VietinBank và Bộ Y tế đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử
(PetroTimes) - Vừa qua tại TP. Đà Nẵng, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị “Đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử (BAĐT) hướng tới bệnh viện (BV) không sử dụng bệnh án giấy và không sử dụng tiền mặt thanh toán viện phí”. VietinBank đồng hành cùng Bộ Y tế trong chương trình này và là ngân hàng tiên phong ứng dụng thanh toán điện tử (TTĐT) trong khám, chữa bệnh.
Tham dự Hội nghị có Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế); các Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ đang công tác tại các cơ quan trong Ngành Y tế cùng đại diện chính quyền địa phương. Đại diện VietinBank có ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin (CNTT) tham dự.
Ông Trần Quý Tường phát biểu tại Hội nghị |
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi cách thức triển khai BAĐT tại các cơ sở y tế, mã số định danh bệnh nhân, ứng dụng sử dụng TTĐT trong khám chữa bệnh. Theo đó, lộ trình triển khai hồ sơ BAĐT gồm hai giai đoạn 2019 - 2023 và 2024 - 2028. Theo Bộ Y tế, từ nay đến năm 2023, các cơ sở khám, chữa bệnh hạng I trở lên phải chủ động nâng cấp hệ thống CNTT để triển khai hồ sơ BAĐT. Các cơ sở y tế còn lại căn cứ vào nhu cầu, năng lực thực tế để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc triển khai.
Trong giai đoạn 2024 - 2028, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ BAĐT. Nếu các cơ sở trực thuộc Bộ Y tế hay bộ/ngành khác chưa triển khai được thì phải có văn bản báo cáo Bộ.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Quý Tường cho biết: Hiện 100% BV đã ứng dụng CNTT trong khám, chữa bệnh và triển khai phần mềm quản lý thông tin BV (HIS); 92,3% BV triển khai ứng dụng phần mềm quản lý thông tin xét nghiệm (LIS); 86,2% BV triển khai phần mềm quản lý điều hành (văn bản điện tử, thư điện tử)… Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, Bộ Y tế đã chỉ đạo đẩy mạnh kết nối liên thông giữa các cơ sở y tế.
Cũng theo ông Trần Quý Tường, việc triển khai hồ sơ BAĐT trong các cơ sở y tế còn gặp nhiều khó khăn: Nhiều cơ sở chưa chủ động triển khai hồ sơ BAĐT; việc thay đổi thói quen ghi chép trên giấy sang sử dụng máy tính đòi hỏi có thời gian; hạ tầng CNTT tại các cơ sở khám, chữa bệnh thiếu đồng bộ; thiếu tiêu chuẩn kết nối, liên thông dữ liệu giữa các hệ thống thông tin y tế tại các cơ sở y tế; cơ chế tài chính chưa rõ ràng… Bên cạnh đó là các vấn đề về bảo mật thông tin bệnh nhân, an ninh mạng, vấn đề đồng bộ hóa đối với hệ thống… cũng cần được giải quyết.
Ông Trần Công Quỳnh Lân trình bày tham luận |
Đại diện VietinBank, Phó Tổng Giám đốc Trần Công Quỳnh Lân đã trình bày tham luận, giới thiệu các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế của VietinBank. Theo đó, VietinBank đã cung cấp cho các BV, cơ sở y tế các giải pháp TTĐT nhằm hỗ trợ khách hàng thanh toán phí các dịch vụ y tế bằng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt mọi lúc, mọi nơi như: Thanh toán qua POS tích hợp với phần mềm của BV; thanh toán QR Code; thanh toán qua Kiosk; thanh toán tiền khám ban đầu trên website/app của BV; thanh toán bằng Thẻ khám bệnh…
Chia sẻ cùng Bộ Y tế về những khó khăn khi triển khai các giải pháp thanh toán viện phí, ông Lân chỉ ra một vài điểm như: Phần mềm BV chưa đáp ứng được việc tích hợp với các giải pháp thanh toán với ngân hàng; thời gian kết nối giữa ngân hàng và phần mềm BV kéo dài, chưa tích hợp nhiều tiện ích thanh toán trên phương tiện thanh toán viện phí cho người dân…
Trước những khó khăn đó, ông Trần Công Quỳnh Lân cho rằng: “Cần phải kiện toàn phần mềm quản lý tại các BV, cho phép quản lý bệnh nhân theo mã duy nhất và xuyên suốt. Bên cạnh đó, việc chuẩn hóa kết nối thanh toán giữa ngân hàng và phần mềm quản lý BV, việc xây dựng cơ sở dữ liệu chung về hồ sơ bệnh nhân trên toàn quốc cũng là yếu tố quan trọng. Đặc biệt, nên tích hợp phương tiện thanh toán viện phí với nhiều hệ thống khác nhằm gia tăng tiện ích thanh toán. VietinBank sẵn sàng đồng hành cùng Bộ Y tế và toàn xã hội, xây dựng thành công mô hình BAĐT và đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng dịch vụ thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và cơ quan quản lý”.
Việc ngân hàng và các đơn vị phối hợp cùng Bộ Y tế triển khai BAĐT, ứng dụng thanh toán viện phí không dùng tiền mặt sẽ mang lại lợi ích to lớn cho người dân trong công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Đồng thời, các BV sẽ tiết giảm được thời gian, chi phí… để tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Ngân Hà - Bá Mãi