Mỹ tìm cách đưa Trung Quốc vào thỏa thuận hạt nhân mới với Nga
(PetroTimes) - Tờ The New York Times ngày 15/7 đưa tin, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cử một đoàn đại biểu cấp cao đến gặp phái đoàn Nga ở Geneva trong tuần này, nhằm theo đuổi một hiệp ước kiểm soát vũ khí mới bao gồm Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại Bắc Kinh hồi năm 2017 |
Theo nguồn tin trên, Nhà Trắng không quan tâm đến việc gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START) ký năm 2010, bất chấp những nỗ lực cứu vãn của Nga.
Phái đoàn Mỹ tới Geneva sẽ do Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John Sullivan dẫn đầu, cùng đi có ông Tim Morrison - cố vấn hàng đầu của Tổng thống Trump về vấn đề nước Nga trong Hội đồng An ninh Quốc gia. Ngoài ra, còn có các đại diện từ Lầu Năm Góc, Cơ quan An ninh Quốc gia và một số cơ quan khác.
Trong khi đó, phái đoàn Nga sẽ do Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov dẫn đầu.
Hãng tin Reuters dẫn lời giới chức Mỹ cho biết, Trung Quốc không phải là một bên tham gia các hiệp ước vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Nga, cũng như chưa rõ liệu Bắc Kinh có sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán hay không.
Trước đó, giới chức Trung Quốc đã bác bỏ ý tưởng về một thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới bất kể nó được đàm phán như thế nào. Chính quyền Bắc Kinh cho rằng, quyết định của ông Trump khi rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) là bằng chứng cho thấy Washington không thể tin cậy được, theo New York Times.
Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ rằng, ông Sullivan và ông Thompson - Thứ trưởng ngoại giao Mỹ phụ trách kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế - sẽ tới Brussels vào ngày 18/7 tới để thông báo kết quả cuộc họp tại Geneva cho các đồng minh tại trụ sở NATO.
Được biết, Tổng thống Trump tuyên bố ý định rút khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí hồi tháng 10/2018 bởi cho rằng, Washington tiếp tục tuân thủ thỏa thuận trong khi cả Nga và Trung Quốc đều bị cáo buộc phát triển vũ khí bị cấm.
Sau đó, Mỹ đã chính thức đình chỉ các nghĩa vụ trong hiệp ước vào ngày 2/2 năm nay, qua đó kích hoạt quá trình rút khỏi hoàn toàn kéo dài 6 tháng nếu Nga không quay lại tuân thủ đầy đủ thỏa thuận. Tuy nhiên, Nga cũng đã làm điều tương tự.
Được biết, Moscow và Washington vẫn bị ràng buộc bởi hiệp ước New START, vốn đưa ra các giới hạn mới về số lượng đầu đạn hạt nhân, tên lửa, máy bay ném bom hạng nặng và bệ phóng. Tuy nhiên, thỏa thuận này sẽ không còn hiệu lực vào tháng 2/2021.
Mỹ từng nhiều lần bày tỏ lo ngại về tên lửa 9M729 của Nga mà theo Washington là đã vi phạm hiệp ước.
Về phía Nga, Moscow cho rằng, cáo buộc của Mỹ là không có căn cứ và khẳng định tên lửa này đã được thử nghiệm ở phạm vi INF cho phép.
Bình An