Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á về chỉ số PMI
(PetroTimes) - Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đạt 52,5 điểm trong tháng 6, tăng từ mức 52,0 điểm của tháng 5 và bằng với kết quả của tháng 4.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 giảm 0,09% |
Việt Nam đứng thứ ba trên thế giới về chỉ số niềm tin tiêu dùng |
Hà Nội chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh chỉ số PAPI |
Theo Nikkei, kết quả chỉ số PMI của Việt Nam trung bình cho quý II/2019 là cao hơn kết quả ghi nhận trong 3 tháng đầu năm, mặc dù vẫn thấp hơn mức trung bình của năm 2018.
Các nhà sản xuất Việt Nam tiếp tục có mức tăng kỷ lục về số lượng đơn đặt hàng mới trong tháng 6, khi tốc độ tăng đạt mức cao của 6 tháng. Các thành viên nhóm khảo sát PMI cho rằng, mức tăng gần đây có được là nhờ vào việc đưa ra các sản phẩm mới và số lượng khách hàng tăng.
Dữ liệu kém tích cực hơn được ghi nhận đối với số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới khi chỉ số này tăng chậm nhất kể từ tháng 2. Một số báo cáo cho thấy căng thẳng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã ảnh hưởng tiêu cực lên số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu.
Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á về chỉ số PMI |
Số lượng đơn đặt hàng mới tăng là nhân tố chính dẫn đến lần tăng thứ 19 liên tiếp của sản lượng ngành sản xuất ở Việt Nam. Mức tăng sản lượng là mạnh, và hầu như ngang bằng với những mức được ghi nhận trong những tháng khác của quý II.
Số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng đáng kể dẫn đến tăng lượng công việc tồn đọng trong tháng 6, và đây là lần tăng đầu tiên trong năm 2019 tính đến thời điểm này. Các công ty đối phó với lượng công việc tồn đọng tăng bằng cách tuyển thêm nhân viên, và điều này trái ngược với mức tình trạng giảm nhân công trong tháng 5.
Cùng với việc làm tăng, lượng công việc tăng cũng khuyến khích các nhà sản xuất mua thêm hàng hóa đầu vào trong tháng 6. Hơn nữa, tốc độ tăng là đáng kể và nhanh nhất trong 3 tháng. Một số thành viên nhóm khảo sát báo cáo muốn tăng dự trữ hàng tồn kho. Hoạt động mua hàng hóa đầu vào tăng và thời gian giao hàng rút ngắn đã cho phép các công ty tăng tồn kho hàng mua tháng thứ 3 liên tiếp. Mặt khác, hàng tồn kho thành phẩm đã giảm nhẹ tháng thứ 2 liên tiếp.
Giá cả đầu vào tăng tương đối nhẹ trong tháng 6, và đây là lần tăng nhẹ nhất trong 3 tháng. Trong những trường hợp chi phí đầu vào tăng, các thành viên nhóm khảo sát báo cáo giá cả thị trường của một số mặt hàng như dầu và khí đốt tăng. Mức tăng chi phí đầu vào tương đối yếu có nghĩa là các nhà sản xuất đã có thể tiếp tục giảm giá đầu ra. Giá đầu ra cho đến nay đã giảm 7 tháng liên tục, với tốc độ giảm hầu như ổn định trong suốt quý II.
Mặc dù các nhà sản xuất vẫn lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng trong năm tới, mức độ tin tưởng đã giảm mạnh trong tháng 6 và là mức thấp nhất kể từ tháng 2. Một số thành viên nhóm khảo sát báo cáo những quan ngại về quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Ở những nơi dự báo sản lượng tăng, những người trả lời khảo sát cho rằng sự lạc quan có được là nhờ kế hoạch đầu tư kinh doanh, việc đưa ra các sản phẩm mới và khả năng thâm nhập các thị trường mới.
Bình luận về dữ liệu khảo sát PMI ngành sản xuất Việt Nam, Andrew Harker, Phó Giám đốc tại IHS Markit, công ty thu thập kết quả khảo sát, nói: “Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục phát triển tốt vào giữa năm 2019. Quý II của năm chứng kiến mức tăng trưởng mạnh và hầu như ổn định trong suốt thời kỳ và là một mức cải thiện so với quý I. Nhu cầu tiếp tục tăng mạnh đã khuyến khích các công ty tuyển nhân viên thay thế cho các vị trí đã bị bỏ trống do nhân viên nghỉ việc trong tháng 5, từ đó số lượng việc làm tăng trở lại. Một số công ty nêu quan ngại những vấn đề thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã góp phần làm giảm tăng trưởng xuất khẩu và mức độ lạc quan trong kinh doanh giảm”.
Với 52,5 điểm, PMI Việt Nam đứng ở vị trí thứ hai bảng xếp hạng của ASEAN trong tháng 6, trong khi Myanmar giữ vị trí đầu bảng với 53 điểm.
Philippines báo cáo tốc độ tăng trưởng chậm lại (51,3 điểm), trong bối cảnh nhu cầu giảm và trải qua một thời gian dài giảm việc làm. Thái Lan cũng có tăng trưởng chậm lại do số lượng nhân công giảm, với kết quả chỉ số toàn phần giảm nhẹ (50,6 điểm) so với tháng 5 mặc dù sản lượng tăng nhanh hơn. Indonesia cũng có tốc độ cải thiện yếu như vậy (50,6 điểm) sau khi tăng thành mức cao của 9 tháng trong tháng trước.
Malaysia có tháng thứ 9 liên tiếp chứng kiến sự suy giảm về các điều kiện sản xuất (47,8 điểm), với tốc độ giảm gia tăng từ tháng 5. Lĩnh vực sản xuất của Singapore có các điều kiện hoạt động giảm mạnh nhất (42,9 điểm) kể từ khi chuỗi chỉ số khảo sát bắt đầu được thu thập.
Nguyễn Bách