơn, không thể sáng tạo nhiều hơn và cống hiến hữu ích hơn?
Nhìn hai gương mặt của người dẫn chương trình QTX là Diễm Quỳnh và Anh Tuấn, tôi, cũng như nhiều người từng biết và hâm mộ họ từ 20 năm trước có thể thấy dấu vết thời gian trên những thay đổi của họ về ngoại hình, dù biết rằng so với những người bình thường cùng lứa, thì họ vẫn còn sáng hơn rất nhiều. Điều mà chúng ta có thể học được, đó là sự nỗ lực của hai nhân vật này trong việc đưa cảm xúc của khán giả vào một hành trình ngược thời gian, tìm lại và khẳng định những giá trị tinh thần có thể đã quên lãng trong xô bồ, gấp gáp ngày nay.
Quán Thanh Xuân tháng 8 |
Ngay trong chương trình QTX tháng 8/2019 vừa qua, khi đưa trở lại cho khán giả một tượng đài sân khấu lồng lộng - Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ - chương trình đã không chỉ gợi lại được nồng nhiệt, đắm say và lửa sân khấu cách nay 30 năm, mà còn đặt ra vấn đề lớn, những nhà viết kịch tuyệt vời của chúng ta hiện nay đâu rồi?! Phải chăng vẫn có những vở kịch hay cỡ Tin ở hoa hồng, Bệnh sĩ, Lời thề thứ 9, Hoa cúc xanh trên đầm lầy… vẫn đang được viết ra và dàn dựng, nhưng lửa nồng nhiệt, đắm say lại không còn, do đâu?
Có một thực tế là, khi khán giả bình tĩnh ngồi tại Nhà hát Tuổi trẻ, xem lại kịch Lưu Quang Vũ viết cách nay 3 thập niên, họ vẫn cười, vẫn khóc cùng cảnh huống trên sân khấu. Vấn đề có lẽ là, ai sẽ “bế’ được họ đến Nhà hát thường xuyên?
Cũng trong chương trình này, cách dẫn dắt của hai MC còn khiến người xem chưa thỏa mãn, MC Anh Tuấn có lúc còn lầm tên tác giả Lưu Quang Vũ thành Lưu Minh Vũ. MC Diễm Quỳnh khi đặt câu hỏi cho khách mời lại mắc lỗi diễn giải quá dài. Lẽ ra, chỉ cần câu hỏi đủ thông minh, đủ gợi và đủ ngắn, là khiến nhân vật khách mời có thể “nhả tơ vàng”, một cách bất ngờ, chứ không cần trói họ lại trong ý muốn của MC.
Dù sao thì, đến hẹn lại lên, tôi, cũng như nhiều khán giả đã quen xem chương trình QTX, vẫn mong và chờ ngày đầu tháng, để được lên chuyến tàu QTX về lại quá khứ.
Việt Châu