“Từ chối vị trí “béo bở”, ông Đoàn Ngọc Hải là người có liêm sỉ!”
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đánh giá ông Đoàn Ngọc Hải là người có liêm sỉ vì dám từ chối chức danh Phó Tổng Giám đốc Công ty xây dựng Sài Gòn; bởi với nhiều người đây là vị trí “béo bở” có thể “kiếm chác” được.
- Ông nhìn nhận thế nào về việc ông Đoàn Ngọc Hải xin từ chức ngay sau khi được phân công nhiệm vụ mới tương đương với Phó Giám đốc một Sở?
- Xét theo đơn của ông Hải và cũng như nhiều ý kiến dư luận nói thì việc bố trí công việc cho ông Hải là không phù hợp. Theo quy định của Đảng, quan điểm của Đảng là bố trí công việc phải phù hợp với năng lực, sở trường, chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ của họ. Bây giờ, một người được đào tạo bài bản trong lĩnh vực quản lý nhà nước, chính trị mà lại đưa sang làm Phó Tổng Giám đốc một công ty. Đối với nhiều người, vị trí Phó Tổng Giám đốc đó là một vị trí “béo bở”, “kiếm chác” được. Có nhiều người phải “chạy” vào chức đó.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đánh giá ông Đoàn Ngọc Hải là người có liêm sỉ |
Quan điểm của ông Hải phù hợp với quan điểm, chủ trương công tác cán bộ của Đảng, rất phù hợp với các Nghị quyết của Đảng. Bản thân ông Hải rất dũng cảm bảo vệ chủ trương này, là điều rất đáng khen, không thể coi đó là chống quyết định phân công của tổ chức. Nên tôi cho rằng, ông ấy là con người có liêm sỉ, xét ở khía cạnh nào đó thì đây là sự liêm chính của cán bộ.
Tôi rất chia sẻ với ý kiến của Chủ tịch TPHCM Nguyễn Thành Phong rằng chức vụ này tương đương với Phó Giám đốc Sở. Nhưng đây không phải là quyền chức, mà người ta nghĩ rằng bố trí cán bộ làm sao để phát huy năng lực sở trường. Thứ hai, bản thân ông Hải đang làm một việc rất tốt, theo đúng ý của đồng chí Bí thư Thành ủy.
Chủ trương của TP. Hồ Chí Minh là muốn đô thị đó là đô thị văn minh, vậy thì phải có những con người hy sinh, cống hiến. Vậy thì tại sao lại như vậy? Nếu đúng như đơn ông Hải viết rằng ông ấy động chạm đến các nhóm lợi ích khác mà phải chuyển thì công tác cán bộ của chúng ta có vấn đề, có một sự lệch chuẩn. Nó ảnh hưởng không chỉ đến một cá nhân mà ảnh hưởng đến cả công tác cán bộ của chúng ta.
- Có ý kiến cho rằng việc dẹp vỉa hè như ông Hải đã làm không phù hợp với lòng dân, đại biểu nghĩ thế nào?
- Nếu người nào nhận định việc ông Hải làm không phù hợp với lòng dân là sai. Lòng dân là ai? Lòng dân phải là số đông nhân dân cả nước, số đông người dân TP Hồ Chí Minh hay là những người bị dẹp? Tôi rất nhớ có nhiều ý kiến cho rằng, đừng đưa vấn đề kiếm miếng cơm manh áo ra làm vật trao đổi.
Đó là vi phạm pháp luật, không thể nói rằng việc dẹp nó là không hợp lòng dân. Nói không hợp lòng dân là đánh tráo khái niệm để có dụng ý xấu đối với việc làm giải phóng vỉa hè lòng đường, đảm bảo cho thành phố, đô thị văn minh.
- Có ý kiến cho rằng việc dẹp vỉa hè phải làm từ từ chứ không thể làm quyết liệt mạnh ngay một lúc như vậy. Theo ông, nếu làm từ từ thì liệu có kết quả không, nhìn từ thực tế?
- Ông Hải cũng từng nói là có người bảo ông ấy phải làm có lộ trình, và ông ấy hỏi lại rằng như thế nào là lộ trình, như thế nào là dần dần, như thế nào là đột phá? Chúng ta hình dung như thế này: Anh đang chiếm vỉa hè, tôi không cho anh chiếm nữa thì sao phải làm theo tiến độ? Bao nhiêu năm nay, anh đã lợi dụng để chiếm dụng vỉa hè, thu nhập trên vi phạm pháp luật, không biết anh đóng góp cho xã hội như thế nào nhưng anh xâm phạm quyền lợi của rất nhiều người, của người dân, của người đi đường, của người tham gia giao thông. Thậm chí, đó là một trong những nguyên nhân gây ra ách tắc, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông. Thế thì có làm không?
Chúng ta không nên đặt vấn đề có lộ trình hay không có lộ trình. Làm được đến đâu là phải làm, đó là nguyên tắc. Vi phạm pháp luật là phải bị xử lý, chứ xử lý vi phạm pháp luật mà lại phải có lộ trình thì chắc là đất nước này sẽ bị hư hỏng hết.
- Cũng có đánh giá ông Hải có một lối sống vương giả chứ không phải là chuẩn mực gì cho nên việc anh đi dẹp vỉa hè của người nghèo là không phù hợp?
- Câu chuyện người ta giàu có thì người ta không vi phạm pháp luật là được. Còn nói rằng anh có lối sống vương giả thì anh không được dẹp vỉa hè của người nghèo khó đấy là ý nghĩ sai.
Chẳng lẽ cứ nghèo khó thì có quyền vi phạm pháp luật à? Người có lối sống giàu có, có đời sống thu nhập tốt hơn thì không được đi dẹp người vi phạm pháp luật là người nghèo à?
Tôi muốn nhấn mạnh, ông Hải đang làm công việc mà Đảng và Nhà nước giao cho, chứ ông ấy không nhân danh người giàu đi dẹp người nghèo. Ông ấy không phải là người đi tranh giành cướp miếng ăn của người nghèo. Ông ấy không đi cổ xúy cho vi phạm pháp luật. Tất cả những điều ông Hải làm là điều cần thiết đối với một xã hội văn minh. Chúng ta không chấp nhận sự vi phạm pháp luật.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Dân trí