Điện mặt trời áp mái - Những lợi ích thiết thực
(PetroTimes) - Phát triển điện mặt trời (ĐMT) tại Việt Nam, trong đó, ĐMT trên mái nhà (thường gọi là ĐMT áp mái) được cho là có nhiều tiềm năng để khai thác có hiệu quả cao. Phóng viên Báo Năng lượng Mới có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ninh Hải - Trưởng phòng Năng lượng tái tạo, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, xung quanh câu chuyện ĐMT áp mái.
Ông Nguyễn Ninh Hải: Theo tính toán của WB, tiềm năng kỹ thuật ĐMT áp mái của cả nước có thể đến 13-15 nghìn MW. Việc khai thác tiềm năng này sẽ được xem xét phù hợp với điều kiện kinh tế, khả năng vận hành hệ thống điện, phù hợp với từng thời kỳ.
PV: Ông có thể cho biết, đến nay, Việt Nam có những cơ chế, chính sách nào khuyến khích khai thác các tiềm năng ĐMT?
Ông Nguyễn Ninh Hải: Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT nói chung, trong đó có ĐMT quy mô lớn và ĐMT áp mái. Tuy nhiên, để thuận tiện hơn trong cơ chế hạch toán, thanh toán đối với các dự án ĐMT áp mái, đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi quy định đối với ĐMT áp mái, theo đó, các dự án ĐMT trên mái nhà được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm hai chiều.
Bên mua điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện thanh toán lượng điện năng từ dự án ĐMT trên mái nhà phát lên lưới điện với giá là 9,35 UScent/kWh, thanh toán bằng tiền Việt Nam theo tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam so với USD do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố vào ngày công bố tỷ giá cuối cùng của năm trước. Tuy nhiên, hiện nay các quy định này đã hết hiệu lực.
Ông Nguyễn Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0): EVN và A0 mong muốn được phát hết công suất nguồn điện gió, ĐMT, bởi giá điện gió, ĐMT dù có đắt (2.086 đồng/kWh) nhưng vẫn rẻ hơn nhiệt điện dầu (3.000-5.000 đồng/kWh). Trong khi đó, hiện nay EVN vẫn đang phải huy động nhiệt điện dầu để đáp ứng nhu cầu phụ tải. Trong chế độ huy động nguồn điện, các nguồn năng lượng tái tạo luôn được ưu tiên huy động tối đa. |
Với các lợi ích của ĐMT áp mái mà chúng ta đã biết, Bộ Công Thương đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ tiếp tục áp dụng giá bán ĐMT áp mái 9,35 UScent/kWh đến hết năm 2021, đồng thời Bộ Công Thương cũng đề xuất thêm các phương thức mua bán ĐMT khác nhau như: Bán toàn bộ cho EVN; tự dùng một phần và bán phần dư cho EVN; bán một phần cho hộ tiêu thụ khác và phần dư bán cho EVN; bán toàn bộ cho hộ tiêu thụ khác trong khu công nghiệp, để tiếp tục thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư ĐMT áp mái.
PV: Mới đây nhất, Bộ Công Thương đã khởi động Chương trình thúc đẩy phát triển ĐMT mái nhà tại Việt Nam giai đoạn 2019-2025. Mục đích, ý nghĩa của chương trình này là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Ninh Hải: Mục tiêu của chương trình là thúc đẩy hơn nữa sự phát triển ĐMT áp mái, phát triển ĐMT áp mái một cách bền vững; quảng bá, thông tin về ĐMT áp mái đầy đủ, đa chiều đến người dân; đào tạo cho các công ty, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực lắp đặt ĐMT áp mái; đánh giá, chứng nhận cho các công ty, thiết bị bảo đảm chất lượng; có các chương trình hỗ trợ một phần tài chính cho các hộ gia đình có lắp đặt ĐMT áp mái; xây dựng các chương trình liên kết các ngân hàng thương mại, nhà cung cấp, nhà đầu tư để đưa ra các gói sản phẩm phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau; cung cấp các quy trình đăng ký lắp đặt, hướng dẫn kỹ thuật...
Hệ thống ĐMT áp mái được lắp đặt và đưa vào sử dụng tại nhà làm việc Tổng công ty Điện lực miền Trung |
PV: Những đối tượng nào được tham gia vào chương trình này? Khi tham gia, họ được hỗ trợ gì không?
Ông Nguyễn Ninh Hải: Chương trình không giới hạn đối tượng tham gia. Tuy nhiên các hoạt động cụ thể sẽ hướng đến các đối tượng khác nhau, ví dụ: Hiện chương trình đang xây dựng gói hỗ trợ tài chính dự kiến 2-3 triệu đồng cho 1 kWp lắp đặt và tối đa không quá 6-9 triệu đồng cho 1 khách hàng; chương trình đào tạo hướng đến các công ty thực hiện việc bán và lắp đặt hệ thống ĐMT áp mái...
PV: Theo thông tin tổng hợp, tới nay đã có hơn 8.000 hộ gia đình đã lắp đặt ĐMT áp mái để sử dụng và bán điện cho EVN. Tổng công suất ĐMT áp mái đã đạt xấp xỉ 150 MWp, trong khi số liệu hồi đầu năm 2019 mới chỉ hơn 30 MWp… Điều gì đã khiến ĐMT áp mái phát triển nhanh như vậy, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh EVN: Vài năm trước, giá lắp đặt ĐMT áp mái có thể lên đến 50-60 triệu đồng/kWp, nay đã giảm rất nhiều. Hiện tại, khó có nhà sản xuất nào lắp đặt với mức giá vượt quá 20 triệu đồng/kWp, bao gồm cả pin, inverter, các công cụ lắp đặt, hệ thống giàn giá đỡ… |
Ông Nguyễn Ninh Hải: Con số đó đã cũ rồi. Số liệu cập nhật từ EVN đến ngày 18-7-2019, đã có 9.314 khách hàng lắp đặt ĐMT áp mái với tổng công suất 193 MWp, trong đó lắp đặt tại trụ sở các doanh nghiệp thuộc EVN là 6,57 MWp; 7.550 khách hàng là các hộ sinh hoạt với tổng công suất 40,46 MWp; 1.560 khách hàng là hộ tiêu thụ khác với tổng công suất 145,9 MWp.
Theo tôi, ĐMT áp mái phát triển nhanh hơn là do một số lý do: Đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hạch toán, thanh toán đối với ĐMT áp mái. Thị trường ĐMT ở Việt Nam đã bước đầu hình thành và phát triển, giá thiết bị ĐMT như inverter, tấm quang điện giảm khá nhiều. Thông tin về ĐMT áp mái đã được quảng bá rộng rãi hơn. EVN đã rất tích cực trong việc ban hành hướng dẫn, thủ tục lắp đặt, phối hợp với người dân trong quá trình lắp đặt ĐMT áp mái...
Hệ thống pin nhà máy ĐMT trên hồ thủy điện Đa Mi |
PV: Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông nhìn nhận như thế nào về lợi ích cụ thể của các đối tượng gia đình, doanh nghiệp khi lắp đặt ĐMT áp mái?
Số liệu cập nhật từ EVN đến ngày 18-7-2019, đã có 9.314 khách hàng lắp đặt ĐMT áp mái với tổng công suất 193 MWp, trong đó lắp đặt tại trụ sở các doanh nghiệp thuộc EVN là 6,57 MWp; 7.550 khách hàng là các hộ sinh hoạt với tổng công suất 40,46 MWp; 1.560 khách hàng là hộ tiêu thụ khác với tổng công suất 145,9 MWp. |
Ông Nguyễn Ninh Hải: Chúng ta phải thấy rằng, không phải tất cả gia đình, doanh nghiệp lắp ĐMT áp mái đều thu được lợi ích như nhau. Để bảo đảm hiệu quả, thu được lợi ích cao, các gia đình, doanh nghiệp cần xem xét, cân nhắc nhiều yếu tố: Vị trí nhà, xưởng có bị che bóng bởi nhà bên cạnh, nhà cao tầng, bóng cây, cột đèn, cột điện...; mái lắp đặt ở các vùng miền khác nhau đem lại hiệu quả kinh tế khác nhau; thiết kế hệ thống điện áp mái phù hợp; biểu đồ tiêu thụ điện của gia đình, doanh nghiệp; lượng điện tiêu thụ hằng tháng của gia đình, doanh nghiệp; chất lượng thiết bị...
Trong đó có các yếu tố chính cần lưu ý: Mái lắp ĐMT ở miền nào, vì cường độ bức xạ mặt trời các miền khác nhau là rất khác nhau. Tiếp đến là biểu đồ tiêu thụ và lượng điện tiêu thụ hằng tháng, ví dụ: Gia đình cả ngày đi làm, chiều tối mới về sử dụng điện, trong khi đó ĐMT chỉ phát vào ban ngày. Khi đó, hầu như toàn bộ ĐMT sản xuất ra sẽ bán cho EVN. Do đó, gia đình, doanh nghiệp cần cân nhắc, tính toán chi tiết để đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất.
PV: Xin cảm ơn ông!
Coi trọng truyền thông về điện mặt trời
Nhiều tính toán cho thấy, có tới 30% mái nhà ở một số khu vực như TP HCM hay Đà Nẵng có khả năng lắp đặt ĐMT áp mái cho hiệu quả cao. Theo phân tích của các chuyên gia năng lượng, có rất nhiều lợi ích mà ĐMT áp mái đem lại cho cả Nhà nước và người tiêu dùng điện. Cụ thể, đối với Nhà nước, lợi ích không chỉ là có thêm một nguồn năng lương sạch với sản lượng khá cao nếu được khuyến khích đầu tư, đồng nghĩa với việc giảm tối đa nguồn vốn ngân sách phải đầu tư vào các công trình nguồn phát và lưới truyền tải điện. Theo một tính toán, chỉ cần khoảng 2 triệu nóc nhà tại Việt Nam lắp đặt ĐMT áp mái với công suất 10kW/mái nhà sẽ giúp giảm tương ứng khoảng 16 triệu tấn than mỗi năm do bớt đi nguồn điện phải sản xuất từ năng lượng hóa thạch. Về phía người tiêu dùng, dù là đầu tư nhỏ theo quy mô hộ gia đình hay là tổ chức, doanh nghiệp đầu tư với quy mô lớn hơn, cũng đều cho những lợi ích hết sức thiết thực. Giáo sư, viện sĩ, tiến sĩ khoa học Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam - dẫn chứng: Đối với các hộ gia đình đơn lẻ, ĐMT áp mái phụ thuộc rất nhiều vào chính sách giá điện bậc thang mà hiện nay đang áp dụng với các hộ tiêu thụ. Hộ gia đình lắp đặt thêm ĐMT áp mái sẽ giúp cắt bớt được phần đuôi (những bậc thang cao), giá điện trung bình mà các hộ phải trả sẽ thấp hơn rất nhiều, như vậy sẽ rất có lợi cho người tiêu dùng là hộ gia đình. Còn đối với các doanh nghiệp, cơ quan, hiện nay chính sách giá điện đang áp dụng theo thời điểm sử dụng, nếu dùng nhiều vào giờ cao điểm thì giá điện phải trả cao hơn. Trong khi ĐMT áp mái có khả năng được huy động cao trùng với thời điểm doanh nghiệp phải huy động điện nhiều vào giờ cao điểm. Nếu chỉ tính vào khung giờ buổi sáng, lượng ĐMT áp mái có thể huy động được từ các nhà công cộng có thể đạt 25-30%, nếu tính thêm cả các giờ buổi trưa, cao điểm nắng, thì lượng điện huy động có thể lên tới 60-65%, như vậy sẽ giảm được lượng điện năng phải trả với giá cao đối với các doanh nghiệp, nhà công cộng. Nếu quy định về chênh lệch giá giữa giờ cao điểm và thấp điểm càng nhiều thì lợi ích đạt được càng lớn. Việc lắp đặt ĐMT áp mái hiện nay khá dễ dàng do công nghệ khá phát triển và tương đối phổ biến. Tuy nhiên, cùng với việc thiếu thông tin, chi phí đầu tư còn khá cao, khoảng trên dưới 20 triệu đồng/kWp ĐMT áp mái. Theo các chuyên gia, đây là nguyên nhân chính khiến các hộ dân chưa quan tâm nhiều tới ĐMT áp mái. Theo bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID), giải pháp quan trọng để thúc đẩy ĐMT áp mái phát triển trong thời gian tới là phải coi trọng truyền thông tới cộng đồng, đặc biệt, phải truyền thông tới từng hộ gia đình, từ khả năng đầu tư cũng như lợi ích đạt được của mô hình ĐMT áp mái. |
Nguyễn Linh