Dịch tả lợn châu Phi: Chủ hộ giữ lợn giống được hỗ trợ 500 nghìn đồng/con
(PetroTimes) - Đối với chủ hộ nuôi giữ lợn giống, Nghị quyết 42/NQ-CP cho biết sẽ hỗ trợ với mức 500.000 đồng/con đến ngày 31/12/2019 nhằm nâng cao các biện pháp an toàn sinh học, sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh đảm bảo duy trì đàn lợn giống phục vụ tái đàn khi kiểm soát được dịch bệnh.
Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP về việc triển khai một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20/5/2019.
Nghị quyết nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Từ đầu năm đến nay cả nước đã tiêu hủy trên 2,3 triệu con lợn |
Đối với doanh nghiệp chăn nuôi nhỏ và vừa theo tiêu chí quy định của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 ngày 12/6/2017 (không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa là công ty con hoặc là công ty có vốn cổ phần chi phối của doanh nghiệp lớn) có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi với mức hỗ trợ bằng 30% mức hỗ trợ cho chủ cơ sở chăn nuôi nêu trên nhưng tối đa không quá 30% số lỗ do dịch bệnh sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng và tiền bồi thường bảo hiểm (nếu có).
Đối với chủ hộ nuôi giữ lợn giống với mức 500.000 đồng/con đến ngày 31/12/2019 nhằm nâng cao các biện pháp an toàn sinh học, sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh đảm bảo duy trì đàn lợn giống phục vụ tái đàn khi kiểm soát được dịch bệnh.
Nguyên tắc, trình tự, thủ tục hỗ trợ được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Về cơ chế hỗ trợ từ ngân sách trung ương (NSTW), với các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, NSTW hỗ trợ 80% mức ngân sách Nhà nước hỗ trợ thiệt hại.
Nghị quyết cho biết, trường hợp các địa phương có mức độ thiệt hại lớn, nếu phần ngân sách địa phương đảm bảo vượt quá nguồn lực của địa phương (gồm: 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương (bao gồm cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã) và 70% quỹ dự trữ tài chính địa phương, NSTW sẽ bổ sung thêm phần chênh lệch vượt quá nguồn lực của địa phương để các tỉnh, thành phố có đủ nguồn để thực hiện.
Từ tháng 2/2019 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước, phải tiêu hủy trên 2,3 triệu con lợn.
Do tính chất nguy hiểm của vi rút dịch tả lợn châu Phi, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị; vi rút có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường và có sức đề kháng rất cao, đường lây truyền rất đa dạng, khó kiểm soát.
Nước ta còn trên 2,4 triệu hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi rất cao. Việc thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và ngăn chặn các yếu tố làm lan truyền mầm bệnh gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, thời tiết diễn biến rất phức tạp, tạo điều kiện rất thuận lợi cho vi rút dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lây lan, gây bệnh.
Nhận định trong thời gian tới, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục phát sinh và lan nhanh đến các địa bàn chưa có dịch, cùng với đó có khả năng tái phát tại các địa phương đã qua 30 ngày. Nguy cơ dịch xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung, quy mô lớn, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi lợn, gây thiệt hại to lớn về kinh tế, ảnh hưởng lớn đến môi trường và đời sống của người dân.
M.L
Dịch tả lợn châu Phi hoành hành, cuối năm có lo thiếu thịt lợn? |
Quy định “cấm vận chuyển lợn” đang làm khó nhiều doanh nghiệp chăn nuôi |
Hà Nội: Dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp |