"Tai nạn máy bay quân sự của Việt Nam thấp hơn nhiều nước khác"
Theo Cục trưởng Tuyên huấn Bộ Quốc phòng, tai nạn máy bay xảy ra thời gian qua có nguyên nhân do thời tiết xấu.
Tại cuộc họp báo chiều 9/7, trước câu hỏi "có hay không tình trạng các thiết bị quân sự đã cũ, hỏng dẫn tới tình trạng mất an toàn khi bay, gây tai nạn", thiếu tướng Nguyễn Văn Đức (người phát ngôn Bộ Quốc phòng, Cục trưởng Tuyên huấn) cho biết có nhiều nguyên nhân, bao gồm cả trục trặc động cơ, thời tiết xấu...
Theo đó, vụ tai nạn bay cấp 1 xảy ra vào ngày 14/6 của Trung đoàn 920 là do động cơ của máy bay làm việc không ổn định. Công suất động cơ giảm nên phi công quyết định hạ cánh bắt buộc ở bãi ngoài. "Hạ cánh bắt buộc ở bãi ngoài, không phải trên đường băng, địa hình không bằng phẳng cho nên xảy ra tai nạn", ông Đức nói.
Vụ máy bay rơi ở Nghệ An ngày 26/7/2018 hay máy bay CASA gặp nạn năm 2016 có nguyên nhân do bay vào vùng có khí hậu thời tiết xấu...
Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức phát biểu tại họp báo chiều 9/7. Ảnh: HT |
Theo Cục trưởng Tuyên huấn, tại Mỹ, Nga và các nước phát triển, tai nạn máy bay cũng không phải hiếm và "số vụ việc tai nạn máy bay của Việt Nam thấp hơn nhiều so với nước khác".
Vừa qua, nhiều vụ tai nạn máy bay quân sự đã xảy ra khi các đơn vị thực hiện bay huấn luyện. Cụ thể, ngày 14/6, máy bay YAK-52 của Trung đoàn 920, Trường Sĩ quan Không quân thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân đóng ở Nha Trang đã gặp nạn khi bay huấn luyện khiến hai phi công hi sinh.
Ngày 26/7/2018, máy bay Su-22 rơi ở Nghệ An, hai phi công hy sinh. Năm 2014, chiếc trực thăng Mi-171 rơi ở khu vực Hòa Lạc cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 km về phía tây khi đang huấn luyện bay làm 16 chiến sĩ tử vong, 5 người bị thương...
Tại cuộc họp báo chiều 9/7, Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức cho biết, thực hiện Đề án cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Bộ Quốc phòng đến năm 2020, Bộ sẽ sắp xếp 88 doanh nghiệp xuống còn 17 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế. Các doanh nghiệp thuần túy dịch vụ thương mại sẽ triệt để cổ phần hóa, thoái vốn và giải thể.
Từ năm 2016 tới cuối năm 2018, Bộ đã hoàn thành cổ phần hóa 32 doanh nghiệp, thoái vốn nhà nước tại 11 công ty cổ phần, thực hiện cơ cấu lại, xử lý tài chính, lập phương án sử dụng đất với 35 doanh nghiệp phải cổ phần hóa và 20 doanh nghiệp phải thoái vốn.
Theo VNE
Rơi máy bay quân sự ở Khánh Hòa: Hai phi công hy sinh |
Máy bay rơi ở Nghệ An: Hai phi công hy sinh |
Máy bay L39 rơi ở Phú Yên |