Huy động hàng trăm tỷ đồng, bà Nguyễn Thanh Phượng vẫn “gặp khó” kinh doanh
Vừa khiến cổ đông “mát lòng” khi phát hành thành công 500 tỷ đồng trái phiếu, tuy nhiên, mới đây Công ty Chứng khoán Bản Việt do bà Nguyễn Thanh Phượng đồng sáng lập lại công bố kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh trong nửa đầu năm 2019.
Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC - mã chứng khoán VCI) vừa công bố báo cáo tài chính quý II với kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh.
Cụ thể, doanh thu hoạt động của VCSC trong kỳ giảm 11,2% so với cùng kỳ còn xấp xỉ 406 tỷ đồng. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu giảm 19,3% còn hơn 77 tỷ đồng. Đáng chú ý là doanh thu từ môi giới giảm tới 64% còn gần 121 tỷ đồng; thu từ tư vấn đầu tư chứng khoán giảm 6,5%.
Ngược lại, doanh thu từ danh mục đầu tư ghi nhận lãi/lỗ (FVTPL) lại bất ngờ tăng mạnh, đạt gần 185 tỷ đồng và gấp hơn 9 lần so với kết quả đạt được trong quý II/2018.
Một số hạng mục khác như doanh thu từ lưu ký tăng nhẹ 1,6%; doanh thu từ tư vấn tài chính tăng hơn 25 lần; doanh thu khác tăng hơn 41% - tuy nhiên, giá trị của những khoản doanh thu này lại khiêm tốn và chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng doanh thu của VCSC.
Trong kỳ, chi phí hoạt động tăng mạnh hơn 35% lên gần 190 tỷ đồng và chi phí quản lý cũng tăng gần gấp đôi lên gần 10 tỷ đồng nên mặc dù doanh thu hoạt động tài chính tăng hơn 64% lên hơn 1 tỷ đồng và chi phí tài chính được tiết giảm hơn 51% còn gần 37 tỷ đồng thì lợi nhuận của VCSC cũng sa sút đáng kể.
Theo đó, lãi trước thuế của VCSC trong quý II/2019 ở mức 171 tỷ đồng, giảm 30,5% so cùng kỳ và lãi sau thuế giảm 29,6% còn gần 140 tỷ đồng.
Chứng khoán nửa đầu năm lình xình ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh của VCSC |
Kết quả này kéo theo con số luỹ kế 6 tháng đầu năm của VCSC giảm mạnh so với cùng kỳ: doanh thu hoạt động giảm 24,8% còn gần 773 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế giảm 35,5% còn gần 420 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cũng giảm tương ứng còn hơn 342 tỷ đồng.
VCSC đặt mục tiêu doanh thu cho năm 2019 là 1.650 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 680 tỷ đồng (giảm hơn 17% so với năm 2018). Như vậy, sau nửa năm, doanh nghiệp do bà Nguyễn Thanh Phượng đồng sáng lập và làm Chủ tịch HĐQT hoàn thành chưa tới 50% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đặt ra.
Báo cáo tài chính quý II của VCSC cũng cho thấy, tại thời điểm 30/6/2019, VCSC có hơn 6.187 tỷ đồng tổng tài sản, giảm 322 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó tài sản tài chính ngắn hạn gần 6.070 tỷ đồng, giảm gần 359 tỷ đồng.
Tiền và các khoản tương đương tiền sau nửa năm chỉ còn phân nửa, giảm từ hơn 1.144 tỷ đồng hồi đầu năm còn gần 547 tỷ đồng.
Khoản tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) tăng mạnh từ hơn 425 tỷ đồng của thời điểm đầu năm lên xấp xỉ 1.000 tỷ đồng vào cuối quý II. Trong đó, VCSC đang nắm giữ trong danh mục một lượng lớn gần 175 tỷ đồng cổ phiếu KDH, gần 85 tỷ đồng cổ phiếu HPG, gần 66 tỷ đồng cổ phiếu MBB, gần 96 tỷ đồng cổ phiếu VNM và gần 139 tỷ đồng cổ phiếu SCR… (theo giá trị thị trường).
Mới đây, VCSC đã thành công trong việc phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu với sự tham gia đáng chú ý của Masan Group và VietJet. Trong khi VietJet chi tới 350 tỷ đồng để đầu tư vào 70% lượng trái phiếu mà VCSC phát hành đợt này thì Masan Group cũng bỏ ra 37 tỷ đồng để mua vào 7% lượng trái phiếu phát hành.
Các nhà đầu tư cá nhân trong nước mua lượng trái phiếu phát hành của VCSC có giá trị 103 tỷ đồng, tương đương 21% và nhà đầu tư cá nhân nước ngoài mua 10 tỷ đồng còn lại, tương đương 2%.
Toàn bộ 50.000 trái phiếu của VCSC (mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu) là lô trái phiếu ghi danh, không chuyển đổi, kỳ hạn 2 năm (mỗi năm 365 ngày) và có lãi suất danh nghĩa và lãi suất phát hành thực tế cùng trong khoảng 6-8,2%/năm.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VCI của VCSC giảm nhẹ 100 đồng (0,29%) trong phiên 22/7 còn 33.800 đồng sau khi đã đạt mức tăng 1,19% vào cuối tuần trước.
Theo Dân trí