Bệnh thận mạn chiếm từ 10 - 14% dân số
(PetroTimes) - BS.CK2 Tạ Phương Dung, Trưởng Khoa Nội thận - miễn dịch ghép Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, hiện tại bệnh thận mạn chiếm khoảng từ 10 - 14% dân số tùy từng nước. Cụ thể như ở Mỹ là 14%, ở Úc là 10%, các quốc gia khác cũng nằm trong khoảng đó.
Những dấu hiệu nhận biết ung thư thận |
Đau bụng dưới bên trái: Dấu hiệu bệnh gì? |
Làm sao phát hiện sớm và phòng tránh bệnh thận? |
Bệnh thận mạn là sự suy giảm các chức năng thận từ từ, diễn tiến có 5 giai đoạn. Nếu nói tử vong do suy thận mạn là một diễn biến thầm lặng là không sai bởi triệu chứng của bệnh xuất hiện rất thầm lặng và nhiều người chỉ phát hiện bệnh ở giai đoạn cuối.
Nguyên nhân của bệnh suy thận mạn ở hầu hết các nước trên thế giới là xuất phát từ đái tháo đường. Đái tháo đường có thể nói là đại dịch trên toàn thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài ảnh hưởng này. Theo thống kê ở các nước cho thấy, tỷ lệ bệnh thận mạn do đái tháo đường chiếm tới 50%, thứ đến là cao huyết áp khoảng 30%, còn lại là các bệnh lý tại thận và một số trường hợp không rõ nguyên nhân.
Ở Việt Nam chưa có con số thống kê cụ thể về bệnh suy thận mạn nhưng các nước châu Á xung quanh chúng ta như Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Philippines và Nhật Bản… tỷ lệ suy thận hàng đầu cũng do đái tháo đường.
Ảnh minh họa |
BS.CK2 Tạ Phương Dung cho biết, bệnh nhân bị bệnh suy thận mạn sẽ điều trị nội khoa cho đến giai đoạn cuối (giai đoạn 5) thì sẽ tiến hành điều trị thay thế thận.
Điều trị thay thế thận gồm 3 phương pháp là chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng và ghép thận. 3 phương pháp này không có một phương pháp nào tối ưu tuyệt đối mà hỗ trợ cho nhau. Tuy nhiên, do nguồn thận cho rất khan hiếm nên bệnh nhân chủ yếu được điều trị bằng lọc màng bụng và chạy thận nhân tạo.
Cũng theo BS. Dung, bệnh nhân sẽ được tư vấn để lựa chọn và các phương pháp điều trị này cũng không phải là tuyệt đối mà có thể thay đổi. Ví dụ một bệnh nhân mà chạy thận nhân tạo lâu năm, các mạch máu đã bị biến chứng nhiều, hiệu quả sẽ kém đi thì sẽ chuyển bệnh nhân sang lọc màng bụng hoặc một bệnh nhân lọc màng bụng lâu năm (có thể 9-10 năm lọc màng bụng không còn hiệu quả) nữa thì lại chuyển sang chạy thận nhân tạo.
M.P