Bao giờ xóm đường tàu lên phố? (Kỳ 2)
(PetroTimes) - Xóm đường tàu trở thành “đặc sản” không chỉ ở Hà Nội mà cả một số tỉnh có đường sắt đi qua. Những cụm dân cư cận kề đường sắt không có tên riêng mà chỉ được gọi chung là các “xóm đường tàu”. Người dân nơi đây chủ yếu là dân lao động và có cuộc sống rất khó khăn.
Bao giờ xóm đường tàu lên phố? (Kỳ 1) |
Kỳ 2: Nhìn ngược lịch sử ngẫm về hôm nay
Những câu hỏi của người phụ nữ bán cà phê bên đường tàu cứ làm tôi day dứt mãi. Tìm hiểu và ngẫm nghĩ những câu hỏi “hóc búa” của chị Ngọc, tôi nghiệm ra rằng, dường như đây không phải là vấn đề quá nan giải hay quá tầm của Hà Nội.
Trước tiên, xét về lịch sử, đường sắt Việt Nam được khai sinh từ năm 1881 bằng việc khởi công xây dựng tuyến đường sắt đầu tiên đi từ Sài Gòn đến Mỹ Tho dài khoảng 70km. Sau 4 năm xây dựng hạ tầng, chuyến tàu đầu tiên lăn bánh tại Việt Nam và toàn cõi Đông Dương vào ngày 20/7/1885. Những năm sau đó, mạng lưới đường sắt tiếp tục được triển khai xây dựng trên khắp lãnh thổ Việt Nam theo công nghệ đường sắt của Pháp với đường ray khổ 1m.
Một góc xóm đường tàu khu vực Trần Phú |
Ga Hàng Cỏ - nay là ga Hà Nội - được xây dựng và hoàn thành vào năm 1902 với quy mô sân ga rộng hơn 200.000m2, dãy nhà điều hành cao 3 tầng, có đồng hồ lớn phía trước để người dân xem giờ tàu khởi hành. Sở dĩ có cái tên ga khá gần gũi là vì nhà ga được xây dựng trên bãi đất rộng, nơi người dân cắt cỏ mang đến bán cho lính nuôi ngựa. Đáng chú ý là số tiền xây ga Hàng Cỏ không phải của Chính phủ Pháp mà là của người Việt Nam, chính xác là các nhà tư bản người Việt quyên góp đầu tư.
Câu chuyện về an toàn và gây ùn tắc do đường sắt chạy trong phố Hà Nội đã được nhắc đến cách đây ngót nghét cả trăm năm. Khi được xây dựng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, ga Hàng Cỏ và đường sắt nằm ở ngoại ô thành phố. Thế nhưng, các vùng đất ngoại ô thuộc tỉnh Hà Đông cũ như: Khâm Thiên, Nam Đồng, Vọng... giáp Hà Nội đã phát triển thành khu phố đông dân. Khâm Thiên còn trở thành phố cô đầu, phố nhảy đầm, nên ga và đường sắt bị các phố bao vây, buộc chính quyền phải làm thanh chắn, cho người gác mỗi khi tàu chạy qua, dẫn đến ùn ứ người và phương tiện giao thông từ phía Đông sang Tây hoặc ngược lại mỗi khi tàu chạy qua Khâm Thiên, Ngã Tư Vọng. Và dần dần, tắc nghẽn giao thông trở thành vấn đề lớn khi mỗi ngày có vài chục chuyến tàu hàng và tàu khách đến, đi từ ga Hàng Cỏ.
Trước thực trạng đó, dư luận đã lên tiếng. Ngày 15/6/1924, Báo Thức tỉnh kinh tế Đông Dương (L'Eveil économique de I'Indochine) đã đăng chuyên đề về thực trạng ùn ứ giao thông do đường sắt gây ra và kiến nghị chính quyền xem xét quy hoạch lại ga Hàng Cỏ. Tuy nhiên, ga Hàng Cỏ được xây với số tiền quá lớn, lại mới hoạt động hơn 20 năm, nên chính quyền không thể di dời đường sắt và ga Hàng Cỏ. Chính quyền đưa ra giải pháp hạn chế khách đi tàu phải vào ga trung tâm bằng cách xây ga Vọng phía Nam thành phố và ga Đầu Cầu (nay là ga Long Biên). Giải pháp này tạo thuận lợi cho nhiều hành khách khi họ không cần phải vào ga Hàng Cỏ.
Những năm 30 của thế kỷ trước, dân cư Hà Nội tăng vọt, thành phố trở nên chật chội. Vì thế, năm 1936, chính phủ thuộc địa đã tiến hành quy hoạch lại thành phố Hà Nội. Quy hoạch mang tên Henri Cerutti được Toàn quyền Đông Dương Jean Decoux phê duyệt năm 1943. Theo quy hoạch, Hà Nội được mở rộng lên phía hồ Tây và phía Nam với nhiều đại lộ cùng các nút giao thông lớn. Về phương tiện giao thông công cộng, đường tàu điện sẽ nhiều hơn. Một ga tàu hỏa lớn sẽ được xây dựng ở Giáp Bát và ga này trở thành ga trung tâm của thành phố. Tuy nhiên, thời điểm đó, quân đội Nhật đã chiếm Việt Nam và nước Pháp cũng đang trong chiến tranh nên quy hoạch không thực hiện được. Suốt từ đó đến nay, đường sắt vẫn chạy qua các phố để vào ga Hàng Cỏ, gây khó khăn cho giao thông đường bộ Hà Nội.
Một chuyến tàu du lịch Hà Nội - Lào Cai đi qua xóm đường tàu |
Trong cuộc chiến đấu 12 ngày đêm tháng 12/1972 chống cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ vào miền Bắc nước ta, ga Hàng Cỏ bị bom Mỹ rơi trúng, sập sảnh chính. Sau đó, sảnh chính được xây lại theo một kiểu khác không ăn nhập với phần kiến trúc còn lại. Và, cũng để giảm bớt các chuyến tàu hàng vào ga Hàng Cỏ, năm 1973, ngành đường sắt đã chuyển tàu hàng xuống ga Giáp Bát, bốc dỡ hàng hóa ở đây.
Cùng với lịch sử đặc biệt của ga Hàng Cỏ, xóm đường tàu trở thành “đặc sản” không chỉ ở Hà Nội mà cả một số tỉnh có đường sắt đi qua. Những cụm dân cư cận kề đường sắt không có tên riêng mà chỉ được gọi chung là các “xóm đường tàu”. Người dân các xóm đường tàu chủ yếu là dân lao động và có cuộc sống rất khó khăn. Họ phải sống cùng sự dịch chuyển của các chuyến tàu hằng ngày, hằng đêm.
Ở trong cái xóm đường tàu này, từ người già 80 đến trẻ con 6-7 tuổi đều thuộc lòng lịch tàu chạy qua xóm vào mỗi ngày. Cứ 21-22 giờ là tàu đi Lào Cai, đến rạng sáng là tàu hàng Lạng Sơn chạy về... Ban ngày, cả không gian đường tàu đều thuộc về người dân. Những đoàn tàu cứ chạy qua chạy lại theo đúng lịch trình, còn người dân hai bên đường cứ lặng lẽ, bình thản sống cuộc sống của mình. Cả trăm năm qua, hàng chục thế hệ người đến rồi đi trong những cái xóm đường tàu này nhưng chả hiểu sao cứ mỗi lần tàu qua, họ vẫn tăm tắp ngó qua cửa sổ, đánh mắt nhìn đoàn tàu, để rồi khát khao về một vùng đất chưa biết, khát khao về một cuộc sống tốt đẹp hơn...
Trong cái không khí kỳ lạ của xóm đường tàu, tôi chợt nhớ đến lời của một người làm du lịch ở Hà Nội, anh bảo: “Người nước ngoài đến xóm đường tàu phần lớn vì tò mò, muốn chứng kiến cuộc sống xứ thuộc địa mà trăm năm qua vẫn... nhếch nhác như thế”.
Có lẽ nhiều người cho rằng nhận xét đó có phần “chua chát”, nhưng ngẫm sâu hơn, giá như Hà Nội quyết tâm đầu tư và quy hoạch lại đường sắt thành phố, hay chí ít xây dựng một hành lang an toàn dọc tuyến đường tàu trong nội đô, có thể không cần kiên cố, chỉ dựng bằng cột sắt và lưới nhựa tổng hợp, thì chắc chắn sẽ nhanh hoàn thành, độ an toàn của người dân các xóm đường tàu cùng với du khách đến đây sẽ tốt hơn rất nhiều. Hơn thế nữa, việc làm đó sẽ bảo đảm kế sinh nhai của hàng nghìn hộ dân trong những xóm nghèo này.
Nhìn thành phố Hà Nội đang gấp rút hoàn thành công trình hàng rào quanh hồ Tây cùng những đoạn vỉa hè khảm đá trắng có tổng mức đầu tư lên tới hàng trăm tỉ đồng, mà thấy chạnh lòng! Bởi cho đến nay, việc xây dựng hành lang an toàn đường sắt chạy qua những con phố Hà Nội, qua những xóm đường tàu vẫn chỉ là ý tưởng “ngủ sâu”. Để biến ý tưởng thành hiện thực khó lắm chăng?
Thành Công