Ký kết EVFTA: Thông thị trường phải thoáng thể chế, đừng trói DN rồi thả ra đại dương
“Tham gia EVFTA, không phải thả doanh nghiệp xuống hồ, xuống sông mà xuống đại dương”, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI nói và nhấn mạnh đến 4 trụ cột giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức tận dụng thị trường châu Âu…
Ông Vũ Tiến Lộc ví von, thị trường thông rồi, mở ra rồi mà thể chế trói buộc thì không khác “bó tay bó chân doanh nghiệp” rồi thả xuống đại dương. |
4 yếu tố giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức, tận dụng thị trường EU
Ngày 30/6 tại Hà Nội, Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU gồm Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) đã được ký kết sau hơn 9 năm đàm phán.
Hiệp định này được nhận định sẽ mang lại cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt trong việc thâm nhập thị trường rộng lớn như EU. Đồng thời cũng sẽ vô cùng nhiều những thách thức đặt ra khi tham gia cuộc chơi lớn này.
Vậy doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị tâm thế như thế nào, cơ quan quản lý nhà nước… phải chuẩn bị ra sao để có tận dụng được cơ hội, giảm thiểu thách thức.
Đó là một trong những câu hỏi được đặt ra tại toạ đàm về EVFTA do Bộ Công Thương phối hợp với VCCI tổ chức sáng nay (1/7).
Tại toạ đàm, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI cho rằng, thách thức là đương nhiên là khi tham gia bất kỳ một FTA nào, không riêng gì EVFTA.
“Bởi khi Việt Nam được mở cửa để tạo thuận lợi hơn trong việc thâm nhập vào thị trường EU thì ngược lại, các doanh nghiệp EU cũng thuận lợi hơn trong việc cạnh tranh với doanh nghiệp nội ngay trên sân nhà, ngay trước cửa nhà mình”, Chủ tịch VCCI nói.
Nói như vậy song theo nhận định của ông Lộc, cạnh tranh thách thức là có nhưng “không phải quá nghiêm trọng”. “Tôi tin vào nội lực doanh nghiệp Việt Nam”, ông Lộc nói và cho biết, chúng ta đã mở cửa cho rất nhiều đối thủ mạnh thông qua các FTA từ trước đến nay như Nhật Bản, Hàn Quốc… hay các nước thành viên CPTPP.
Đặc biệt, đối với các sản phẩm mà Việt Nam có sức cạnh tranh thấp Hiệp định cũng có lộ trình để doanh nghiệp có thời gian thích nghi.
Ngoài ra, có rất nhiều sản phẩm mà Việt Nam và EU không cạnh tranh nhau trực tiếp. Đó là một lợi thế theo quan điểm của ông Lộc.
Kết luận, để tận dụng được cơ hội, ông Lộc cho rằng, phải vượt qua 4 thách thức. Ông Lộc nói, thách thức đầu tiên là vấn đề nguồn gốc xuất xứ. Hiện nay nhiều mặt hàng xuất khẩu của chúng ta nhập khẩu nguyên liệu từ ASEAN, Trung Quốc… cũng không phải là châu Âu hay Việt Nam.
Rào cản tiếp đến là vấn đề rào cản kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ. Tiêu chuẩn châu Âu là cao nhất, khó nhất do vậy cần có sự nỗ lực của doanh nghiệp, chính sách từ phía nhà nước và cần cả sự hợp tác từ EU để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu khắt khe.
Thứ ba đó là chi phí tuân thủ bởi hiệp định này đòi hỏi yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn, môi trường. Đây cũng là một khó khăn cần được nhắc tới.
Cái khó cuối cùng được ông Lộc nhắc tới đó vấn đề “hiểu cam kết”. Doanh nghiệp không còn cách nào khác phải hiểu rõ, nắm bắt cụ thể từng cam kết, từ đó đi vào vận dụng.
“Ký kết hiệp định này cũng như FTA khác đó là “thông” thị trường, tiếp đến phải thoáng về thể chế. Thị trường thông rồi, mở ra rồi mà thể chế trói buộc như “bó tay bó chân doanh nghiệp” thì doanh nghiệp chết chắc. Tham gia EVFTA, không phải thả doanh nghiệp xuống hồ, xuống sông mà xuống đại dương”, ông Lộc nói.
Theo đại diện VCCI, 4 trụ cột giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức tận dụng thị trường châu Âu đó là thông thị trường, thoáng thể chế, nâng cấp doanh nghiệp, đào tạo nhân tài.
Chờ đợi dòng vốn từ EU vào Việt Nam
Tại toạ đàm, bà Cecilia Malmstrom, Cao ủy Thương mại EU cho biết, họ mong muốn trở thành nhà đầu tư lớn hơn nữa tại Việt Nam.
Hiệp định EVFTA sẽ thay thế cho 21 hiệp định song phương Việt Nam có với các nước châu Âu, bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp thuộc khối này, hướng họ đầu tư mạnh mẽ hơn vào nền kinh tế 95 triệu dân.
Bà Cecilia Malmstrom cũng cho rằng, việc ký kết FTA với Việt Nam ngày hôm qua (30/6) là thông điệp gửi đến thế giới trong bối cảnh bảo hộ thương mại đang dâng cao.
Theo bà, những người thuộc phái bảo hộ luôn đổ mọi trách nhiệm về khủng hoảng lên đầu của "thương mại", trong khi đó, họ lờ đi những nguyên nhân khác như công nghệ hay biến đổi của thị trường lao động.
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng EVFTA là hiệp định tốt nhất và đầy tham vọng mà EU đã ký kết với Việt Nam.
"Hiệp định sẽ tạo ra được môi trường thuận lợi nhất, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường lẫn nhau trên tất cả các lĩnh vực trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0. Cả EU và Việt Nam đều đưa ra thông điệp mạnh mẽ cho tự do hóa thương mại", ông Tuấn Anh nói.
Theo Dân trí