Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt gần 23 tỷ USD
(PetroTimes) - Trong 5 tháng đầu năm 2019, trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 22,72 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2018. Mỹ vẫn tiếp tục duy trì vị thế là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam.
Những mặt hàng chủ lực xuất sang Mỹ sẽ phải chịu giám sát chặt chẽ hơn |
Xuất khẩu sang Mỹ có thể đạt 20 tỉ USD |
Theo Tổng cục Hải quan, kết thúc năm 2018, trị giá xuất khẩu sang Mỹ đạt 47,53 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2017.
Trong 5 tháng đầu năm 2019, trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 22,72 tỷ USD, tăng cao tới 29% so với năm 2018.
Mỹ vẫn tiếp tục duy trì vị thế là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam.
Với kết quả hoạt động xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2019, trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 22,5% trong tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam với tất cả các thị trường trên thế giới.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt gần 23 tỷ USD |
Nhóm mặt hàng xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ là các nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 3,77 tỷ USD, tăng 92%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,79 tỷ USD, tăng 72%; máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng đạt 1,69 tỷ USD, tăng 54%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,84 tỷ USD, tăng 35%; giày dép các loại đạt 2,61 tỷ USD, tăng 13%; hàng dệt may đạt 5,7 tỷ USD, tăng 11%.
Với mức tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Mỹ lên đến 29% trong 5 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018, dự báo xu hướng xuất khẩu vào thị trường này còn tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng cao dễ dẫn đến nguy cơ hàng hóa Việt Nam bị Mỹ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nếu phát hiện có dấu hiệu gian lận xuất xứ.
Theo nhận định, việc Việt Nam ra nhập nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ cũ và mới CPTPP, VEFTA cũng như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Hàn Quốc - Nhật Bản sẽ đặt ra thách thức rất lớn cho công tác quản lý hải quan đối với vấn đề phòng, chống buôn lậu, gian lận xuất xứ (C/O), đặc biệt là C/O hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu đi các thị trường này để hưởng ưu đãi thuế quan trong khi Trung Quốc và Việt Nam hiện có các khu thương mại xuyên biên giới với những hàng hóa Trung Quốc sản xuất tại đây có thể mang nhãn mác xuất xứ từ Việt Nam và từ đó tránh được các loại thuế vào Mỹ và EU.
Bên cạnh đó, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ (IPR) tại Việt Nam từ quy định pháp luật đến thực tiễn còn rất nhiều hạn chế dẫn tới nguy cơ hàng hóa gian lận xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi Mỹ, EU và thị trường các nước đối tác FTA là không thể tránh khỏi, gây thất thu thuế và cạnh trạnh không lành mạnh hoặc các nước sẽ áp dụng chính sách thuế tự vệ cho hàng hóa hợp pháp của Việt Nam.
Nguyễn Hưng