Giải pháp tăng kim ngạch xuất khẩu cho vựa trái cây lớn nhất cả nước
(PetroTimes) - “Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần sớm đầu tư ngay một trung tâm với hệ thống Logistics hiện đại khép kín từ sân bay, cảng đến đóng gói, chế biến xuất khẩu hiện đại, hệ thống kho lạnh tối tân, nhà máy chiếu xạ, nhà máy xông hơi nước nóng xử lý trái cây,” ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay.
Trong gần 1 triệu ha cây ăn trái của cả nước thì toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện chiếm khoảng 600.000ha cây ăn trái và trong 14 loại cây ăn trái chủ lực của cả nước thì ĐBSCL chiếm đến 9 loại. Bên cạnh đó, ĐBSCL là vùng trồng cây ăn quả chủ lực, chiếm gần 60% diện tích của miền Nam.
Tuy nhiên, tại ĐBSCL việc sản xuất đa phần đang ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún; chất lượng chưa đồng đều; chưa có nhiều sản phẩm thương hiệu, chứng nhận nguồn gốc, quy trình đạt chuẩn quy định.
(Ảnh minh họa) |
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết: "Khâu cốt yếu nhất hiện nay là làm sao chúng ta phải đưa nông dân vào các hợp tác xã để liên kết sản xuất thành những vùng đáp ứng cung ứng sản phẩm xuất khẩu. Vì nhà xuất khẩu không thể đi ký từng hợp đồng, thu mua sản phẩm với từng cá nhân đơn lẻ được."
“Khu vực ĐBSCL cần sớm đầu tư ngay một trung tâm với hệ thống Logistics hiện đại khép kín từ sân bay, cảng đến đóng gói, chế biến xuất khẩu hiện đại, hệ thống kho lạnh tối tân, nhà máy chiếu xạ, nhà máy xông hơi nước nóng xử lý trái cây,” ông Đặng Phúc Nguyên nói.
Theo Cục Bảo vệ Thực vật, đến nay, những mặt hàng quả tươi chủ lực của vùng như thanh long, xoài, chôm chôm, vú sữa, nhãn đã được hầu hết các thị trường khó tính và có giá trị cao như Mỹ, EU, Cananda, Australia, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc cho phép nhập khẩu.
Từ đó, đã góp phần tạo ra tăng trưởng trong kim ngạch xuất khẩu rau quả hơn 40% hàng năm với giá trị kim ngạch từ khoảng 1 tỷ USD năm 2013 lên 3,8 tỷ USD năm 2018.
Tuy nhiên, rào cản kỹ thuật các nước nhập khẩu ngày càng tăng, kể cả thị trường Trung Quốc vốn được coi là thị trường dễ tính đã làm tăng giá thành sản phẩm và nguy cơ mất thị trường nếu không tuân thủ yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Thực tế, trong lượng trái cây xuất khẩu năm 2018 đã có hơn 11.000 tấn quả tươi phải áp dụng giải pháp xử lý hơi nóng và xử lý chiếu xạ trước khi xuất sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Australia.
Để phát triển phù hợp với tiềm năng của một vựa trái cây lớn nhất cả nước, trong thời gian tới, vùng ĐBSCL phải quy hoạch lại sản xuất hướng đến đi vào sản xuất lớn, có chứng nhận nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng sản phẩm được đảm bảo. Đồng thời, tổ chức liên kết sản xuất giữa người nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu và các cơ quan nghiên cứu kho học chặt chẽ, hiệu quả và bền vững.
M.T