Hệ sinh thái số Việt Nam - Yếu và thiếu
(PetroTimes) - Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, để chuyển đổi số thành công trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, phải có một hệ sinh thái số đồng bộ và cơ bản về công nghệ, con người… Hệ sinh thái số của Việt Nam hiện nay như thế nào? Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam - về vấn đề này.
PV: Thưa ông, với tư cách là một chuyên gia, ông có thể giải thích hệ sinh thái số là như thế nào?
Ông Vũ Hoàng Liên: Có thể có nhiều cách định nghĩa khác nhau. Theo quan niệm của tôi, đó là chuỗi giá trị trong sự vận động kinh tế, xã hội được củng cố bằng công nghệ thông tin. Chuỗi giá trị của sự vận động đó có thể theo lĩnh vực như thương mại, y tế, giáo dục hoặc theo từng dòng sản phẩm, dịch vụ… Giá trị của nó là công nghệ thông tin sẽ gia tăng hiệu quả cho mỗi sự vận động, ví dụ như chuyển một thông điệp qua mạng sẽ nhanh và hiệu quả hơn gửi qua bưu điện. Hay công nghệ thông tin tạo ra nhiều đối tượng cho sự vận động, ví dụ như Internet vạn vật (IoT) và các đối tượng ảo trên mạng tạo ra một tập hợp các đối tượng rộng lớn hơn nhiều. Công nghệ thông tin cũng tạo ra nhiều hình thái vận động, như mạng xã hội là một ví dụ.
Nhờ có công nghệ thông tin mà mối liên kết chuỗi giá trị được phát triển về chiều rộng và chiều sâu hiệu quả hơn, đạt được nhiều mục tiêu hơn. Sự liên kết đó không chỉ là trao đổi mà còn là tương tác và đặc biệt là cộng sinh.
Hệ sinh thái số ở một quốc gia là quan hệ tương hỗ giữa sản xuất và tiêu dùng trên nền tảng của con người số, môi trường số và chính phủ số. Điều này ngày càng trở thành thiết yếu và vô cùng quan trọng, quyết định vai trò, vị trí của mỗi người, quốc gia trong tương lai, đặc biệt là trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là sức ép và động lực cho sự đổi mới và phát triển của nước ta.
Nhờ có công nghệ thông tin mà mối liên kết chuỗi giá trị được phát triển về chiều rộng và chiều sâu hiệu quả hơn, đạt được nhiều mục tiêu hơn. Sự liên kết đó không chỉ là trao đổi mà còn là tương tác và đặc biệt là cộng sinh. |
PV: Ông đánh giá như thế nào về hệ sinh thái số của Việt Nam hiện nay?
Ông Vũ Hoàng Liên: Trước hết phải nói về nền tảng. Theo tôi, Việt Nam hiện đã có nền tảng của hệ sinh thái số, đó chính là công nghệ, quan hệ nghiệp vụ, nguồn nhân lực và môi trường pháp lý. Tuy nhiên, trong đó có những phần còn chưa vững chắc. Về phát triển công nghệ, Việt Nam cũng có tiềm năng, mặc dù chưa có nhiều đóng góp đáng kể. Sự phối hợp giữa công nghệ thông tin và các công nghệ khác cũng là điều đáng nói, vẫn còn yếu và khó khăn.
Quan hệ nghiệp vụ quyết định sự kết nối chuỗi giá trị của hệ sinh thái. Bên cạnh đàm phán, hợp tác, vấn đề tiêu chuẩn hóa và quy trình hóa vẫn còn phải quan tâm. Nguồn nhân lực đã có nhưng so với yêu cầu phát triển vẫn là một thách thức lớn. Môi trường pháp lý cũng vậy, còn phải cập nhật, hoàn thiện.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, môi trường pháp lý, hay chính là “luật chơi”, chưa hoàn chỉnh, thậm chí còn thiếu, nghĩa là cơ sở nền tảng chưa vững chắc, khó phát triển hệ sinh thái số một cách đúng nghĩa. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Vũ Hoàng Liên: Mọi sự vận động có thể diễn ra một cách tự nhiên, bản năng. Nhưng, muốn nhanh, nhiều… thì cần có “luật chơi”. “Luật chơi”, theo tôi, phải tạo ra môi trường có động lực hơn là kiểm soát. Trong “luật chơi” có “luật” và “lệ”. “Luật” lúng túng là chuyện thường tình, vì phải có quan sát mới cập nhật được. Thực sự quá trình vận động của hệ sinh thái số ở Việt Nam còn ở những bước khởi đầu nên chưa có nhiều tình huống để quan sát. Chúng ta có thể học hỏi để xây dựng môi trường pháp lý, nhưng tiên đoán một cách toàn diện mọi tình huống thì khó. Nhìn chung, môi trường pháp lý của hệ sinh thái số Việt Nam còn nhiều lỗ hổng dẫn đến sự vận dụng lúng túng.
Trí tuệ nhân tạo được coi là 1 trong 2 yếu tố đóng vai trò chính trong nền kinh tế số |
Còn “lệ”, theo tôi thì sự mềm và lỏng rất thiết thực với sự vận động. Điển hình của hệ sinh thái là mối quan hệ giữa các đối tượng trong chuỗi tham gia quá trình vận động. Vậy thì sự cam kết và thừa nhận lẫn nhau sẽ là điểm mấu chốt của “lệ”. Việc hình thành và áp dụng “lệ” trong “luật” cũng cần có hiểu biết về chuyên môn, công nghệ và đặc biệt đòi hỏi độ văn minh nhất định. Việt Nam cũng đã ít nhiều làm được điều này nhưng không thể phủ nhận nó cũng mới lạ, khiến chúng ta ngỡ ngàng.
PV: Trong thực tế đã có những vụ việc nào vì “luật chơi” vẫn còn lúng túng mà dẫn đến bất lợi cho những người tham gia hệ sinh thái số hiện nay chưa, thưa ông?
Ông Vũ Hoàng Liên: Tranh chấp giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống cách đây không lâu là một ví dụ. Do luật pháp chưa toàn diện, còn nhiều lỗ hổng mà trong xử lý tranh chấp, nhiều người cho rằng đã không bảo đảm được công bằng dẫn đến thiệt hại cho người tiêu dùng và kìm hãm ứng dụng công nghệ tiên tiến. Ở vụ tranh chấp này, nhiều người cho rằng, các quy định pháp lý khó phân định bản chất kinh doanh, xử lý vấn đề thiên về giải quyết hiện tượng tranh chấp, từ đó không đặt lợi ích của người tiêu dùng và mục tiêu vì một quốc gia số lên trên hết…
Ở vụ tranh chấp giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống, nhiều người cho rằng, các quy định pháp lý khó phân định bản chất kinh doanh, xử lý vấn đề thiên về giải quyết hiện tượng tranh chấp, từ đó không đặt lợi ích của người tiêu dùng và mục tiêu vì một quốc gia số lên trên hết. |
PV: Vậy để bảo đảm công bằng cho tất cả những người tham gia hệ sinh thái số đồng thời để họ chấp nhận và thực hiện “luật chơi” một cách nghiêm túc, theo ông, “luật chơi” về cơ bản cần như thế nào?
Ông Vũ Hoàng Liên: Trước hết phải xác định đúng mục tiêu của luật để từ đó tạo được sự đồng thuận, ủng hộ, trước hết là của cộng đồng, sau đó là chính những người tham gia hệ sinh thái số. Khi đã đồng thuận thì “luật chơi” sẽ được tuân thủ một cách nghiêm túc.
PV: Để xây dựng, phát triển hệ sinh thái số bắt kịp với xu thế của thời đại, phù hợp với hoàn cảnh của nước ta hiện nay, theo ông cần phải làm gì?
Ông Vũ Hoàng Liên: Trước hết chúng ta phải giải quyết được những khó khăn về nhân lực (đây là khó khăn chính yếu) bằng cách đào tạo đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh sự sáng tạo, đổi mới mà hiện còn đang yếu, nâng cao chất lượng hội nhập về kinh tế và xã hội, quy hoạch, dự báo và tiêu chuẩn hóa phải được hoàn thiện một cách cấp bách. Để thực hiện được những điều đó, theo tôi, cần đến sự hỗ trợ, tư vấn, chống rủi ro của các ngành liên quan, phải có chương trình dự án quốc gia, chương trình tiêu dùng của Chính phủ, chương trình khai thác thị trường bên ngoài Việt Nam…
PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Chính sách không theo kịp thực tiễn Vụ kiện cách đây không lâu giữa Vinasun và Grab không chỉ đơn giản là sự xung đột giữa một doanh nghiệp taxi truyền thống với một hãng taxi công nghệ hoạt động xuyên biên giới, mà về bản chất, đó là sự va chạm của các mô hình kinh doanh truyền thống với mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ... Đó là nhận định của ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khi xảy ra vụ việc. Theo ông Nguyễn Thành Hưng, với quy mô dân số xấp xỉ 95 triệu người, trong đó, tỷ lệ người sử dụng Internet chiếm hơn 60%, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 16 trên thế giới về số lượng người sử dụng Internet. Một thống kê đáng chú ý: Thời gian sử dụng Internet trung bình của người Việt Nam lên tới gần 7 giờ/ngày. Do vậy, phát triển hệ sinh thái số phục vụ người dân Việt Nam là hướng đi lâu dài, cần thiết, tạo ra nhiều giá trị cho xã hội. Thứ trưởng Hưng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã đủ năng lực và khát khao để làm chủ công nghệ, làm chủ thị trường trong nước, thậm chí là mang sản phẩm tiến ra khu vực nếu nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ chính sách. Sự phát triển bùng nổ của công nghệ nói chung, Internet nói riêng đã mang đến các mô hình kinh doanh mới. Việt Nam trở thành một điểm đến thu hút rất nhiều doanh nghiệp công nghệ nước ngoài vào đầu tư kinh doanh, hoạt động xuyên biên giới. Theo Thứ trưởng Hưng, điều mà Việt Nam còn đang lúng túng chính là “luật chơi”. Vụ kiện thu hút nhiều sự chú ý của dư luận giữa Vinasun và Grab chính là một minh chứng. Mặc dù các cơ quan quản lý đã có những nỗ lực để điều chỉnh, nhưng cần thừa nhận rằng có một độ trễ nhất định của chính sách, khi thực tiễn diễn biến quá nhanh và chính sách không theo kịp. Đây là vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà là vấn đề chung của các nước trên thế giới, trong đó có cả các quốc gia phát triển. Để cạnh tranh bình đẳng, công bằng, theo ông Hưng, không có cách nào khác ngoài việc chúng ta phải xây dựng một “luật chơi” công bằng và bình đẳng, với hiệu lực đủ mạnh để tất cả các “người chơi” đều phải tuân thủ. Hệ sinh thái số trên thế giới cũng như tại Việt Nam đang thay đổi từng ngày. Sẽ có những yếu tố buộc các loại hình dịch vụ phải thay đổi để tồn tại, cạnh tranh và phát triển. Có 2 yếu tố đóng vai trò chính cho sự thay đổi này là trí tuệ nhân tạo (AI) và bảo mật (Privacy). AI là công nghệ, các doanh nghiệp buộc phải ứng dụng AI để tăng sức cạnh tranh, thay đổi sản phẩm nhanh hơn nữa để thu hút khách hàng. Privacy liên quan đến con người và xã hội, đến chính sách. Các doanh nghiệp nội địa muốn phát triển để chiếm lĩnh thị trường nội địa và xa hơn nữa là vươn ra khu vực, thế giới thì không thể không quan tâm đến hai yếu tố này. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, các cơ quan quản lý, hiệp hội, doanh nghiệp cần cởi mở, chia sẻ, trao đổi để cùng đồng hành và cùng hướng tới sứ mệnh phục vụ quốc gia, người dân Việt Nam. Các doanh nghiệp trong nước cần chung tay, liên kết để hướng tới những mục tiêu chung, nghĩ cho những cái chung. Điều đó sẽ giúp chúng ta nâng tầm nội lực của chính mình, vì cái chung đạt được thì cái riêng cũng sẽ được đáp ứng. Nhà nước sẽ tạo cơ chế, chính sách thuận lợi, cầu nối đầu tư cho doanh nghiệp Việt Nam làm sản phẩm, dịch vụ của hệ sinh thái số được phát triển mạnh. Các doanh nghiệp Việt Nam cần mạnh dạn đầu tư, kiên trì phát triển sản phẩm đủ sức cạnh tranh. Doanh nghiệp chủ động tiếp cận kinh tế số Tại Diễn đàn Đổi mới và phát triển doanh nghiệp diễn ra sáng 18-6-2019 do Viện Nghiên cứu thương hiệu và cạnh tranh tổ chức, PGS.TS Hồ Sỹ Hùng - Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp - đã nhận định: Nền kinh tế số của Việt Nam vẫn chưa phát triển đúng với tiềm năng, thể hiện rõ ở tỷ trọng thương mại điện tử còn thấp.
Hiện có hơn 64 triệu người dùng Internet, hơn 130 triệu thuê bao di động, hơn 3.000 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nhiều doanh nghiệp thành công trong các ngành công nghệ thông tin, phần mềm, ứng dụng công nghệ số... Việt Nam đang được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển nền kinh tế số. Tuy nhiên, tỷ trọng của thương mại điện tử trong tổng doanh số bán lẻ của Việt Nam lại chỉ chiếm 4,6% trong năm 2018, rất nhỏ so với mức trung bình của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là 14,5%. Phân tích nguyên nhân, ông Hùng cho rằng, do nền kinh tế số đã tạo ra những thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đầu tiên là thách thức về thị trường do nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã có mặt trong các ngành nghề của nền kinh tế Việt Nam dẫn đến tầm ảnh hưởng, sức mạnh và việc ứng dụng công nghệ số của doanh nghiệp đến từ nước ngoài như Facebook, Google, Microsoft… trong xã hội hiện nay rất lớn. Tiếp nữa là khả năng nắm bắt và hòa mình vào xu thế thời đại công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế, chưa kể đến khả năng thích ứng với nền kinh tế số của doanh nghiệp Việt Nam cũng bị giới hạn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông Hùng nói: “Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó khăn khi muốn mở rộng kinh doanh thông qua nền kinh tế số do những phiền toái, trở ngại về truy cập Internet. Sự am hiểu về tính an toàn và bảo mật thông tin cá nhân, giải quyết các vấn đề tấn công qua mạng khi hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trình độ công nghệ, kiến thức cơ bản về phát triển trực tuyến còn nhiều hạn chế… cũng là một rào cản lớn. Ngoài ra, các thiết bị công nghệ thông tin thường có chi phí rất cao, dịch vụ logistic yếu kém, chi phí bị đội lên cao so với nhiều nước trong khu vực cũng khiến nhiều doanh nghiệp “lực bất tòng tâm”. Hơn nữa, lòng tin của phần lớn người tiêu dùng đối với mua sắm trực tuyến ở nước ta vẫn chưa cao”. Theo ông Hùng, doanh nghiệp cần chủ động đầu tư cải tiến công nghệ, nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng những mô hình, phương thức kinh doanh mới, quyết “khai tử” những yếu tố lạc hậu, không còn phù hợp, ứng dụng cách thức mới để phát triển nhanh hơn. Khi đã chủ động tiếp cận nền kinh tế số, các doanh nghiệp với nhiều tiềm lực và lợi thế sẽ trở thành “đầu tàu” dẫn dắt công cuộc số hóa trong nền kinh tế quốc gia. |
Nguyễn Bách