Giá lợn hơi tăng "chóng mặt", nông sản gặp khó tại thị trường Trung Quốc
(PetroTimes) - Nhiều vùng giá lợn hơi đã tăng sát ngưỡng 40.000 đồng/kg và dự báo còn tiếp tục tăng. Các loại nông sản xuất khẩu như sắn và sản phẩm từ sắn suy giảm mạnh trên cả hai kênh chính ngạch và biên mậu tại thị trường Trung Quốc.
Giá lợn hơi tăng mạnh trên cả nước
Theo ghi nhận, đầu tuần, toàn miền Bắc chỉ có vài tỉnh như: Phú Thọ và Hà Nam tăng nhẹ khoảng 1.000 đồng/kg, Tuyên Quang tăng 2.000 đồng/kg còn lại các địa phương khác không có thay đổi. Nhưng bắt đầu giữa tuần có xu hướng tăng mạnh mẽ khi nhiều nơi tăng từ 3.000 - 4.000 đồng/kg như: Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc. Vài nơi khác cũng tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg, điển hình là Nam Định, Hà Nội...
(Ảnh minh họa) |
Khác với xu hướng đi ngang cả tuần như trước, tuần này tại khu vực miền Trung cũng ghi nhận tăng giá bán vào cuối tuần. Thời điểm đầu tuần giá lợn hơi tại Thừa Thiên Huế và Quảng Nam giảm sút, Nghệ An lại tăng giá. Tuy nhiên, chốt tuần lại ghi nhận một loạt các địa phương như: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế tăng từ 1.000 - 4.000 đồng/kg, mức tăng tương đối rõ rệt ở hầu hết các tỉnh. Cuối tuần là thời điểm rõ ràng nhất ghi nhận sự tăng trưởng về giá lợn hơi tại đây. Cụ thể, Hà Nội, Ninh Bình, Thái Bình... tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/kg so với những ngày trước. Vĩnh Phúc, Lào Cai, Yên Bái cũng góp mặt khi giá bán được đẩy lên 35.000 - 36.000 đồng/kg. Hưng Yên, Thái Bình, Vĩnh Phúc đã sát ngưỡng 40.000 đồng/kg (thời điểm đầu tuần chỉ khoảng 30.000 đồng/kg).
Tại miền Nam ghi nhận hai xu hướng trái chiều vào đầu và cuối tuần. Cụ thể, nhiều địa phương giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg vào hồi đầu tuần như: Đồng Nai, Long An, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ... Đến giữa tuần giá lợn ít có biến động hơn, chỉ có Vĩnh Long, Đồng Tháp tăng khoảng 2.000 đồng/kg, Đồng Nai giảm 1.000 đồng/kg.
Nhiều mặt hàng nông sản bị “siết chặt” xuất khẩu
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn 5 tháng đầu năm ước đạt 1,08 triệu tấn, giá trị khoảng 414 triệu USD, giảm 17,6% về sản lượng và giảm 11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam về mặt hàng này, chiếm tới 89,2%.
(Ảnh minh họa) |
Nguyên nhân khiến xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn giảm là xuất khẩu tinh bột sắn suy giảm mạnh trên cả hai kênh chính ngạch và biên mậu. Nguồn cung và chất lượng sắn củ tươi giảm mạnh nên hầu hết nhà máy chế biến tinh bột sắn ngưng sản xuất, khiến nguồn cung khan hiếm. Bên cạnh đó, giá xuất khẩu đang giảm mạnh nên doanh nghiệp cũng có xu hướng gom hàng, ngưng xuất khẩu.
Cùng với sắn, các mặt hàng dưa hấu, chuối, vải cũng đang siết chặt. Theo đó, từ 1/5/2019, Hải quan Trung Quốc thực hiện thêm một số quy định mới với một số loại trái cây nhập khẩu từ Việt Nam. Với dưa hấu, hải quan nước này không cho phép dưa hấu lót rơm thông quan mà yêu cầu dùng xốp lưới hoặc chất liệu không có sinh vật gây hại để bọc trái. Còn mít, phía Trung Quốc yêu cầu dùng giấy dai kraft để bọc hoặc dùng bao bì là thùng giấy có in thông tin truy xuất nguồn gốc. Đối với chuối doanh nghiệp phải dùng thùng giấy hoặc túi nhựa để bọc (đều phải in mã và thông tin truy xuất nguồn gốc), vải thiều phải đóng gói trong thùng xốp có in tem chìm.
Sở dĩ, Trung Quốc ngày càng siết chặt nhiều mặt hàng của Việt Nam là vì hàng xuất khẩu sang quốc gia này tồn tại nhiều vấn đề bất cập như làm giả giấy chứng nhận, tờ khai, đơn hàng. Song song đó, các sản phẩm của Việt Nam vi phạm tiêu chuẩn chất lượng nông sản.
Trong năm 2018, Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc) nhập khẩu 1,53 triệu tấn trái cây Việt Nam, trong đó phát hiện 140 lô (chủ yếu là nhãn, chuối, chôm chôm) có sinh vật gây hại, không đạt tiêu chuẩn. Cũng trong năm vừa qua, Nam Ninh nhập khẩu 1,19 triệu tấn tinh bột sắn Việt Nam, phát hiện 3 lô không đạt tiêu chuẩn do có hàm lượng chì vượt mức cho phép.
Ngoài ra, phía Trung Quốc còn phát hiện hàng nước thứ ba mượn xuất xứ Việt Nam để vào Trung Quốc. Điển hình là ớt nhập khẩu Việt Nam nghi là ớt Ấn Độ (do có kích thước, đặc điểm khác với ớt Việt Nam), trong khi Ấn Độ chưa được phê chuẩn xuất khẩu ớt vào Trung Quốc.
M.L (t/h)
Giá lợn hơi tiếp tục chịu chi phối bởi diễn biến dịch tả lợn châu Phi |
Sau cơn "bão giá", lợn ăn cả...nhà, ăn cả "sổ đỏ" |
Giá thịt lợn tăng cao, diễn biến phức tạp |