Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh:
Luật Đầu tư hiện đang xung đột với Luật Dầu khí
(PetroTimes) - Ngày 5/8, Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc xây dựng thể chế pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước pháp quyền XHCN. Tất cả các phiên họp Chính phủ thường kỳ đều dành nhiều thời gian cho nhiệm vụ này. Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ phát huy trí tuệ tập thể, đóng góp ý kiến vào các nội dung tờ trình, dự thảo do các bộ, cơ quan trình; phát biểu gọn, đi vào trọng tâm, trọng điểm những vấn đề liên quan.
Toàn thể phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật |
Tại phiên làm việc, các thành viên Chính phủ, đại diện các cơ quan, tổ chức liên quan đã có ý kiến, phát biểu về công tác và chất lượng làm luật. Nhiều ý kiến cho rằng hiện tại đang có nhiều vướng mắc trong triển khai Luật, các luật còn chồng chéo, xung đột lẫn nhau khiến cho việc triển khai các công việc liên quan còn chậm trễ, gây khó khăn giữa các cơ quan, tổ chức thi hành luật.
Dẫn chứng cho điều này, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng Luật Đầu tư hiện tại đang xung đột với Luật Dầu khí. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ: “Dầu khí là lĩnh vực đặc biệt, liên quan đến an ninh quốc phòng. Nhiều vấn đề theo Luật Dầu khí thì phải Thủ tướng mới quyết được. Nhưng chiếu theo Luật Đầu tư thì lại phải giao UBND tỉnh. Chậm trễ, khó khăn nhiều khi ở đó” .
Để giải quyết vấn đề trên, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật dự kiến sửa đổi, bổ sung 50/173 điều, nhằm nâng cao trách nhiệm, chất lượng công tác và sự phân công hợp lý, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, thông qua các văn bản quy phạm pháp luật.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ đối với các chồng chéo, vướng mắc giữa các luật, giao Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan rà soát. Các Thành viên Chính phủ cần phải tập trung cho công tác xây dựng pháp luật, đây là nền tảng quan trọng cho chỉ đạo điều hành. Nâng cao trách nhiệm, chất lượng văn bản, phân công, phối hợp chặt chẽ hơn trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.
Thủ tướng yêu cầu từng Bộ trưởng, thành viên Chính phủ khi được giao chủ trì dự án luật phải đề cao trách nhiệm, theo sát đến cùng cho đến khi Quốc hội thông qua, bảo đảm tính hệ thống, thông suốt, không cắt khúc trong quá trình xây dựng luật. Đồng thời nhấn mạnh, vai trò của Chính phủ là cơ quan hoạch định chính sách quốc gia, có trách nhiệm xây dựng chính sách bảo đảm phù hợp với thực tiễn quản lý, điều hành, từ soạn thảo, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện cho đến khi trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật.
P.V