Trung Quốc: Gian nan trong cuộc chiến chống lạm phát
Tuần qua, Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn trở thành quan chức cấp cao đưa việc kiềm chế lạm phát là nhiệm vụ hàng đầu của chính phủ Trung Quốc trong năm nay.
“Vấn đề mà chúng tôi đang đối diện hiện nay là lạm phát”, ông Vương Kỳ Sơn đã phát biểu như vậy trên chương trình truyền hình Mỹ “Charlie Rose Show”. “Do đó, chúng tôi cần phải sử dụng chính sách tiền tệ, chính sách tài chính, đồng thời còn phải xúc tiến chuyển đổi cơ cấu kinh tế”.
Gần đây, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã có một ví dụ khá sinh động, ông ví lạm phát như một con hổ, nếu thả nó ra rất khó bắt lại.
Tuy nhiên, biện pháp mà Bắc Kinh đã áp dụng để kiềm chế lạm phát chưa thể hiện được cuộc tranh đấu sống còn mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc ám chỉ.
Trước hết, Bắc kinh đang khuyến khích nâng lương lên hai con số (có nơi lên tới 40%/năm), để tìm cách thu hẹp khoảng cách giàu nghèo của Trung Quốc, giảm sự phụ thuộc quá mức của Trung Quốc vào ngành chế tạo nhờ nguồn nhân lực giá rẻ.
Mấy năm trở lại đây, chính phủ còn cho phép nhiều lần nâng giá năng lượng vốn bị kiểm soát nghiêm ngặt, kéo giá cả các mặt hàng tiêu dùng khác tăng theo.
Theo số liệu chính thức công bố hôm thứ Tư (11/5), chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 4 tăng 5,3% so với cùng kỳ, gần bằng mức cao nhất trong 3 năm qua (5,4%). Hai con số này đều cao hơn dự đoán của nhiều nhà phân tích, cho thấy mọi nỗ lực kìm chế giá tăng của chính phủ Trung Quốc chưa có ảnh hưởng to lớn.
Sở dĩ cường độ hoạt động của Bắc Kinh kém xa mức độ mà ban lãnh đạo đã nói là do vài nguyên nhân sau:
Trước tiên, các nhà phân tích cho rằng, các cơ quan chính phủ phụ trách hoạch định chính sách kinh tế chưa có sự đồng thuận về nguyên nhân thật sự của lạm phát.
Chẳng hạn như, Ngân hàng trung ương Trung Quốc PBCO và cơ quan giám sát ngân hàng chỉ ra rằng, lạm phát là hậu quả trực tiếp của dư thừa thanh khoản do các gói kích cầu được tung ra sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Còn theo một số nhà kinh tế, gói kích cầu do tín dụng thúc đẩy này là chính sách và biện pháp nới lỏng tiền tệ với quy mô lớn nhất trong lịch sử.
Các cơ quan chính phủ khác (như ủy ban cải cách phát triển Trung Quốc) lại biện hộ rằng, lạm phát là hậu quả của sự tắc nghẽn vận chuyển và cơ sở hạ tầng, cũng như đầu tư và thao túng giá. Cho đến gần đây, nhiều quan chức Trung Quốc đã đổ lỗi lạm phát trong nước lên đầu chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ và các nước khác, cho rằng, lạm phát chủ yếu là kiểu nhập khẩu.
Trong tình cảnh các bên thiếu nhận thức chung rõ ràng về nguyên nhân hay tính nghiêm trọng của vấn đề, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang thử các biện pháp rộng rãi hơn, đồng thời tránh ủng hộ hết mình cho bất kỳ một chính sách nào trong đó.
Mặc dù Bắc Kinh đã thành công trong việc cắt giảm tín dụng trong nền kinh tế (chủ yếu là trực tiếp ra lệnh các ngân hàng giảm các khoản cho vay), nhưng chính phủ cũng lo lắng kìm hãm quá mức tốc độ tăng trưởng. Nhiều người tin rằng, khi lạm phát nửa đầu năm 2008 tăng lên 8%, chính sách mà chính phủ Trung Quốc tung ra đã kìm hãm đà tăng trưởng.
“Xem ra, trước khi khủng hoảng toàn cầu bùng nổ, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã thắt chặt quá mức”, ông Stephen Green, nhà kinh tế Trung Quốc trưởng của Ngân hàng Standard Chartered cho rằng: “Rõ ràng họ đang thắt chặt chính sách tiền tệ, nhưng tăng trưởng đã chậm lại. Và có ý kiến cho rằng giờ chưa phải là lúc hành động, nhưng cũng có người lại muốn hành động tích cực hơn để đối phó với lạm phát, quan hệ giữa hai luồng ý kiến đều rất căng thẳng”.
Từ tháng 10/2010, PBOC đã 4 lần nâng lãi suất, 8 lần nâng lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng. “Trung Quốc đang rơi vào giai đoạn khó khăn, lạm phát trong vài tháng tới vẫn sẽ cao hơn 5%, nhưng tăng trưởng sẽ tiếp tục giảm tốc. Vấn đề nằm ở chỗ giảm tốc nhanh đến mức nào”. Một chuyên gia cho biết.
Theo VIT