Thủy sản rộng cửa vào EU nhưng lại hẹp đường vào thị trường nội địa
(PetroTimes) - Hiện nay các lô hàng xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU, một trong những thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt nhất về ATTP, đều cho phép ngưỡng phát hiện mức dư lượng < 100ppb (đơn vị một phần tỷ) trong khi các kênh bán lẻ tại thị trường nội địa thì không chấp nhận.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện nay, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang tích cực thực hiện chủ trương của Chính phủ “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” bằng cách đẩy mạnh hoạt động kinh doanh hàng vào thị trường nội địa.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại đang gặp phải vướng mắc trong việc thực hiện quy định đưa Enrofloxacin và Ciprofloxacin vào danh mục “Hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh động vật thủy sản” theo Phụ lục 2 Thông tư 10/2016/TT-BNNPTNT ngày 1/6/2016 của Bộ NN&PTNT nhưng không quy định ngưỡng giới hạn phân tích tối thiểu (MRPL) đối với các chỉ tiêu này.
(Ảnh minh họa) |
Quy định trên đã gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong việc sản xuất và kinh doanh thủy sản tại thị trường nội địa. Hiện nay các lô hàng xuất khẩu vào thị trường EU, một trong những thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt nhất về an toàn thực phẩm, đều cho phép ngưỡng phát hiện mức dư lượng < 100ppb trong khi các kênh bán lẻ tại thị trường nội địa thì không chấp nhận.
Theo quy định 37/2010/EC về phân loại các hoạt chất có dược tính và giới hạn dư lượng tối đa cho phép (MRLs) trong các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc động vật của EU ban hành ngày 22/9/2009 với ngưỡng của Enrofloxacin và Ciprofloxacin trong sản phẩm thủy sản là 100ppb. Đồng thời, trong công văn số 79/QLCL-CL1 ngày 12/1/2019 của Cục quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản thông báo về việc cập nhật qui định của thị trường EU, ngưỡng MRLs của hai chỉ tiêu kháng sinh này trong sản phẩm thủy sản XK sang EU cũng cho phép ở mức 100ppb.
Trong 4 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang các thị trường đạt 2,43 tỷ USD giảm 1,3% so với cùng kỳ 2018. Việc đẩy mạnh kinh doanh và tiêu thụ thủy sản tại thị trường nội địa là vô cùng quan trọng để đảm bảo tính ổn định cho ngành thủy sản. Việc áp dụng ngưỡng MRLs tương đương giữa hàng xuất khẩu và tiêu thụ nội địa sẽ góp phần thúc đẩy việc tiêu thụ thủy sản tại thị trường nội địa, cải thiện môi trường kinh doanh và tăng năng lực cạnh tranh cho ngành.
Để phản ánh và kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, mới đây, VASEP đã gửi Công văn số 55/2019/CV-VASEP tới Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị Bộ xem xét ban hành qui định về ngưỡng giới hạn dư lượng tối đa cho phép (MRLs) đối với Enrofloxacin và Ciprofloxacin trong các sản phẩm thủy sản tiêu thụ nội địa ngang bằng với ngưỡng MRLs áp dụng cho sản phẩm thủy sản xuất khẩu vào EU.
M.Đ
Gian nan gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC đối với thủy sản |
5 tháng đầu năm: Xuất khẩu thủy sản giảm, nhập khẩu lại tăng |
33 mặt hàng thủy, hải sản được miễn thuế nhập khẩu vào Trung Quốc |