Tin tức kinh tế ngày 12/7: Công trình trọng điểm để cho nước ngoài làm, thế doanh nghiệp Việt làm gì?
(PetroTimes) - TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đặt vấn đề tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam quý II năm 2019: “Công trình trọng điểm để cho nước ngoài làm. Thế doanh nghiệp Việt làm gì?”; Các Hiệp định thương mại tự do đã mang lại cho Việt Nam cơ hội xuất khẩu cao; Doanh nghiệp FDI ngành da giày chiếm hơn 77% tỷ trọng xuất khẩu… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 12/7.
Công trình trọng điểm để cho nước ngoài làm, còn doanh nghiệp Việt làm gì?
"Chúng ta cứ nói Việt Nam hùng cường, giờ nhiều doanh nghiệp Việt có trình độ tốt nhưng tôi thấy rõ một xu hướng là nhiều công trình trọng điểm, làm bằng tiền của mình lại đem cho nước ngoài làm. Thế doanh nghiệp Việt còn cái gì, nâng cao năng lực ở đâu?"
Chia sẻ tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam quý 2 năm 2019 tại Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) ngày 12/7, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng đã chỉ ra hàng loạt yếu kém nội tại nền kinh tế mà rất khó thay đổi.
Công trình trọng điểm để cho nước ngoài làm, thế doanh nghiệp Việt làm gì? |
TS Cung khái quát, nhìn chung sau sự cố của Vinashin và Vinalines, dường như chính sách của Việt Nam thắt chặt lại và hành chính hóa hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước. "Vì vậy, doanh nghiệp Nhà nước và khu vực tư nhân đều kêu không được đối xử bình đẳng. Họ không được quyền tự chủ, tự do kinh doanh...".
Theo ông Cung doanh nghiệp Nhà nước lâu nay là khối tài sản khổng để phát tăng trưởng. Nếu sử dụng nguồn lực tốt Việt Nam có thể tăng thêm 2 điểm phần trăm, GDP phải tăng đến 8% chứ không phải 6,7%.
Về việc gia nhập các hiệp định thương mại tự do song và đa phương và cơ hội cho Việt Nam, TS Cung cho rằng, có vui, có buồn. Tuy nhiên, nhiều nỗi buồn không giải quyết được. Hiện rào cản kỹ thuật của Việt Nam hiện tinh vi lắm, chúng ta cứ nói rào cản nước ngoài, nhưng chính Việt Nam lại tạo ra nhiều rào cản hơn cho chính mình.
Ở khía cạnh khác, lâu nay có nhiều cách tiếp cận của chính sách lạ kinh khủng. Tiền của mình không cho doanh nghiệp trong nước làm để tạo công ăn việc làm, nâng cao năng lực của mình, điều này khiến Việt Nam hội nhập rộng nhưng đồng nghĩa người Việt, doanh nghiệp Việt mất hết cơ hội làm việc.
"Chúng ta cứ nói Việt Nam hùng cường, giờ nhiều doanh nghiệp Việt có trình độ tốt nhưng tôi thấy rõ một xu hướng là nhiều công trình trọng điểm, làm bằng tiền của mình lại đem cho nước ngoài làm. Thế doanh nghiệp Việt còn cái gì, nâng cao năng lực ở đâu?", ông Cung trăn trở.
Xuất khẩu hàng hóa sang thị trường có FTA tăng trưởng cao
Bộ Công Thương cho biết, 6 tháng 2019, Việt Nam đã tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để mở rộng các thị trường xuất khẩu mới.
Việc tham gia các FTA với các cam kết cắt giảm thuế quan của các đối tác đối với hàng có xuất xứ Việt Nam cũng làm tăng khả năng cạnh tranh và giúp hàng hóa của Việt Nam mở rộng thị phần tại các thị trường đối tác.
Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2019 đạt 122,42 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng lưu ý, xuất khẩu sang các thị trường có ký kết FTA với Việt Nam đa số đều đạt mức tăng trưởng tốt.
Xuất khẩu sang thị trường có FTA tăng cao |
Trong đó, xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 9,68 tỷ USD, tăng 9,1%; xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 9,24 tỷ USD, tăng 6,0%; xuất khẩu sang ASEAN đạt 13,067 tỷ USD, tăng 6,7%.
Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ hội nhập để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu. 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sang Canada tăng 31,5% (đạt 1,81 tỷ USD); Mexico tăng 22,4% (đạt 1,3 tỷ USD). Riêng thị trường Mỹ, xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2019 tăng 27,4% so với cùng kỳ, ước đạt 27,5 tỷ USD (cùng kỳ năm trước tăng 9,8%).
Tính đến hết tháng 6 năm 2019, đã có 22 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, tăng 1 mặt hàng so với 6 tháng năm 2018. Có tới 35/45 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2018.
Bộ Công Thương tính toán, từ đầu năm 2019 đến nay, mặc dù có sự thâm hụt thương mại trong một vài tháng nhưng tính chung 6 tháng đầu năm 2019 cán cân thương mại của Việt Nam vẫn duy trì đà xuất siêu, với kim ngạch xuất siêu ở mức 1,64 tỷ USD. Khu vực FDI xuất siêu 16,6 tỷ USD. Nhập siêu của khu vực doanh nghiệp trong nước ước đạt 14,99 tỷ USD
Tổng thu NSNN của Hà Nội tăng gần 13%
Ông Hà Minh Hải, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, tổng thu NSNN trên địa bàn ước thực hiện là 132.134 tỷ đồng, đạt 50,2% dự toán, tăng 12,8%.
Phân tích một số khoản thu có tiến độ khá, ông Hà Minh Hải cho biết, số thu 6 tháng đầu năm 2019 tăng chủ yếu từ thu nội địa. Cụ thể, khoản thu lớn chủ yếu từ khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh 25.975 tỷ đồng, đạt 50,4% dự toán và tăng 21,1%. Số thu từ khu vực này nhìn chung vẫn đảm bảo, duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đồng thời thị trường tài chính tín dụng, bất động sản tiếp tục tăng trưởng, do đó góp phần tăng thu cho NSNN.
Tiếp đến là thu thuế thu nhập cá nhân 14.750 tỷ đồng, đạt 56,7% dự toán, tăng 26,3%. Đây là khoản thu ngân sách thường xuyên có mức tăng trưởng những năm qua. Nguyên nhân chủ yếu do số thu từ thuế thu nhập cá nhân, tiền lương, tiền công tăng; đồng thời do kinh tế ổn định, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có nhiều chuyển biến, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng nên số lượng người lao động và thu nhập của người lao động cũng tăng.
Cùng với đó, thu tiền thuê mặt đất, mặt nước 3.190 tỷ đồng, đạt 63,8% dự toán, tăng 5,4%…
Doanh nghiệp FDI ngành da giày chiếm hơn 77% tỷ trọng xuất khẩu
Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành da giày, túi xách của Việt Nam năm 2018 là 19,6 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017. Và 6 tháng đầu năm, con số này là 10,3 tỷ USD (trong đó, 8,5 tỷ USD từ xuất khẩu giày dép). Trong đó, khối doanh nghiệp FDI xuất khẩu gần 8 tỷ USD, chiếm 77%.
Năm ngoái, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu da giày lớn nhất của Việt Nam, đạt 7,1 triệu USD (chiếm 36,3% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành). Trong 6 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp tại Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này gần 4 triệu USD, trong đó, giày dép đạt 3,2 triệu USD.
Kế đến, EU là thị trường xuất khẩu da giày đứng thứ hai của Việt Nam đạt trên 5,6 triệu USD năm 2018, chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. 6 thán đầu năm, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này hơn 2,8 triệu USD.
Doanh nghiệp FDI ngành da giày chiếm hơn 77% tỷ trọng xuất khẩu |
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu đứng thứ 3 về giá trị ngành gia giày Việt Nam, đạt gần 1,7 triệu USD năm 2018, chiếm tỷ trọng 8,4%. Trong 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu da giày sang Trung Quốc đạt trên 880 triệu USD.
Thương mại Việt Nam có cơ hội giảm bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc
Ngày 12/7, tại Hà Nội, Trường đại học Thương mại đã tổ chức hội thảo công bố báo cáo thường niên kinh tế và xã hội Việt Nam 2019, với chủ đề “Bảo hộ thương mại và tác động đến xuất khẩu hàng hóa Việt Nam”.
Theo Báo cáo, PGS Hà Văn Sự, Trưởng khoa Kinh tế - luật, Trường đại học Thương mại cho biết, trong năm 2018, tình hình bảo hộ thương mại bằng thuế quan trên thế giới có nhiều biến động lớn, thể hiện rõ nét nhất là chiến tranh thương mại Mỹ và Trung Quốc. Diễn biến của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng phức tạp, có ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế thế giới và thương mại quốc tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng mang đến cho thương mại Việt Nam nhiều cơ hội. Chẳng hạn có thể giúp Việt Nam gia tăng quá trình chuyển dịch cơ cấu thị trường, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khi mà chi phí nhân công và các ưu đãi về thuế dang mất dần.
Để xuất khẩu, Việt Nam phải nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất và gia công hàng xuất khẩu. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tạo ra lỗ hổng thị trường của cả 2 nước, khiến Việt Nam có cơ hội mua được nguyên liệu, vật liệu, linh kiện, phụ tùng với giá rẻ.
PGS Sự cũng nêu lên một số thách thức đối với thương mại Việt Nam trong bối cảnh đã nói. PGS Sự cho cho rằng, trong ngắn hạn, thương mại của Việt Nam có thể chưa bị ảnh hưởng nhiều, nhưng khi Mỹ gia tăng áp đặt các biện pháp hạn chế với hàng Trung Quốc sẽ khiến một số hàng hóa cùng chủng loại của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Về lâu dài, tác động lan tỏa có thể sẽ lớn, khó định lượng. Vì thế nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ và Trung Quốc sẽ chịu tác động tiêu cực.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã tác động đến Việt Nam từ năm 2018 và sẽ lên đến đỉnh điểm vào năm 2020 - 2021. Việt Nam sẽ phải chịu sức ép ngày càng lớn để ổn định kinh tế vĩ mô, giữ tỉ giá và kiểm soát lạm phát, khu vực FDI cũng giảm dần.
Tú Anh