Cảm ơn cây nhé
(PetroTimes) - Cứ mỗi lần về ngôi nhà vườn ở làng Thanh, tôi thường mở cửa sổ ra, và ùa vào phòng là không khí trong lành, làm dịu mắt tôi là màu xanh mát của ngàn lá cây vườn. Tôi quả thực may mắn, khi nhìn bốn phía xung quanh ngôi nhà đều thấy màu lá xanh. Mỗi sáng ngủ dậy, tôi thầm nói “cảm ơn cây nhé, xanh mãi cho tôi”.
Nhưng sáng nay, khi tôi vừa đưa lên trang facebook cá nhân của mình hình khuôn cửa sổ xanh mát lá cây ở nhà tôi, thì tôi bỗng gặp tiếng kêu thảng thốt của một người quen, bác sĩ trẻ tên Minh làm việc tại Bệnh viện Dệt May. Anh kêu cứu cho quê hương Hà Tĩnh của mình, vùng quê đang đỏ lửa đau đớn vì cháy rừng. Anh kêu vì dường như chưa ai cứu được rừng quê anh.
Khung cửa sổ tràn đầy màu xanh lá cây |
Và dường như còn đau hơn, sâu hơn nỗi xót xa rừng cháy rụi, là về cái lạnh của lòng người, cái bệnh vọng ngoại, bỏ quên chính mình của từng người Việt. Bác sĩ Minh viết: “Hà Tĩnh cháy rừng, nó lớn hơn nhiều đám cháy khác. Vậy mà ít ai xót xa, chia sẻ, ra tay chung sức tìm giải pháp, và hành động để thay đổi thực tế khủng khiếp này. Thay vì cào bàn phím để chửi bới, tôi mong và chúc bình an tới những người cứu hỏa, và mong làm việc tốt để bà con quê hương an tâm lúc này.”
Tai họa mới là thước đo lòng người ghê gớm nhất, chính xác nhất. Mỗi khi tai họa xảy ra, đa phần mọi người mải soi tìm lỗi của người khác, để được vào vai quan tòa, phán xét và lên án, kết tội. Rất ít người cố gắng động não để tìm giải pháp ngăn chặn tai họa tiếp theo, và sửa chữa hậu quả. Càng ít người hơn thực sự ra tay hành động để cứu giúp con người trong tai họa, giải quyết những tàn tích từ tai họa và xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn trên đống tro tàn.
Bác sĩ Minh viết tiếp: “"Nhà thờ Đức Bà Paris cháy thì thiên hạ nháo nhào, cuống cuồng lên mà thảng thốt, xót xa, đau đớn, khóc than, kêu cứu... Giá như thiên hạ cũng có cảm xúc như thế với Hà Tĩnh quê tôi, nơi mụ hoả đang thiêu rụi rừng xanh, đang đe doạ mạng sống hàng trăm chiến sĩ phòng cháy chữa cháy, dân quân, công an, bộ đội và hàng triệu người dân lương thiện, bần hàn. Không lẽ mạng sống và nỗi đau của "người trong một nước" không bằng trào lưu sính ngoại - thương vay khóc mướn?”
Cháy rừng Hà Tĩnh |
Và rồi cơn đau đớn của người bác sĩ đã chảy thành dòng thơ đầy nước mắt:
“Có cơn mưa nào ghé đến đây không?
Hà Tĩnh quê tôi đang oằn mình trong lửa.
Những dãy núi xanh nay còn đâu nữa.
Cháy mất rồi trong biển lửa mênh mông.
Có cơn mưa nào ghé đến đây không?
Lúa cháy, đất nung giữa mùa hạn hán.
Tấm áo nâu... hai hàng khóc cạn.
Rừng không còn, ruộng cũng trắng khô
Có cơn mưa nào có thể đến bây giờ?
Lửa ngút ngàn trong gió Lào ngùn ngụt
Những chiến sĩ lao mình dập cơn nghi ngút
Mấy đêm rồi chưa ngủ mưa ơi!
Mong trời cao cho những giọt mưa rơi
Để đồi cháy thành xanh tươi trở lại
Ruộng đồng mênh mông lúa trổ bông xanh mãi..."
Tai họa từ cháy rừng Hà Tĩnh, bài thơ khóc rừng của người bác sĩ trẻ khiến tôi chấn động sâu xa. Tôi tự hứa rằng, mình cần trồng thêm một cây mới, ngay lúc này. Bởi chỉ cảm ơn cây thôi thì chưa đủ. Khi biết ý định của tôi, cô bạn người Hàn Quốc Choi Hana (nhà nghiên cứu Việt Nam học) bảo tôi rằng, hãy trồng 10 cây đi, và chăm sóc thật tốt cho cây lớn lên, xanh tươi Việt Nam. Đúng thế, một con người chưa thể xứng đáng sống trọn kiếp người, nếu như chưa tự tay trồng ít nhất một cây xanh.
Chỉ cần mỗi công dân Việt Nam tự tay mình trồng ít nhất một cây xanh, hay 10 cây xanh và chăm bón cây suốt đời, thì Việt Nam nhất định sẽ xanh tươi. Và chúng ta hãy bớt kêu gào chửi bới người hay vật gây họa, thay vào đó hãy trồng cây xanh. Hãy cảm ơn cây mỗi ngày, với tấm lòng kính trọng nhất, hãy ngắm kỹ cây xanh, ta sẽ thấy cả vũ trụ trong đó, mà chẳng cần phải bay lên Hỏa tinh.
Kiều Bích Hậu