Châu Âu “căng mình” tháo ngòi nổ xung đột Mỹ - Iran
Châu Âu được xem bên đóng vai trò then chốt trong việc xoa dịu căng thẳng giữa Mỹ và Iran khi thỏa thuận hạt nhân đang đối mặt với nguy cơ sụp đổ.
Từ trái qua phải: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Đức Angela Merkel (Ảnh: Getty) |
Pháp ngày 9/7 đã cử một nhà ngoại giao hàng đầu tới thủ đô Tehran để kêu gọi Iran hạn chế các hoạt động làm giàu uranium. Động thái này diễn ra trong bối cảnh châu Âu đang hối thúc Iran quay trở lại tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 mà “không được trì hoãn”.
Pháp, Anh và Đức, 3 nước châu Âu vẫn ở lại thỏa thuận hạt nhân Iran cùng với Nga và Trung Quốc, cho biết họ đã lên kế hoạch để khởi động một cuộc họp với các bên tham gia thỏa thuận trong bối cảnh “quan ngại sâu sắc rằng Iran không tuân thủ một số cam kết của thỏa thuận”.
3 nước châu Âu cho biết cuộc họp, với nội dung về việc Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân, cần được “sắp xếp khẩn trương”, song vẫn chưa công bố cụ thể thời điểm diễn ra.
Một mặt, châu Âu đang phải chịu áp lực từ Mỹ về việc từ bỏ hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân với Iran, tương tự cách Washington đã làm năm ngoái. Mặt khác, châu Âu cũng bị Iran gây sức ép về việc phải đền bù những thiệt hại do các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ gây ra với Tehran.
Sức ép từ hai phía khiến cách tiếp cận “sức mạnh mềm” của châu Âu gặp nhiều khó khăn đúng vào thời điểm căng thẳng leo thang tại khu vực Trung Đông.
“Đối với châu Âu, sẽ rất khó để không bị mất tín nhiệm trong lập trường của họ đối với cả Iran và Mỹ, khi họ không được quá mềm mỏng, nhưng đồng thời vẫn phải chấp nhận một phần sự thật trong các tuyên bố của Iran”, Adnan Tabatabai, nhà khoa học chính trị tại viện nghiên cứu CARPO về các vấn đề Trung Đông ở Bonn, Đức, nhận định.
Theo Sanam Vakil, nhà nghiên cứu tại viện nghiên cứu Chatham House ở London, Anh, châu Âu buộc phải hành động cẩn trọng, cố gắng không để căng thẳng leo thang đối với bất kỳ bên nào trong lúc họ đang tìm kiếm một giải pháp kết nối giữa Mỹ và Iran. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hiện đóng vai trò dẫn dắt 3 nước châu Âu, hay còn gọi là E3, trong việc thực hiện sứ mệnh này.
“Những gì E-3 có thể làm là khởi động tiến trình ngoại giao và các cuộc đối thoại ngoại giao. Họ có thể thuyết phục Iran dừng các hoạt động vi phạm thỏa thuận hạt nhân và ngăn không cho nước này tiếp tục vi phạm thêm, trong khi dàn xếp một tiến trình hợp tác qua lại giữa Iran và Mỹ. Tình huống xấu nhất là không có tiến triển nào xảy ra, nhưng ít nhất họ cũng đã kéo dài thời gian để chờ đợi thêm”, chuyên gia Valik bình luận.
Nỗ lực cứu vãn
Iran tuần trước thông báo nước này đã vượt qua hạn mức về khối lượng uranium làm giàu theo quy định của thỏa thuận hạt nhân. Ngày 8/7, Tehran tiếp tục tuyên bố bắt đầu làm giàu uranium ở mức 4,5%, cao hơn mức 3,67% so với quy định của thỏa thuận hạt nhân.
Tuy nhiên, cả hai động thái trên của Iran đều chưa bị coi là hành vi vi phạm nghiêm trọng, buộc châu Âu phải kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp theo thỏa thuận hạt nhân. Hơn nữa, các động thái của Iran đều nằm trong tầm kiểm soát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).
Cơ chế giải quyết tranh chấp theo thỏa thuận hạt nhân Iran là tiến trình kéo dài nhiều tháng. Việc kích hoạt cơ chế này có thể dẫn tới khả năng hành vi vi phạm của Iran bị đưa xem xét trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Sau đó, các lệnh trừng phạt có thể được áp đặt trở lại đối với Iran mặc dù thỏa thuận hạt nhân đã cam kết dỡ bỏ các lệnh trừng phạt này.
Chuyên gia Tabatabi nhận định các động thái của Iran hiện vẫn nằm trong khuôn khổ cho phép. Điều này mở ra cho các bên cơ hội để hành động nhằm cứu vãn thỏa thuận.
“Tôi hy vọng châu Âu sẽ sử dụng cơ hội này trong khoảng thời gian từ 5-6 tuần tới”, chuyên gia Tabatabi cho biết.
Các chuyên gia cảnh báo, việc Iran tăng cường làm giàu uranium và mở rộng kho dự trữ uranium sẽ càng thu hẹp khoảng thời gian 1 năm mà Tehran cần để có đủ nhiên liệu chế tạo bom nguyên tử. Tuy nhiên, Iran cho đến nay vẫn khẳng định chương trình hạt nhân của nước này không phải để chế tạo vũ khí hạt nhân, trong khi thỏa thuận hạt nhân ra đời để ngăn Iran thực hiện điều này.
Tổng thống Pháp Macron đã trao đổi trực tiếp vấn đề trên với Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 6/7 và Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 8/7.
Giới phân tích cho rằng chưa có nhà lãnh đạo châu Âu nào dành nhiều tâm huyết và nguồn lực cho vấn đề Iran như Tổng thống Macron. Trong cuộc trao đổi với người đồng cấp Iran gần đây, ông Macron vẫn cố gắng thuyết phục nhà lãnh đạo Iran rằng Pháp và các nước châu Âu vẫn duy trì cam kết với thỏa thuận hạt nhân.
Ông Macron cũng cử cố vấn ngoại giao hàng đầu, Emmanuel Bonne, tới Tehran để gặp quan chức an ninh cấp cao Iran Ali Shamkhani.
Một quan chức Pháp nói rằng, ông Bonne hy vọng có thể khiến Iran thể hiện một số động thái cho thấy họ vẫn nghiêm túc ở lại thỏa thuận hạt nhân. Đây là chuyến đi thứ hai của nhà ngoại giao Pháp tới Tehran, sau chuyến đi hồi giữa tháng 6.
“Đây rõ ràng là một tiến trình của E3. Tuy nhiên ông Macron phải dẫn đầu vì Anh đang ở giai đoạn chuyển giao lãnh đạo, còn Đức vẫn đóng vai trò ít rõ ràng hơn. Nhưng tôi nghĩ vẫn có sự nhất trí cao ở đây”, chuyên gia Valik nhận định.
Theo Dân trí