Tăng trưởng xuất khẩu - Cơ hội & thách thức
(PetroTimes) - Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, lĩnh vực kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đang có những dấu hiệu khởi sắc. Bên cạnh việc giữ vững thị trường truyền thống, hàng hóa Việt Nam từng bước vươn tới những thị trường khó tính, thâm nhập thị trường mới. Tuy nhiên, để xuất khẩu tăng trưởng bền vững, doanh nghiệp Việt Nam còn phải vượt qua nhiều cản ngại, thách thức.
Cơ hội gia tăng xuất khẩu Ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương: Thị trường châu Âu rộng mở
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU - bao gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan, được ký kết ngày 29-5-2015, có hiệu lực từ ngày 5-10-2016) mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho các bên tham gia. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đã đạt gần 5 tỉ USD, tăng hơn 26% so với năm 2017. Cơ hội, dư địa rất lớn cho tăng trưởng thương mại với Đông Âu.
Bên cạnh đó, 8 quốc gia khu vực Đông Âu là Ba Lan, Séc, Rumani, Bungary, Hungary, Slovakia, Slovenia và Croatia đã gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Nếu hàng Việt Nam vào được thị trường Đông Âu tức là đang đóng góp phần vô cùng quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với khối EU. Trong khi đó, Việt Nam và EU vừa ký Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA).
Có thể nói, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với EU và Liên minh kinh tế Á - Âu góp phần quan trọng trong việc xóa bỏ các hàng rào thương mại, thúc đẩy hợp tác thương mại, công nghiệp và đầu tư giữa Việt Nam với các nước châu Âu nói chung, khu vực Đông Âu nói riêng.
Thị trường châu Âu đang rộng mở. Các FTA sẽ hỗ trợ Việt Nam tận dụng các lợi thế từ các chuỗi cung ứng mới hình thành. Tuy nhiên, việc tham gia các chuỗi cung ứng cũng đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe. Doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao chất lượng sản phẩm, mặt hàng xuất khẩu, nâng cao trình độ phát triển, năng lực cạnh tranh, giảm dần tỷ lệ gia công, tập trung sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Chất lượng hàng hóa sẽ quyết định tính độc lập tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều biến động.
Ông Phạm Thiết Hòa - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại TP HCM (ITPC): ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn
Hàng Việt ngày càng phát triển mạnh và khẳng định tên tuổi trên thị trường thế giới, đặc biệt những thị trường khó tính. Đây chính là dấu hiệu tốt cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Cộng đồng doanh nghiệp Việt nên duy trì hoạt động xuất khẩu hiệu quả như thời gian qua, đồng thời tích cực mở rộng thị trường. Hiện nay có rất nhiều thị trường tiềm năng để doanh nghiệp phát triển sản phẩm.
Ngoài thị trường EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, thì ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các nước ASEAN là điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may; nông sản... Thị trường tiêu dùng đông đảo với 650 triệu dân, ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030. Cộng đồng ASEAN và sắp tới Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực - RCEP được thực thi hứa hẹn mở ra rất nhiều cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 245,48 tỉ USD, mức cao nhất của 6 tháng từ trước đến nay. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 122,72 tỉ USD. Đáng chú ý, xuất khẩu rau quả có tín hiệu tốt khi lần đầu tiên 6 tháng đầu năm đạt kim ngạch trên 2 tỉ USD. |
Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của thị trường ASEAN, do sản phẩm hàng hóa chưa đa dạng, giá cả chưa cạnh tranh; hệ thống phân phối hàng hóa còn kém; doanh nghiệp chưa kết nối chặt chẽ với các cơ quan chức năng phụ trách xúc tiến thương mại, ngoại giao..., chưa trang bị đủ điều kiện để xuất khẩu vào các nước đạo Hồi, chưa nắm rõ các rào cản kỹ thuật, pháp lý của các nước trong khu vực...
Do đó, muốn khai thác tốt thị trường ASEAN, các doanh nghiệp cần tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, các chương trình khảo sát thị trường, đồng thời tăng cường kết nối với các doanh nghiệp tại các thị trường mục tiêu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cần có kỹ năng tiếp cận thị trường thông qua việc thiết kế bao bì, nhãn mác phù hợp với từng thị trường cụ thể; tạo tính tiện lợi cho sản phẩm và quan trọng hơn là phải nâng cao được giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT): Khai thác lợi thế từ các FTA
Nông sản Việt Nam đang có bước “chuyển mình” rõ nét tại thị trường nước ngoài. Nhiều nhóm hàng đã có mặt ở các thị trường khó tính. Tôi nghĩ rằng, dư địa ở thị trường các nước dành cho mặt hàng nông sản Việt còn nhiều. Sở dĩ xuất khẩu nói chung và xuất khẩu nông sản thực phẩm nói riêng “được mùa” vì hàng loạt FTA song phương, đa phương đang chờ nông sản Việt khai thác lợi thế. Đơn cử, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa được ký kết. Đây là một hiệp định vô cùng quan trọng. Kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU sẽ tăng mạnh trong thời gian tới khi các dòng thuế quan giảm dần về 0%.
Ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFORES): FTA thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu gỗ
3 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt bình quân 750 triệu USD/tháng, tăng 100 triệu USD/tháng so với cùng kỳ các các năm trước. Trước đó, trong năm 2018, giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản nước ta đã đạt 9,38 tỉ USD, vượt qua thủy sản. Nguyên nhân chính thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành gỗ đến từ các FTA: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), EVFTA...
Đáng chú ý là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Các nước thành viên CPTPP đang chiếm tới 13,5% GDP toàn cầu, gần 500 triệu dân, tổng kim ngạch thương mại vượt 5 nghìn tỉ USD, việc Việt Nam tham gia CPTPP sẽ mang lại những cơ hội lớn cho ngành gỗ Việt Nam từ việc cắt giảm thuế quan. Cụ thể, một số đối tác chưa có FTA với Việt Nam sẽ xóa bỏ đa số các dòng thuế đối với các mặt hàng đồ gỗ nội thất, văn phòng, nhà bếp ngay khi CPTPP có hiệu lực. Theo đó, 32% số dòng thuế đối với sản phẩm gỗ nhập khẩu vào Peru được xóa bỏ sau 6 năm; 50% dòng thuế còn lại của Mexico được xóa bỏ với lộ trình tối đa sau 10 năm...
Thị trường tiêu dùng đông đảo với 650 triệu dân, ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030. Cộng đồng ASEAN và sắp tới Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực - RCEP được thực thi hứa hẹn mở ra rất nhiều cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam. |
Bên cạnh đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chủ yếu của Việt Nam. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Hoa Kỳ hiện chiếm tới 45% tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ trung bình 15-17%/năm. Mặc dù có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ nhưng thách thức lớn mà ngành gỗ phải đối mặt là dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào ngành gỗ Việt Nam tăng mạnh, sẽ khiến mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam bị cơ quan thương mại Hoa Kỳ chú ý về việc lẩn tránh thuế của doanh nghiệp Trung Quốc.
Xuất khẩu hàng hóa của nước ta tăng trưởng mạnh những năm gần đây |
Do đó, để tránh gặp phải những bất lợi từ thị trường Hoa Kỳ, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ; đồng thời, phối hợp theo dõi sát thị trường để có thể kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường, tránh để các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gỗ của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi các biện pháp chống lẩn tránh thuế và phòng vệ thương mại.
Thâm nhập và phát triển thị trường Ông Lê Duy Đức - Chủ tịch Công ty Grand Aster USA: Cơ hội lý tưởng thâm nhập thị trường Hoa Kỳ
Doanh nghiệp cảm nhận rõ rệt sức nóng của sự tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam - Hoa Kỳ. Ngoài 330 triệu người tiêu dùng đông đảo, thị trường Hoa Kỳ còn có cộng đồng hàng triệu người Mỹ gốc Việt luôn quan tâm, đồng hành, góp phần nâng tầm và hỗ trợ phát triển thương hiệu Việt ra toàn thế giới.
Tuy nhiên, sản phẩm hàng hóa Việt cần xem xét toàn diện các khía cạnh liên quan, như: mẫu mã, chất lượng, công nghệ... Bởi vì, sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao, sản phẩm tiêu dùng cao cấp chiếm tỷ trọng không nhiều trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ.
Với CPTPP, nếu đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ, sản phẩm giày dép xuất khẩu vào Canada sẽ được hưởng thuế suất 0% thay cho thuế suất 18%. Tương tự, mặt hàng dệt may cũng được giảm thuế 17-18% xuống còn 0%. |
Sắp tới, hàng loạt doanh nghiệp Việt lên kế hoạch tham gia Hội chợ Quốc tế Hoa Kỳ Global Expo 2019 với 200 gian hàng (nông sản, hải sản, lương thực thực phẩm, thủ công mỹ nghệ...). Hội chợ dự kiến diễn ra từ ngày 20 đến 21-9-2019. Nếu các năm trước, hội chợ quy tụ các gian hàng đến từ châu Âu và các nước phát triển khác thì năm nay, 50% gian hàng ưu tiên cho doanh nghiệp Việt. Đây cũng là lần đầu tiên hội chợ tại Hoa Kỳ ưu tiên hướng đến các doanh nghiệp Việt. Đây sẽ là cơ hội lý tưởng để hàng hóa “Made in Vietnam” tìm kiếm được nhiều bạn hàng, từng bước thâm nhập sâu vào thị trường Hoa Kỳ.
Bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương: Tăng xuất khẩu giày dép, dệt may vào Canada
Hai mặt hàng giày dép và dệt may Việt Nam đang tận dụng rất tốt quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu sang Canada. Với CPTPP, nếu đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ, sản phẩm giày dép xuất khẩu vào Canada sẽ được hưởng thuế suất 0% thay cho thuế suất 18%. Tương tự, mặt hàng dệt may cũng được giảm thuế 17-18% xuống còn 0%.
Đặc biệt, hàng dệt may xuất khẩu vào Canada phải đáp ứng một số quy tắc. Doanh nghiệp cần chú ý để tận dụng hiệu quả các ưu đãi từ thị trường này. Đây cũng là hai nhóm mặt hàng được giảm thuế ngay sau khi CPTPP có hiệu lực. Hiện có nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm hiểu về xuất xứ với sự hướng dẫn hỗ trợ của các cơ quan liên quan để được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu vào thị trường Canada.
Ông Herb Cochran - chuyên gia cao cấp Dự án Tạo thuận lợi thương mại Amcham: Lưu ý xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ
Doanh nghiệp các nước nói chung và Việt Nam nói riêng khi xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ cần lưu ý đến những quy định khắt khe của Hoa Kỳ, trong đó có những quy định về xuất xứ nguyên liệu.
Về thực phẩm, khi vào thị trường Hoa Kỳ, mặt hàng này sẽ chịu sự kiểm soát của nhiều quy định, đạo luật như: Đạo luật bảo vệ chất lượng thực phẩm; Đạo luật bảo vệ thực vật; Đạo luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm... Đáng chú ý, Đạo luật thương mại 1974 cho phép cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ được quyền đình chỉ các ưu đãi thương mại, thậm chí có thể áp thuế nhập khẩu trong trường hợp thấy bất hợp lý hoặc cản trở thương mại của Hoa Kỳ. Do đó, hiệu quả thương mại phụ thuộc vào tình hình thực tế, vì đôi khi thỏa thuận thương mại chỉ mang tính tạm thời.
Vài năm trở lại đây, xuất khẩu Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc. Thay vì e dè thâm nhập, giờ đây hàng Việt Nam đã chinh phục nhiều thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU. Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Hoa Kỳ, trong 3 tháng đầu năm 2019, Hoa Kỳ nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam tăng 40,2% so với cùng kỳ năm trước. Dựa trên con số nhập khẩu thực tế, Bloomberg dự đoán, nếu giữ vững đà tăng trưởng như hiện nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ “vượt mặt” nhiều nước. Mặt hàng nông sản, thủy sản đang từng bước chinh phục thị trường Nhật Bản. Cụ thể, tháng 10-2018, xoài Việt Nam xuất khẩu qua Nhật, cạnh tranh với xoài Thái Lan, Philippines, Pakistan, Mexico... Ngoài ra, cá tra Việt Nam cũng chính thức “công phá” thị trường Nhật Bản. 3 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Nhật Bản đạt 8,85 triệu USD, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm trước. |
Thanh Hồ