Tỉ lệ thuốc kém chất lượng chỉ còn hơn 1%
(PetroTimes) - Theo thống kê của Cục Quản lý Dược, nếu như năm 2013, cơ quan này lấy gần 40.000 mẫu để kiểm nghiệm, kết quả tỉ lệ thuốc kém chất lượng ở mức 2,54% thì đến năm 2018, tỉ lệ này giảm xuống còn 1,32%.
Thuốc nội địa đáp ứng 50% nhu cầu khám, chữa bệnh trong nước |
Sử dụng thuốc nội địa tăng gấp đôi so với 5 năm trước |
Theo ông Vũ Tuấn Cường, Bộ Y tế luôn xác định chất lượng thuốc là một trong những yếu tố quyết định đến hiệu quả điều trị bệnh và là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất quyết định việc lựa chọn thuốc và kê đơn của thầy thuốc, tạo niềm tin của người tiêu dùng.
Do vậy thời gian qua cơ quan này đã lấy nhiều mẫu thuốc để kiểm nghiệm, phát hiện thuốc kém chất lượng để cảnh báo DN và người dân.
Theo thống kê của Cục Quản lý Dược, nếu như năm 2013, cơ quan này lấy gần 40.000 mẫu để kiểm nghiệm, kết quả tỉ lệ thuốc kém chất lượng ở mức 2,54% thì đến năm 2018, tỉ lệ này giảm xuống còn 1,32%.
Cơ quan chức năng kiểm tra nhà thuốc |
“Bộ Y tế đang cố gắng giảm thấp nhất tỉ lệ thuốc kém chất lượng và đưa tỉ lệ thuốc giả về dưới 0,1%- mức thấp nhất so với các nước trong khối ASEAN", Cục trưởng Cục Quản lý Dược Vũ Tuấn Cường nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc siết chặt công tác quản lý, nâng cao chất lượng các loại thuốc, đáp ứng nhu cầu điều trị của người tiêu dùng, theo ông Cường, ngành Dược là ngành kinh doanh có điều kiện được tiêu chuẩn hóa rất cao, tất cả các thuốc lưu thông phân phối trên thị trường đều phải được phép lưu hành của Bộ Y tế và đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.
Cũng theo Cục trưởng Cục Quản lý Dược, tất cả các hoạt động trong ngành Dược đều phải được kiểm tra cấp phép trước khi hoạt động (phải đáp ứng các nguyên tắc Thực hành tốt GMP, GLP, GSP, GDP, GPP).
Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc cũng như việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng thuốc đều được giám sát chặt chẽ bằng hình thức tiền kiểm và hậu kiểm.
Với công tác tiền kiểm, theo ông Cường, thuốc trước khi đưa ra lưu hành trên thị trường phải được Bộ Y tế thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc bao gồm từ nguyên liệu, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, độ ổn định và dữ liệu lâm sàng.
Ngoài ra, theo lãnh đạo Cục Quản lý Dược, nhà sản xuất phải đáp ứng điều kiện sản xuất (tuân thủ GMP) và phải tuân thủ đúng hồ sơ đăng ký thuốc đã được phê duyệt trong quá trình sản xuất và phải kiểm tra chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn đã được đăng ký trước khi đưa thuốc ra thị trường.
Với công tác hậu kiểm, ông Cường khẳng định, khi đưa thuốc lưu hành trên thị trường, cơ sở sản xuất/nhập khẩu phải tự giám sát và chịu trách nhiệm đối với chất lượng thuốc do cơ sở mình sản xuất, báo cáo cơ quan quản lý khi phát hiện các dấu hiệu có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng và chịu sự lấy mẫu, giám sát của cơ quan quản lý và kiểm tra đánh giá điều kiện cơ sở sản xuất 3 năm/lần hoặc đột xuất.
Được biết, hiện cả nước có 198 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế thế giới, 11 nhà máy đã đầu tư và đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến như tiêu chuẩn của châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, PIC/S. Thuốc sản xuất trong nước đáp ứng đầy đủ 27 nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới.
Nguyễn Bách