Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV
Nhiều dự án giao thông đội vốn lớn
(PetroTimes) - Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã có 44 đại biểu đặt câu hỏi, 6 đại biểu tranh luận nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực GTVT đang được dư luận quan tâm như kiểm toán các dự án BOT, xử lý trách nhiệm các dự án chậm tiến độ, đội vốn…
Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) nêu vấn đề: Sau khi kiểm toán 61 dự án BOT giao thông, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm hơn 222 năm thu phí. Tuy nhiên, trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT cho rằng, Kiểm toán Nhà nước không được kiểm toán các dự án BOT giao thông với lý do đây là các dự án của nhà đầu tư tư nhân. Đại biểu Phương chất vấn: Nếu Kiểm toán Nhà nước không kiên quyết thì dân phải trả tiền oan cho 222 năm của các dự án BOT? Có lợi ích nhóm ở đây không?
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể |
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ, ngay từ khi dự án BOT triển khai, Bộ GTVT và nhà đầu tư BOT đều chủ động mời Kiểm toán Nhà nước vào cuộc kiểm toán chứ không có chuyện không cho kiểm toán vào, thậm chí Bộ GTVT mời cả công an. Cho nên, số lượng dự án BOT được kiểm toán gần như 100%. Lý giải về con số tăng hơn 222 năm thu phí, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, tại kỳ họp trước, Bộ GTVT đã có báo cáo.
“Theo quy định của pháp luật, nhà đầu tư triển khai xong dự án phải thực hiện công tác quyết toán căn cứ vào quyết toán thực tế, điều chỉnh lại hợp đồng. Hợp đồng cuối cùng mới là hợp đồng cho thu phí. Còn hợp đồng khi dự án mới được phê duyệt thì khi giải phóng mặt bằng, số liệu sẽ phát sinh nên không đúng thực tế. Chúng tôi đã giải trình một lần rồi, số liệu hơn 222 năm là đúng nhưng đúng so với khi dự án được duyệt, còn số liệu quyết toán, cho thu phí là giảm chứ không phải như số liệu kiểm toán”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Ngay sau đó, đại biểu Phương nói: “Bộ trưởng trả lời là Bộ GTVT không né tránh kiểm toán các dự án BOT giao thông, nhưng trả lời của Bộ trưởng không thật chính xác, vì tôi đang ngồi ngay cạnh Tổng Kiểm toán Nhà nước. Chúng ta chỉ mời kiểm toán 3 dự án là Hầm Đèo Cả, Trung Lương - Mỹ Thuận và Bắc Giang - Lạng Sơn. Trước đó, Bộ GTVT cũng đồng ý với Bộ Kế hoạch và Đầu tư là không kiểm toán về các dự án BOT giao thông”.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ GTVT đã chỉ đạo nhà đầu tư chủ động mời Kiểm toán Nhà nước vào cuộc ngay từ đầu. “Chúng tôi chỉ đạo, chứ không phải các nhà đầu tư đồng loạt đi thuê tư vấn vào kiểm toán” - Bộ trưởng nói - “50-60 dự án BOT là Kiểm toán Nhà nước đã vào, làm cùng với nhà đầu tư từng dự án. Đó là sự chỉ đạo của Bộ GTVT, chứ không phải ý thức của từng nhà đầu tư”.
Tại phiên chất vấn này, nhiều đại biểu Quốc hội đã phản ánh về những tồn tại của ngành GTVT, trong đó nổi bật là nhiều dự án chậm tiến độ, đội vốn, chất lượng kém. Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đặt câu hỏi: Xử lý những tồn tại đó, trách nhiệm cá nhân có được truy đến cùng hay chỉ là trách nhiệm tập thể?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, vừa qua, Thanh tra Bộ GTVT đã thanh tra các dự án mà báo chí và người dân phản ánh về chất lượng. Cùng với đó, Bộ GTVT đã phối hợp với thanh tra các bộ, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và cơ quan điều tra của Bộ Công an tiến hành xử lý. Với những dự án, công trình chậm tiến độ do yếu tố khách quan như giải phóng mặt bằng, bố trí vốn chưa kịp thời thì kiểm điểm rút kinh nghiệm. Còn dự án do trách nhiệm chủ quan của các cơ quan có liên quan, do chủ đầu tư thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, kể cả chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để xử lý nghiêm.
Về các dự án đội vốn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, nhiều công trình đội vốn rơi vào dự án đường sắt đô thị. Tại báo cáo của Bộ GTVT, hiện có 3 dự án về đường sắt đô thị do Hà Nội và TP Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư, 2 dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Cụ thể, Dự án đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên theo kế hoạch hoàn thành trong năm 2020, đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 47.325 tỉ đồng, dự kiến tăng 29.937 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu. Dự án đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương theo kế hoạch hoàn thành trong năm 2020, đã điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 47.891 tỉ đồng, dự kiến tăng 21.775 tỉ đồng .
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm hơn 222 năm thu phí của các dự án BOT |
Tại Hà Nội, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018, đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 32.910 tỉ đồng, dự kiến tăng 14.502 tỉ đồng. Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông do Bộ GTVT làm chủ đầu tư theo kế hoạch hoàn thành trong năm 2016, điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 18.001 tỉ đồng, tăng 9.232 tỉ đồng. Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi do Bộ GTVT làm chủ đầu tư (giai đoạn 1 của dự án đã được điều chỉnh tiến độ, thực hiện từ năm 2017 đến năm 2024), điều chỉnh tổng mức đầu tư lên khoảng 30.427 tỉ đồng, tăng 5.602 tỉ đồng.
Giải thích nguyên nhân khiến các dự án đội vốn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, do dự án sử dụng công nghệ mới, được phê duyệt trước năm 2008, thời điểm này diễn ra khủng hoảng nghiêm trọng, năm 2009 trượt giá gần 20%, từ năm 2009 đến năm 2013 trượt giá 49%...
“Cơ quan chức năng sẽ vào cuộc kiểm tra tất cả dự án đội vốn; cá nhân, tổ chức nào vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật” - Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết thêm - “Ở góc độ Bộ GTVT, chúng tôi điều chuyển một số giám đốc ban quản lý dự án, kiểm điểm cuối năm xếp loại một số ban quản lý chỉ được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ dù được đề nghị hoàn thành tốt”.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu tranh luận: Câu trả lời của Bộ trưởng Thể “còn tránh né”. Theo đại biểu Cầu, ngoài 5 dự án đường sắt đô thị đội vốn lớn, thì đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh đã 6 lần điều chỉnh, tăng vốn đầu tư lên hơn 3.950 tỉ đồng; Dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ (Ninh Thuận) tăng hơn 2.680 tỉ đồng; Dự án tỉnh lộ Lộ Tẻ - Rạch Sỏi tăng 147 tỉ đồng... “Rất nhiều dự án chứ không riêng dự án đường sắt đô thị mới đội vốn và các dự án này được nêu rất rõ trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước. Bộ trưởng nên kiểm tra lại”, ông Cầu nói và đề nghị phải truy trách nhiệm tới cùng cá nhân để xảy ra thất thoát, xử lý nghiêm để răn đe.
Cung cấp thêm thông tin, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, trong số 3 dự án đại biểu Cầu vừa nêu thì có 2 dự án do địa phương quản lý. Nhìn chung các dự án đường sắt đô thị vượt tổng mức đầu tư lớn, còn dự án “vượt mức đầu tư vài chục tỉ đồng, vài trăm tỉ đồng thì được nêu trong báo cáo kiểm toán”.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: “Căn cứ vào kết quả của Kiểm toán Nhà nước, các địa phương, bộ, ngành, chủ đầu tư dự án rà soát, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân do chủ quan mà vi phạm”.
Ngoài 5 dự án đường sắt đô thị đội vốn lớn, thì đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh đã 6 lần điều chỉnh, tăng vốn đầu tư lên hơn 3.950 tỉ đồng; Dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ (Ninh Thuận) tăng hơn 2.680 tỉ đồng; Dự án tỉnh lộ Lộ Tẻ - Rạch Sỏi tăng 147 tỉ đồng... |
Minh Lê