Cần “soi sáng” các “mảng tối” trong việc buôn bán trái phiếu doanh nghiệp
(PetroTimes) - Mặc dù ghi nhận sự bứt phá của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (DN) và kỳ vọng thị trường này sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong các tháng cuối 2019, nhưng nhiều chuyên gia tài chính vẫn lưu ý rằng, các mảng tối rủi ro trong hoạt động bán buôn, bán lẻ trái phiếu DN vẫn cần thiết phải được “soi sáng” lại và minh bạch hóa.
Có ý kiến cho rằng, Nghị định 163/2018 của Chính phủ dù đã mở ra khá nhiều điều kiện cho các DN phát hành trái phiếu sơ cấp, nhưng các quy định hạn chế giao dịch trong phạm vi 100 nhà đầu tư (NĐT) trong vòng 1 năm lại đang vô tình chặn đầu các giao dịch thứ cấp.
(Ảnh minh họa) |
Theo đó, việc quy định hạn chế các tổ chức tín dụng mua gom trái phiếu rồi bán lại cho nhiều NĐT, ở chiều tích cực sẽ khiến các DN chuyển dần sang hình thức chào bán công khai; nhưng ở chiều tiêu cực sẽ khiến thị trường thứ cấp trở nên co cụm vì chỉ có một số lượng nhỏ các NĐT chuyên nghiệp tham gia. Khi đó việc đầu tư trái phiếu DN cũng không khác nhiều so với hoạt động cấp tín dụng. Các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ mua trước trái phiếu DN sau đó phân phối lại. Đến khi bán ra, nếu trái phiếu được bảo lãnh thì số dư trái phiếu vẫn sẽ bị tính vào tăng trưởng tín dụng của các NHTM bao gồm tất cả những rủi ro tiềm ẩn tương tự như hoạt động cho vay.
Hiện nay các NHTM đang nắm giữ khoảng 35,5% trái phiếu DN sơ cấp được lưu hành. Nếu tính cả số lượng trái phiếu DN các ngân hàng nắm giữ thông qua các công ty chứng khoán (CTCK) thì tỷ lệ này còn lớn hơn rất nhiều. Theo quy định của NHNN, việc mua trái phiếu DN phải được các NHTM tính vào hạn mức tín dụng và đảm bảo áp dụng hệ số rủi ro phù hợp theo quy định.
Tuy nhiên, quan sát cho thấy tại các báo cáo tài chính của nhiều NHTM hiện nay, hạng mục bảo lãnh phát hành trái phiếu DN không được thể hiện một cách cụ thể. Trong khi đó, do hầu hết các thương vụ phát hành trái phiếu DN trong thời gian qua đều là phát hành theo phương thức chào bán riêng lẻ nên mức độ phổ biến thông tin cũng khá hạn chế.
Vì vậy, dù thị trường trái phiếu DN bước đầu đã có sự đa dạng giữa bên bán và bên mua nhưng các số liệu liên quan đến doanh thu, lợi nhuận và kiểm soát, quản trị rủi ro trong các giao dịch trái phiếu DN vẫn còn khá mập mờ. Lợi nhuận thực tế từ hoạt động bảo lãnh, phân phối trái phiếu DN tại các tổ chức tín dụng hầu như vẫn còn là một ẩn số khi thị trường thứ cấp trái phiếu DN vẫn chưa thực sự sôi động và các quyết định đầu tư trái phiếu DN của NĐT cá nhân hầu như vẫn đang phải dựa vào uy tín và sự bảo lãnh của NHTM và các CTCK.
M.T
Tạo sự thông thoáng cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển |
Vốn hóa thị trường chứng khoán đạt gần 4 triệu tỷ đồng |
Phát hành gần 130 ngàn tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp |