Tăng mức lương tối thiểu
Con số nào phù hợp thực tiễn?
(PetroTimes) - Cuối tháng 6-2019, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp để thống nhất mức lương tối thiểu năm 2020. Tuy nhiên, những mức đề xuất rất cách biệt, khó có thể đi đến con số cuối cùng. Với vai trò đại diện cho người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐ) đã đưa ra quan điểm về lương tối thiểu.
Xác định đúng mức sống tối thiểu
Tổng LĐLĐ cho rằng, để xác định mức lương tối thiểu thì phải định nghĩa thế nào là mức sống tối thiểu. Theo Tổng LĐLĐ, mức sống tối thiểu là một mức sống bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của con người, bao gồm thực phẩm đủ dinh dưỡng, nhà ở phù hợp, các tiện ích, chăm sóc sức khỏe, quần áo, đi lại và giáo dục, quan hệ xã hội, cùng với một khoản tiền tiết kiệm cho tương lai và các sự việc bất khả kháng xảy ra. Đồng thời, mức sống tối thiểu tính cho một người cần phải bao gồm cả chi phí cho người phụ thuộc trong gia đình.
Con số nào phù hợp thực tiễn? |
Tuy nhiên, rất đáng tiếc là hiện nay chưa có cơ quan có thẩm quyền công bố mức sống tối thiểu hằng năm. Do đó, hằng năm, Tổ kỹ thuật giúp việc Hội đồng Tiền lương Quốc gia chỉ ước tính mức sống tối thiểu và khuyến cáo để Hội đồng thương lượng mức lương tối thiểu trên tinh thần bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình.
Đáng quan tâm, Tổng LĐLĐ nhận định: Cách tính toán mức sống tối thiểu, nhận định Tổ kỹ thuật đang “có vấn đề”. Về tính chi phí lương thực, thực phẩm, rổ hàng hóa mà Tổ kỹ thuật đưa ra là dựa trên thói quen tiêu dùng của nhóm dân cư có mức tiêu dùng thấp. Cụ thể, điều tra mức sống dân cư theo nhóm dân cư xếp từ 1 đến 10 (nhóm 1 là nhóm có mức tiêu dùng bình quân thấp nhất và nhóm 10 là nhóm có mức tiêu dùng bình quân cao nhất), mức sống tối thiểu mà Tổ kỹ thuật tính toán là dựa trên lượng calo tiêu dùng bình quân của nhóm 2 và nhóm 3.
Vậy, với người thu nhập thấp, tùy theo giá cả thị trường, năm nay họ có thể ăn thịt bò, thịt vịt, nước cam, nước xoài… nhiều hơn (tức là ăn những loại thực phẩm ngon, dễ ăn, bổ dưỡng hơn), nhưng sang năm sau, họ có thể ăn những thực phẩm này ít hơn vì giá cả của chúng tăng, và thay vào đó, họ sẽ ăn nhiều thịt lợn, trứng gà, trứng vịt, đậu phộng, chuối… hơn so với năm trước (những mặt hàng có giá cả thấp hơn). Vì vậy, rổ hàng hóa của Tổ kỹ thuật tính toán được điều chỉnh hằng năm tùy theo chi tiêu của nhóm dân cư, mặc dù tổng lượng calo vẫn như nhau. Mức đề xuất tăng lương tối thiểu 5,2% của Tổ kỹ thuật đưa ra mới chỉ đáp ứng được tổng lượng calo theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng (2.300 calo) nhưng không bảo đảm chất lượng bữa ăn. “Đây là điểm bất cập thứ nhất trong tính chi phí lương thực, thực phẩm của Tổ kỹ thuật”, Tổng LĐLĐ khẳng định.
Bất cập thứ hai mà Tổng LĐLĐ nhận xét là cách tính chi phí phi lương thực, thực phẩm của Tổ kỹ thuật. Để trang trải các chi phí khác ngoài thức ăn, Tổ kỹ thuật tính tỷ lệ lương thực, thực phẩm/phi lương thực, thực phẩm là 48/52, tức là 48% là chi phí cho lương thực, thực phẩm, 52% là chi phí cho phi lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, Tổng LĐLĐ cho rằng, đất nước càng phát triển, cuộc sống con người được cải thiện thì chi tiêu cho phi lương thực, thực phẩm sẽ cao hơn. Chi phí phi lương thực, thực phẩm bao gồm cả chi phí dự phòng và phòng ngừa rủi ro trong cuộc sống như tai nạn, ốm đau, bệnh tật… Tổng LĐLĐ cho biết: Tham khảo tỷ lệ lương thực, thực phẩm/phi lương thực, thực phẩm ở các nước khác có trình độ phát triển tương đồng với Việt Nam như Campuchia, Sri Lanka, Philippines, Fiji, Ấn Độ, Mông Cổ và các nước khác thì tỷ lệ chi cho phi lương thực, thực phẩm ở các nước này đều cao hơn mức tính của Việt Nam. Với cách tính này, tỷ lệ lương thực, thực phẩm/phi lương thực, thực phẩm của Tổ kỹ thuật vẫn chưa được điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
Ngoài ra, theo Tổng LĐLĐ, còn một số yếu tố nữa như chi phí nhà ở, tỷ lệ người phụ thuộc...Cụ thể, chi phí nhà ở được tính dựa trên giá thuê nhà ước tính vùng I ở Hà Nội là 431.000 đồng/người và mức ước tính này rất khó để thuê nhà ở bảo đảm chất lượng theo khuyến cáo. Hoăc, tỷ lệ người phụ thuộc được tính bằng 70% của người lớn, nhưng thực tế, chi phí sữa sơ sinh, học hành, thuốc men của trẻ con nhiều khi cao hơn cả người lớn.
Bên cạnh đó, Tổ kỹ thuật chưa tính tới các chỉ số phát triển của Việt Nam như tăng trưởng GDP và năng suất lao động.
Không thể áp dụng cách tính toán cũ
Hiện nay, về mức lương tối thiểu, các bên Hội đồng Tiền lương Quốc gia đang đưa ra những con số rất khác nhau: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI - đại diện cho người sử dụng lao động) đề xuất tăng 2-3%, trong khi Tổng LĐLĐ để xuất tăng 7-8%. Lý giải vì sao đưa ra mức tăng cao như vậy, Tổng LĐLĐ cho rằng, đã cân nhắc và tính toán rất kỹ ngay cả trong việc điều chỉnh lại những bất cập trong tính toán của Tổ kỹ thuật. Tổng LĐLĐ phân tích:
Thứ nhất, năm nay GDP tăng khoảng 7% (năm 2018 đạt 7,08%, mức tăng GDP cao nhất kể từ năm 2000 đến nay).
Thứ hai, năng suất lao động tăng xấp xỉ 6%, cũng là chỉ số tốt.
Thứ ba, đánh giá tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam, tình hình xuất khẩu và phát triển doanh nghiệp, đặc biệt ở các ngành đông lao động, với tỷ lệ đơn hàng tăng, cho thấy khả năng chi trả của doanh nghiệp tốt, phần nhiều các doanh nghiệp phát triển và mở rộng sản xuất, phải tuyển thêm lao động. Rất nhiều doanh nghiệp trong các ngành dệt may, da giày, điện tử… đang khan hiếm lao động. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng hơn so với năm trước.
Thứ tư, triển vọng phát triển của Việt Nam trong thời gian tới nhờ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, sẽ có lợi về giảm thuế cho doanh nghiệp. Với CPTPP và EVFTA, lương tối thiểu đủ sống là yếu tố cạnh tranh của doanh nghiệp. Rất nhiều nhãn hàng quốc tế cam kết trả lương đủ sống và yêu cầu doanh nghiệp trả lương đủ sống cho người lao động. Vì vậy, nếu tăng lương tối thiểu đủ sống sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp cạnh tranh đơn hàng tốt hơn.
Thứ năm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp đã trả lương cao hơn mức lương tối thiểu năm 2019 đạt khá cao. Lương tối thiểu chỉ áp dụng với những người lao động yếu thế và có mức lương thấp, ngang với lương tối thiểu. Vì vậy, tăng lương tối thiểu khoảng 7% sẽ không ảnh hưởng nhiều tới nhóm doanh nghiệp đã trả lương cao hơn lương tối thiểu.
Tổng LĐLĐ cho rằng, nếu tăng dưới mức 7-8% như đề xuất thì người lao động vẫn có thể sống được như bao nhiêu năm nay, nhưng chất lượng cuộc sống không được cải thiện, chưa nói tới có một khoản phòng ngừa rủi ro trong cuộc sống. Rất nhiều người lao động thu nhập thấp mà Tổng LĐLĐ khảo sát cho biết, khi ốm đau họ không đủ tiền để trang trải viện phí và thuốc men, rơi vào tình trạng nợ nần và thậm chí phải bán cả phương tiện đi lại của mình, có người bệnh nặng phải bán cả nhà để chữa bệnh. Đó cũng là nguyên nhân về tình trạng người lao động phải tìm đến “tín dụng đen” trong thời gian gần đây.
Với tất cả những phân tích trên, Tổng LĐLĐ cho rằng, cần tiếp tục thương lượng về tiền lương tối thiểu với phương pháp tính toán mới, tham khảo các phương pháp tính toán của quốc tế để phù hợp với thực tiễn hơn, không thể tiếp tục áp dụng phương pháp tính toán của 10 năm trước để áp dụng cho thời kỳ đất nước bước vào cách mạng công nghiệp 4.0.
Tổng LĐLĐ khẳng định: Nếu không tính toán theo phương pháp mới sẽ không phù hợp với nhu cầu cuộc sống và trình độ phát triển của Việt Nam hiện nay, đồng thời dẫn đến không bảo đảm lương tối thiểu đủ sống cho người lao động, chất lượng cuộc sống không được cải thiện.
Về mức lương tối thiểu, các bên trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia đưa ra những con số rất khác nhau: VCCI (đại diện cho người sử dụng lao động) đề xuất tăng 2-3%, trong khi Tổng LĐLĐ đề xuất mức tăng 7-8%. |
Tú Anh