EVFTA - “Cao tốc hướng tây” đã mở
(PetroTimes) - Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) chính thức được ký kết vào ngày 30-6-2019 tại Hà Nội. EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam. TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - có những chia sẻ với phóng viên Báo Năng lượng Mới về những cơ hội, thách thức của doanh nghiệp (DN) Việt Nam khi EVFTA có hiệu lực.
EVFTA - “Cao tốc hướng tây” đã mở |
PV: Là thành viên đoàn đàm phán EVFTA, ông có bình luận gì về sự kiện Việt Nam và EU ký kết EVFTA?
TS Vũ Tiến Lộc: Châu Âu là nền kinh tế lớn của thế giới, là trái tim, nơi khởi nguồn của công nghệ, trung tâm khởi nghiệp và sáng tạo toàn cầu. Khi kết nối được với EU, chúng ta coi như đã xây dựng “đường cao tốc hướng tây”, kết nối Việt Nam với thị trường hàng đầu thế giới.
PV: Theo ông, những cơ hội lớn EVF TA mang lại cho DN Việt Nam là gì?
TS Vũ Tiến Lộc: Hiện nay xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU chiếm 20% tổng kim ngạch, nếu EVFTA được phê chuẩn chính thức, con số này có thể tăng gấp đôi, gấp ba trong tương lai. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất không phải là xuất khẩu hay đầu tư mà là chất lượng của hàng Việt.
Thị trường EU luôn được đánh giá cao, vì thế hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được nâng tầm giá trị. Với lợi thế này, DN Việt đừng chỉ chú trọng vào khối lượng mà cần quan tâm đến giá trị của từng mặt hàng.
Mặt khác, EVFTA sẽ giúp thu hút FDI vào Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang muốn tìm dự án nhằm tận dụng những giá trị của Việt Nam như nhân lực trẻ, kinh tế mở... để xuất ngược hàng hóa trở lại. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư. Quan trọng nhất bây giờ là tái cơ cấu dòng vốn FDI. Chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến những dự án đầu tư đến từ Mỹ, Nhật, EU, bởi những dự án FDI của các quốc gia đó có thể sẽ đi cùng với nhiều công nghệ sạch, quy trình quản lý sạch.
Điều quan trọng nhất, theo tôi, là những tác động vô cùng lớn của EVFTA để tạo ra áp lực thay đổi thể chế kinh tế trong nước. Năm 2045, Việt Nam sẽ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước, chúng ta muốn lọt vào 20 nền kinh tế có năng lực cạnh tranh hàng đầu thế giới, tức là phải vươn tới chuẩn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD)... Như vậy, “bắt tay” với EU chúng ta sẽ có cơ hội để hiện thực hóa ước vọng của dân tộc.
Tôi nghĩ, cơ hội từ EVFTA mang tính tích hợp chứ không phải riêng lẻ.
EVFTA giúp mở rộng thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam |
PV: Để đạt được mục tiêu đó không thể không xem trọng vai trò của cộng đồng DN. Vậy ông có nhận xét gì về năng lực của DN Việt Nam hiện nay?
TS Vũ Tiến Lộc: Trên thế giới, các DN siêu nhỏ cũng cạnh tranh, vươn ra thị trường toàn cầu. Vì thế, Việt Nam với gần 90% DN nhỏ và vừa cũng cần có chiến lược như vậy. Nâng cấp khu vực DN nhỏ và vừa là yêu cầu cấp bách.
Năng lực quản trị của DN niêm yết trên sàn chứng khoán của Việt Nam trong 6 nền kinh tế ASEAN+6 xếp ở vị trí... “đội sổ”, trong khi ở trong nước, những DN niêm yết đó được coi là “hàng đầu”. Điều đó cho thấy năng lực quản trị của DN hàng đầu Việt Nam vẫn còn rất kém.
Trong Luật DN sửa đổi sắp tới, tôi đề nghị cởi bỏ nhiều ràng buộc cho khu vực DN nhỏ, cần có những chính sách làm cho DN dễ thở hơn, giúp DN minh bạch hơn.
PV: Với hàng hóa Việt Nam, cần phải có hướng đi nào để tận dụng được hết những giá trị vốn có, thưa ông?
TS Vũ Tiến Lộc: Trước đây, nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc chủ yếu qua đường tiểu ngạch, chất lượng thế nào cũng được. Nhưng gần đây, phía Trung Quốc đã dùng nhiều biện pháp “thắt chặt” để kiểm soát nhập khẩu theo đường tiểu ngạch, yêu cầu chứng nhận xuất xứ nguồn gốc, yêu cầu chất lượng hàng hóa ngày càng cao. Một thị trường dễ tính bậc nhất với hàng Việt đã đòi hỏi như vậy thì với châu Âu chắc chắn khắc nghiệt hơn. Vì vậy, chúng ta phải thay đổi. Các DN không thể có thị trường nếu không minh bạch, không chú trọng nâng cao chất lượng hàng hóa.
Ở thị trường EU, người tiêu dùng còn để ý đến cả quá trình sản xuất hàng hóa, sản phẩm có nhân văn hay không, nếu phát hiện hàng nhập khẩu nào tiếp tay cho sự không nhân văn, hủy diệt tài nguyên... thì họ sẽ tẩy chay. Khi “chơi” với EU hay với Mỹ, Nhật Bản, chúng ta không thể “chơi” theo kiểu tù mù được, phải “chơi” thực sự chuyên nghiệp.
PV: Trước đó chúng ta có tham gia nhiều FTA song và đa phương. Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam dễ trở thành bàn đạp cho các nước lợi dụng để gia công, xuất khẩu. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
TS Vũ Tiến Lộc: Chúng ta mới chỉ hiện thực hóa được 40% giá trị từ các FTA mang lại. Trong 40% này, DN nước ngoài chiếm hầu như hết giá trị, DN Việt Nam chỉ chiếm khoảng 12% giá trị. Đó là mặt hạn chế lớn nhất.
Trong bối cảnh này, các DN Việt phải chủ động, phải xóa bỏ suy nghĩ chỉ khi ra thế giới mới phải chịu sức ép cạnh tranh. Giờ đây, khi tham gia cuộc chơi toàn cầu, các DN quốc tế đã và đang đem hàng hóa đến cả “sân nhà mình” rồi. Không cẩn thận, không chủ động để cạnh tranh thì việc DN Việt Nam thua ngay trên “sân nhà” là điều khó tránh khỏi.
Điều tôi trăn trở nhất là hiện nay khu vực DN FDI vẫn là “ốc đảo”, sự kết nối với DN Việt Nam đang rất lỏng lẻo. Không thể phụ thuộc mãi vào DN FDI mà chính DN nhỏ và vừa, DN tư nhân Việt Nam phải là đối tượng đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Gần đây, dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ lắp ráp. DN Việt không thể cứ cam chịu làm lắp ráp mãi, vì như thế, dù có thay đổi gì chúng ta vẫn chỉ là công xưởng gia công của thế giới. Cùng sân chơi, cùng cơ hội như nhau, tại sao người Việt Nam, DN Việt Nam lại không thể? Chúng ta phải là “công xưởng xanh” của thế giới, chứ không thể là “công xưởng bẩn” của thế giới.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Bộ Công Thương cho biết, những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư trong EVFTA sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác. Cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU phát triển. Với cam kết xóa bỏ gần 100% dòng thuế các mặt hàng xuất khẩu sau 7 năm, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông sản, thủy sản, đồ gỗ... là rất đáng kể. Mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay mới chỉ hơn 42% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng thuế suất 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). |
Minh Lê