Chuyên gia nêu giải pháp để ngành nông nghiệp vượt khó thời hội nhập
(PetroTimes) - “Chế biến là phương châm, mục tiêu và giải pháp đột phá những năm tới của ngành nông nghiệp. Để nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp, giải pháp quan trọng là tăng cường sử dụng các phế phụ phẩm...” - PGS.TS Ngô Trí Long cho hay.
Khó khăn đến từ những hạn chế nội tại
Số liệu 6 tháng đầu năm nay cho thấy lực lượng lao động trong nông nghiệp hiện chiếm khoảng 35,4% của cả nước, nhưng chỉ đóng góp được 6% vào mức tăng trưởng chung của GDP.
Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và năng suất thấp đang khiến cho nông sản Việt Nam trở nên khó cạnh tranh trong hội nhập. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, doanh nghiệp chế biến nông sản của Việt Nam có tới gần 80% là chế biến thô, công suất chỉ đạt 10-13% sản lượng nông sản.
(Ảnh minh họa) |
Phân tích về những bất cập của nông sản, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho hay, nông sản của Việt Nam đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp đầu vào là nông sản thô, trong khi giá trị gia tăng đối với hàng nông sản lại chủ yếu do khâu chế biến, bao gói và hoạt động thương mại…
Bên cạnh đó, chuyên gia Ngô Trí Long cũng chỉ rõ, thực tế cũng cho thấy với hoạt động sản xuất nông nghiệp manh mún và nhỏ lẻ thì trình độ khoa học công nghệ của ngành cũng chưa cao và chất lượng sản phẩm có nhiều vấn đề. Thống kê một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cho thấy có một khoảng chênh lệch giá từ 15-50% do những yếu kém về chất lượng.
Và với chỉ khoảng 5% hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế, những rào cản kỹ thuật đối với nông sản, thực phẩm xuất khẩu sẽ đặt ra thách thức rất lớn cho các nhóm hàng này. Trong đó, với một số nông sản phải đối mặt với cạnh tranh trực tiếp từ các thị trường đã mở thông qua ký kết FTA, trong đó có CPTPP, EVFTA, thì khả năng cạnh tranh sẽ rất khó khăn.
Với CPTPP thậm chí có thể còn chịu sự cạnh tranh gay gắt hơn là EVFTA, do nhiều nước thành viên có cùng nhóm hàng thế mạnh nông nghiệp với Việt Nam, như New Zealand và Úc phát triển mạnh đại gia súc, sữa; hay Chile hiện đang xuất khẩu 40% tổng kim ngạch lĩnh vực nông nghiệp sang các thị trường châu Á, chiếm 15% GDP nước này…
Trong khi đó, nông nghiệp Việt Nam dễ tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, cạnh tranh... Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2019, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản của ngành nông nghiệp gặp khó khăn do dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng nên chỉ tăng 2,39%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,93% của 6 tháng năm 2018, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.
Trước những vấn đề trên, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng: “Giai đoạn đầu sẽ khó cạnh trạnh với các nước trong CPTPP”.
Doanh nghiệp phải làm gì?
Góp ý trong việc tìm ra giải pháp đối với ngành nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng có rất nhiều việc phải làm.
Một trong những yêu cầu đầu tiên để nông nghiệp có thể cạnh tranh được khi tham gia CPTPP, là từng doanh nghiệp cần nắm rõ luật chơi đối với nông sản xuất khẩu.
(Ảnh minh họa) |
Bên cạnh đó, chất lượng là con đường duy nhất của nông sản xuất khẩu. Bởi chỏ có thể mới có thể tận dụng ưu đãi của CPTPP xóa bỏ hoàn toàn từ 97-100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam.
Theo đó, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là hướng đi đúng đắn nhất cho nền nông nghiệp hiện đại, vừa để đảm bảo chất lượng sản phẩm, đồng thời đạt các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cùng với quá trình cải tổ sản xuất đó, tái cơ cấu nông nghiệp, tăng đầu tư chế biến cũng là biện pháp quyết định, giúp tăng giá trị xuất khẩu, mở rộng thị trường xuất khẩu, đảm bảo tính bền vững của thị trường xuất khẩu.
“Chế biến là phương châm, mục tiêu và giải pháp đột phá những năm tới của ngành nông nghiệp. Để nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp, giải pháp quan trọng là tăng cường sử dụng các phế phụ phẩm...”, ông Long nói.
Ngoài nỗ lực của các doanh nghiệp thì việc Nhà nước ban hành những chính sách hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này là rất quan trọng.
Đồng thời, để nông sản Việt tăng sự hiện diện về thương hiệu thì cũng cần thành lập các điểm thông tin thị trường ở các vùng chuyên canh có tỷ suất hàng hoá lớn; duy trì và phát triển các trang điện tử về nông sản và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng nông sản.
Và một điều cũng rất quan trọng trong bối cảnh hội nhập là các doanh nghiệp cần rà soát toàn bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn xem cái gì thiếu thì phải bổ sung; tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam... để từ đó có sự chủ động hơn trong việc xử lý những tình huống có thể xảy ra trong quá trình mở rộng thị trường.
M.L
Không có chế phẩm sinh học, không thể có nền nông nghiệp sạch |
FTAs giúp Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu nông nghiệp |
Doanh nghiệp nông nghiệp phải nắm rõ các ưu đãi thuế quan của EVFTA |