Công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp điện tử
Vượt qua chính mình để tham gia chuỗi giá trị
(PetroTimes) - Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc thu hút đầu tư, phát triển ngành công nghiệp điện tử. Tuy nhiên, tiềm năng này chỉ có thể biến thành hiện thực khi năng lực của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho công nghiệp điện tử khắc phục được những điểm yếu và đáp ứng được đòi hỏi của các tập đoàn đa quốc gia nước ngoài.
Khu vực FDI chiếm vị thế “độc tôn”
Số liệu của Hiệp hội Điện tử Việt Nam cuối năm 2017 cho thấy, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đứng thứ 12 thế giới và thứ 3 trong khu vực ASEAN về xuất khẩu điện tử với giá trị vượt ngưỡng 70 tỉ USD.
Có thể nói, xu hướng chuyển dịch và đầu tư vào ngành công nghiệp điện tử Việt Nam của các nhà đầu tư những năm gần đây đã rất rõ ràng. Sự phát triển của ngành điện tử Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm của các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các tập đoàn từ Hàn Quốc, Nhật Bản, ở cả lĩnh vực sản xuất sản phẩm cuối cùng và sản xuất linh kiện. Những tập đoàn điện tử lớn hàng đầu thế giới hầu hết đã có mặt tại Việt Nam như Samsung, LG, Canon, Intel, Panasonic...
Vượt qua chính mình để tham gia chuỗi giá trị |
Chính vì sự đầu tư ồ ạt của các tập đoàn đa quốc gia nước ngoài khiến DN trong nước đang ngày càng “lép vé”. Phần lớn giá trị xuất khẩu (95%) nằm trong khu vực FDI, trong khi các DN nội địa vẫn chưa đủ sức tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và có đến 77% giá trị sản phẩm điện tử là nhập khẩu hoàn toàn. Điều này được minh chứng ở thực tế.
Các dự án điện tử lớn nhất cả nước hiện thuộc Tập đoàn Samsung đến từ Hàn Quốc, với tổng vốn đầu tư tại Việt Nam tính đến nay tới 11,2 tỉ USD. Sản phẩm chủ yếu của Samsung là điện thoại di động và các sản phẩm công nghệ cao. Ngoài Samsung, hàng loạt dự án lớn của Intel (trên 1 tỉ USD); LG (1,5 tỉ USD); Canon (306 triệu USD); Panasonic (250 triệu USD) cũng đã lần lượt hiện diện tại Việt Nam.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là, mặc dù các DN FDI trong lĩnh vực công nghiệp điện tử phần lớn là những tập đoàn lớn, nhu cầu về sản phẩm CNHT rất cao, nhưng hầu hết nhà cung cấp sản phẩm CNHT của Việt Nam chưa kết nối được với các DN FDI. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do các DN Việt Nam đang hoạt động trong ngành CNHT phần đông là các DN nhỏ và vừa, trình độ, kỹ năng của người lao động còn nhiều hạn chế, nguồn vốn đầu tư hạn hẹp...
Đánh giá về thực trạng này, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từng nhận định, ngành công nghiệp điện tử là biểu tượng cho hội nhập của Việt Nam, được đánh giá là ngành công nghệ cao, chiếm 0,5 triệu lao động, đóng góp lớn cho xuất khẩu. Ngành công nghiệp điện tử còn góp phần mang thương hiệu “Made in Vietnam” ra thế giới. Tuy nhiên các DN CNHT Việt Nam đang tham gia vào lĩnh vực công nghiệp điện tử với công đoạn có giá trị thấp nhất, sử dụng lao động có tay nghề thấp nhất, nên giá trị gia tăng tạo ra cũng thấp nhất. TS Vũ Tiến Lộc nói thêm, người lao động trong ngành công nghiệp điện tử chỉ tham gia công đoạn lắp ráp, còn DN Việt Nam chỉ cung cấp bao bì... Đó là nghịch lý lớn khiến ngành công nghiệp điện tử Việt Nam chưa thoát khỏi tình trạng lắp ráp.
Con đường duy nhất để phát triển
Theo các chuyên gia trong ngành công nghiệp điện tử, để các DN CNHT trong nước có cơ hội phát triển, tìm được chỗ đứng của mình, thì việc đầu tư đổi mới công nghệ thật sự là vấn đề cấp thiết và cần được các bộ, ngành đặc biệt quan tâm để tìm ra giải pháp hợp lý.
Hiện nay, nhiều nhà đầu tư trong nước cũng đã coi ngành CNHT là ngành quan trọng của tương lai, vì thế đã “rót” nguồn vốn không nhỏ để đầu tư phát triển và sẵn sàng hợp tác, liên kết với các DN CNHT nhỏ và vừa để tham gia vào chuỗi sản xuất. Công ty CP Ôtô Trường Hải (Thaco) là một ví dụ. Mới đây, ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Thaco chia sẻ: Thaco Trường Hải rất mong muốn liên kết với các DN CNHT trên cả nước nhằm hình thành một cộng đồng DN kết nối, hợp tác chuyển giao công nghệ để hoàn thiện chuỗi giá trị từ nghiên cứu phát triển đến sản xuất và kinh doanh.
“Định hướng của Thaco Trường Hải là phát triển CNHT dựa trên nền tảng cơ khí chế tạo nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh” - Tổng giám đốc Thaco nhấn mạnh.
Nổi bật nhất trong lĩnh vực công nghiệp điện tử thời gian vừa qua không thể không kể đến cái tên Vinfast. Ông Trần Lê Phương, Phó tổng giám đốc đối ngoại Vinfast cho biết: Vinfast đang tạo ra chuỗi sản xuất mới, sân chơi mới để cho các DN CNHT tham gia, thể hiện mình. Cụ thể, dự án sản xuất ôtô, xe máy điện của Vinfast tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 3 tỉ USD đã được triển khai tại Hải Phòng. Ngoài ra, Vinfast đã dành 70ha làm CNHT, sẵn sàng mời các nhà đầu tư về lĩnh vực CNHT đến đầu tư, hợp tác, mong muốn kết nối với các DN CNHT để cùng thúc đẩy ngành CNHT phát triển.
Thực tế cho thấy, trình độ công nghệ của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam vẫn còn khoảng cách quá xa so với các nước trong khu vực. Ngành công nghiệp điện tử cần một quá trình phát triển từng bước và lâu dài. Theo đó, DN phải vượt qua chính mình, tự nâng cao năng lực của chính mình như nâng cao trình độ công nghệ, năng lực quản trị, tài chính, kết nối DN; tăng cường marketing và xuất khẩu, tham gia vào một số chương trình hướng đến xuất khẩu, marketing quốc tế; mạnh dạn đầu tư thiết bị công nghệ mới... Ngoài những nỗ lực của cộng đồng DN thì việc Chính phủ nghiên cứu, ban hành các cơ chế chính sách phù hợp cũng là yếu tố quyết định đối với sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp điện tử Việt Nam.
Phát triển CNHT trong thời gian gần đây cũng đã được Chính phủ và các DN quan tâm nhiều hơn và đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng được với yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài và mong muốn của các nhà quản lý. Hiện các DN CNHT đang gặp rất nhiều khó khăn từ việc tìm mặt bằng sản xuất đến vay vốn ngân hàng với lãi suất phù hợp hay tiếp cận các chương trình ưu đãi của Chính phủ. Bên cạnh đó, Việt Nam thiếu các trung tâm, viện nghiên cứu đầu ngành để trợ giúp kỹ thuật, công nghệ cho các DN, thực hiện thử nghiệm sản phẩm. Trong khi đó, DN CNHT cho ngành công nghiệp điện tử muốn tham gia chuỗi cung ứng phải có thực lực, trước hết là trình độ công nghệ. Có công nghệ mới có khả năng tạo ra được sản phẩm phù hợp với yêu cầu trong chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, DN phải có những giải pháp quản lý để kiểm soát chất lượng sản phẩm tốt, ổn định và tạo ra sản phẩm có giá thành phù hợp.
Thiết nghĩ, chính sách phát triển CNHT thời gian tới cần phải bám sát thực tế hơn để thực sự là động lực phát triển của ngành công nghiệp điện tử. Đặc biệt, trong giai đoạn hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng, cơ hội và thách thức luôn song hành, do đó chính sách đúng đắn sẽ vừa góp phần giúp DN dễ nắm bắt được cơ hội, đồng thời cũng là “kim chỉ nam” giúp DN từng bước vượt qua khó khăn, phát triển vững vàng trước áp lực cạnh tranh ngày càng quyết liệt.
Dù các DN FDI trong lĩnh vực điện tử phần lớn là những tập đoàn lớn, nhu cầu về sản phẩm CNHT rất cao, nhưng hầu hết nhà cung cấp sản phẩm CNHT của Việt Nam chưa kết nối được với các DN FDI. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do các DN Việt Nam phần đông là DN nhỏ và vừa, trình độ, kỹ năng của người lao động còn nhiều hạn chế, nguồn vốn đầu tư hạn hẹp... |
Đức Minh