Siết chặt quản lý kinh doanh hàng giả nhãn mác trên mạng xã hội
(PetroTimes) - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) sẽ tăng cường xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội.
Ban Chỉ đạo 389: Sáu tháng đầu năm 2019 xử lý 85.892 vụ vi phạm |
Xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, hàng giả đánh lừa người tiêu dùng |
Hà Nội khởi tố 89 vụ buôn lậu và gian lận thương mại |
Ban Chỉ đạo Quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) vừa có văn bản chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động vận chuyển, sản xuất, buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam.
Cơ quan chức năng thu giữ hàng giả, hàng nhái tại một cửa hàng |
Ban Chỉ đạo cũng đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ đẩy mạnh rà soát việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại biên giới. Kịp thời phát hiện, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam.
Ngoài ra, Ban chỉ đạo sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các quy định về hàng hóa xuất xứ Việt Nam cho phù hợp với tình hình thực tế.
Cục Xuất nhập khẩu kiểm tra chặt chẽ việc cấp C/O (giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc của hàng hóa) theo các Hiệp định thương mại tự do FTA, kịp thời cung cấp thông tin về các hiện tượng bất thường, các dấu hiệu nghi vấn để phối hợp với các lực lượng chức năng xác minh, kiểm tra, xử lý kịp thời.
Lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với các cơ quan có liên quan, rà soát và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam; vận động các chủ sở hữu website và ứng dụng thương mại điện tử thực hiện việc cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm, trong đó có xuất xứ hàng hóa, tránh lợi dụng thương mại điện tử để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ phối hợp với các lực lượng chức năng, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, giải pháp kỹ thuật để xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội.
Ban chỉ đạo nêu rõ cần tăng cường kiểm tra việc thực hiện dán nhãn hàng hóa đối với các đơn vị sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin trước khi phân phối sản phẩm ra thị trường; tổ chức thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật…
Nguyễn Hưng