Hơn 780 nghìn lao động được giải quyết việc làm
(PetroTimes) - Tại cuộc họp báo thông tin về việc thực hiện chính sách lao động, người có công trong 6 tháng đầu năm 2019 diễn ra hôm nay (2/7), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết đã giải quyết việc làm cho trên 780.000 người lao động (bằng 99% so với cùng kỳ năm 2018).
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong 780.000 người được giải quyết việc làm, gần 67.000 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của khu vực thành thị quý I/2019 ước tính là 2,95% và dự tính 6 tháng đầu năm duy trì ở mức dưới 4%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 6 tháng đầu năm ước đạt 60%.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, Bộ LĐ-TB&XH đã đạt được nhiều chỉ tiêu quan trọng. Cụ thể theo số liệu tổng hợp, các trường nghề tuyển sinh khoảng 1.081 nghìn người, đạt 48% kế hoạch; trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp khoảng 112 nghìn người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 969 nghìn người.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, có khoảng 200.000 lao động nông thôn, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số... được hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng.
Hơn 780 nghìn lao động được giải quyết việc làm |
Thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai các giải pháp phòng, chống tệ nạn xã hội; tăng cường công tác cai nghiện, phục hồi và quản lý sau cai; trên cả nước hiện có 105 cơ sở cai nghiện công lập thực hiện việc điều trị, cai nghiện cho 38.441 người nghiện, trong đó, có 26.494 học viên cai nghiện bắt buộc theo quyết định của tòa án, 3.923 học viên cai nghiện tự nguyện tại cơ sở công lập, 4.563 người nghiện tại cơ sở xã hội (không có nơi cư trú ổn định) và 3.461 người cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ngoài công lập...
Năm 2019, Bộ LĐ-TB&XH đặt mục tiêu cả năm phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhất là các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, trong đó, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60 đến 62%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 24 đến 24,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; chăm lo tốt hơn cuộc sống người có công và gia đình chính sách; bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em…
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng cho biết, Việt Nam là nước có số ngày nghỉ lễ ít, nhất là quãng thời gian dài từ 1/5 đến 2/9 hàng năm không có ngày nghỉ nên Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất nghỉ vào ngày 27/7. Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến khác nhau nên tại Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã xin rút đề xuất này.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói: “Quốc hội yêu cầu khi có đề xuất mới cần có sự trưng cầu ý kiến rộng rãi và đánh giá tác động đầy đủ. Trong khi đó, thời gian từ nay tới khi tổ chức Kỳ họp Quốc hội lần thứ 8 (tháng 10) không còn nhiều. Chính vì thế, ban soạn thảo hiện nay chưa có đề xuất mới nào về ngày nghỉ bổ sung nhằm thay thế cho đề xuất ngày 27/7 đã được rút lại”.
Trước đó, trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 12/6 về Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), việc đề xuất lấy ngày 27/7 làm ngày nghỉ lễ chung của cả nước theo tờ trình của Chính phủ, không nhận được sự đồng tình của phần đông đại biểu.
Theo báo cáo tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội, nhiều ý kiến đề nghị chọn ngày 28/6 (Ngày Gia đình Việt Nam) để đúng ý nghĩa của ngày nghỉ lễ, tạo điều kiện cho người lao động được sum họp gia đình.
Có ý kiến chỉ ủng hộ tăng thêm ngày nghỉ đối với công nhân, còn công chức, viên chức thì không nên nghỉ vì còn rất nhiều người lao động tự do, lao động tự làm việc, người nội trợ, nông dân mà việc nghỉ lại không phụ thuộc vào quy định chung này, do đó cần phải xem xét kỹ lưỡng có nên quy định tăng thêm 1 ngày nghỉ lễ hay không…
Nguyễn Bách