Ép cung, tỷ giá USD/VND tiếp tục hạ nhiệt?
Thị trường đang chờ đợi phản ứng của tỷ giá USD/VND, sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành loạt chính sách mới, điều chỉnh mới.
Đây là tháng trọng điểm của Ngân hàng Nhà nước trong kế hoạch xây dựng, ban hành các chính sách điều hành.
Theo lộ trình, trong tháng này Ngân hàng Nhà nước sẽ hoàn thiện dự thảo khung pháp lý về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Một điều chỉnh nữa đang được chờ đợi là việc thu hẹp trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng thương mại, cũng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Và chỉ trong ngày đầu tiên của tháng 6, Ngân hàng Nhà nước đã dồn dập ban hành loạt văn bản quan trọng, mang tính đồng bộ nhằm điều tiết thị trường.
Trước hết, việc kết hối đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã chính thức được quy định bằng Thông tư số 13/2011/TT-NHNN. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đối với các tổ chức tín dụng tiếp tục tăng thêm 1%. Lãi suất huy động vốn tối đa bằng USD của tổ chức bị rút xuống còn 0,5%/năm, của các cá nhân xuống còn 2%/năm.
Phía sau loạt quyết định trên, tỷ giá USD/VND và lãi suất trên thị trường sẽ có những diễn biến mới.
Ngày 2/6, hai điều chỉnh về tỷ lệ dự trữ bắt buộc và trần lãi suất huy động USD có hiệu lực, nhưng phản ứng của thị trường chưa rõ nét. Giá USD bán ra của các ngân hàng thương mại phổ biến ở mức 20.600 VND; cá biệt tại Ngân hàng Á châu (ACB) giá bán ra cuối ngày đã xuyên thủng “đáy” kể từ đầu năm (20.590 VND của ngày 28/4), còn 20.580 VND.
Còn ngày 3/6, thông tin cập nhật đầu giờ sáng là tỷ giá bình quân liên ngân hàng tiếp tục giảm xuống còn 20.633 VND – mức thấp nhất kể từ ngày 11/2/2011 (ngày thu hẹp biên độ từ +/-3% xuống +/-1%và tăng tỷ giá thêm 9,3%).
Trong khi đó, dù thời điểm có hiệu lực là 2/6/2011, nhưng đến hết ngày biểu lãi suất huy động USD trên website của hầu hết các ngân hàng thương mại vẫn không thay đổi (vẫn 3%/năm đối với cá nhân, 1%/năm đối với tổ chức). Sự lệch nhịp này có lẽ do độ trễ của văn bản từ Ngân hàng Nhà nước tới các thành viên.
Về những điều chỉnh nối tiếp của Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là sự phối hợp giữa kết hối và hình thức “tự xử” đối với tiền gửi USD, nguồn cung ngoại tệ thương mại trong thời gian tới dự báo sẽ tiếp tục thuận lợi. Một tham khảo là, chỉ riêng kênh kết hối, vào cuối tháng 3/2011, số dư ngoại tệ của 78 tổ chức, tập đoàn, tổng công ty gửi ở các ngân hàng là khoảng 1,6 tỷ USD.
Với tiền gửi USD của dân cư, lãi suất bị rút xuống còn 2%/năm sẽ tiếp tục thúc đẩy những tính toán chuyển đổi. Trước đó, xu hướng chuyển đổi cũng đã thể hiện khi tiền gửi ngoại tệ của dân cư đến ngày 23/5 so với tháng trước đã giảm 2,89%.
Dòng vốn chuyển đổi, thêm cung USD, tỷ giá có thể tiếp tục hạ nhiệt. Ở đây, thị trường lại chờ đợi phản ứng của Ngân hàng Nhà nước. Nếu tỷ giá giảm mạnh, bất lợi đầu tiên sẽ đến với các nhà xuất khẩu, trong khi nhập siêu đang trở nên căng thẳng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhập siêu tháng 5/2011 là 1,4 tỷ USD, bằng xấp xỉ 22,7% kim ngạch xuất khẩu và là tỷ lệ nhập siêu cao nhất trong 5 tháng đầu năm. Nhập siêu 5 tháng đầu năm 2011 ước xấp xỉ 6,6 tỷ USD, bằng xấp xỉ 19% kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mục tiêu đề ra là dưới 16%. Và ước nhập siêu 6 tháng đầu năm 2011 khoảng 7,5 tỷ USD, bằng 18% kim ngạch xuất khẩu.
Để hạn chế bất lợi đó, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục mua vào ngoại tệ để can thiệp, cũng như để tăng cường dự trữ ngoại hối. Đà giảm của tỷ giá nếu có sẽ nằm trong chủ ý và có sự điều tiết của nhà điều hành.
Mua vào ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước sẽ cung một nguồn VND tương ứng; hay từ sự chuyển đổi vốn nói trên của doanh nghiệp và dân cư. Việc còn lại là các ngân hàng thương mại làm sao để hút nguồn vốn này vào hệ thống. Và khi cung thuận lợi, lãi suất VND có thêm cơ sở để giảm, dù khó thể hiện ngay trong ngắn hạn. Mặt khác, khả năng này còn tùy thuộc vào diễn biến của lạm phát và các “van” điều tiết vốn của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới.