Tin tức kinh tế ngày 5/6: Miền Nam nguy cơ thiếu 12 tỷ kWh điện vào năm 2023
(PetroTimes) - Miền Nam nguy cơ thiếu 12 tỷ kWh điện vào năm 2023; Năm dự án đường sắt đô thị "đội vốn" hơn 81.000 tỷ đồng; Xuất khẩu cao su mang về 673 triệu USD; Rau quả nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến; Vốn nước ngoài đổ vào TP HCM tăng gần 50%... là những tin tức đáng chú ý trong ngày 5/6.
Giá dầu thế giới 5/6: Đồng loạt tăng nhẹ |
Giá vàng hôm nay 5/6: USD rớt đáy 3 tuần, giá vàng tiếp tục chèo đỉnh |
Hôm nay (5/6): Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn Quốc hội |
Miền Nam nguy cơ thiếu 12 tỷ kWh điện vào năm 2023
Miền Nam nguy cơ thiếu 12 tỷ kWh điện vào năm 2023. (Ảnh minh họa) |
Theo Bộ Công Thương, để đáp ứng đủ điện, năm 2019 phải huy động thêm nguồn điện chạy dầu với sản lượng tương ứng khoảng 1,7 tỷ kWh và lên đến 5,2 tỷ kWh vào năm 2020. Việc thiếu điện sẽ diễn ra gay gắt vào giai đoạn từ năm 2021-2025, đặc biệt là tại miền Nam. Mức thiếu hụt được dự báo tăng từ 3,7 tỷ kWh (năm 2021) lên gần 10 tỷ kWh (năm 2022) và đạt khoảng 12 tỷ kWh vào năm 2023.
Việc cung cấp điện cho nền kinh tế giai đoạn sau năm 2020 sẽ hết sức khó khăn, nhất là khu vực miền Nam do nhiều dự án đang gặp vướng mắc hoặc chậm tiến độ. Đây cũng là vấn đề được Bộ Công Thương nêu ra tại báo cáo tình hình thực hiện các dự án điện trong quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Ngoài ra, một số vấn đề lớn khác ảnh hưởng trực tiếp đến việc cung ứng điện như: nhiên liệu, lưới điện truyền tải… cũng đang gặp nhiều vướng mắc, cần được tháo gỡ. Để đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế- xã hội, Bộ Công Thương đã kiến nghị các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện, lưới điện, nhiên liệu; kêu gọi người dân, doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả để giảm thiểu việc thiếu điện trầm trọng.
Năm dự án đường sắt đô thị "đội vốn" hơn 81.000 tỷ đồng
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong giai đoạn chạy thử. (Ảnh: VNE) |
Báo cáo gửi Quốc hội về các nhóm vấn đề chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Bộ trưởng Giao thông & Vận tải Nguyễn Văn Thể đã nêu chi tiết thực trạng đầu tư, xây dựng cơ bản các dự án giao thông, điển hình là các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP HCM. Theo đó, 5 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM đều chậm tiến độ, đội vốn hàng chục nghìn tỷ đồng.
Số liệu cập nhật tới cuối tháng 3, lượng vốn tăng thêm của các dự án này gần 81.050 tỷ đồng (hơn 3,45 tỷ USD). Con số này giảm trên 3.760 tỷ đồng so với dữ liệu được Bộ Kế hoạch & Đầu tư nêu tại một báo cáo về quản lý, sử dụng vốn ODA hồi tháng 8/2018.
Hai dự án đường sắt đô thị TP HCM tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương có số vốn đội nhiều nhất, hơn 51.710 tỷ đồng. Trong khi đó, 3 dự án đường sắt đô thị của Hà Nội, gồm Nhổn - Ga Hà Nội; Cát Linh - Hà Đông và Yên Viên - Ngọc Hồi có số tiền đầu tư tăng thêm so với phê duyệt ban đầu, lần lượt là 14.052 tỷ, 9.232 tỷ và 5.602 tỷ đồng.
Bộ trưởng Giao thông & Vận tải cũng cho biết, cơ chế thực hiện các dự án, nhất là dự án ODA còn bất cập. Kế hoạch vốn ODA hàng năm không được bố trí đủ làm chậm trễ thanh toán cho các nhà thầu. Tình trạng thiếu vốn đối ứng kéo dài dẫn đến tiến độ thi công bị ảnh hưởng. Mặt khác, công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu gặp nhiều vướng mắc, khó khăn do các ràng buộc phức tạp quy chế đấu thầu của các nhà tài trợ.
Xuất khẩu cao su mang về 673 triệu USD
Xuất khẩu cao su mang về 673 triệu USD trong 5 tháng đầu năm 2019. (Ảnh: Báo Công Thương) |
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, tính từ đầu năm đến hết tháng 5/2019, xuất khẩu cao su ước đạt 495 nghìn tấn, trị giá 673 triệu USD, tăng 11,9% về lượng và tăng 4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Hiện nay, 60% tổng lượng cao su được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Riêng tháng 5/2019 xuất khẩu cao su đạt 80 nghìn tấn, trị giá 116 triệu USD, tăng 6% về lượng và tăng 7% về trị giá so với tháng 4/2019; so với cùng kỳ năm 2018 giảm 26,5% về lượng và giảm 26,2% về trị giá. Giá xuất khẩu cao su bình quân tháng 5/2019 tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 1.450 USD/tấn. Tính từ đầu năm đến hết tháng 5/2019, xuất khẩu cao su ước đạt 495 nghìn tấn, trị giá 673 triệu USD, tăng 11,9% về lượng và tăng 4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Hiện nay, 60% tổng lượng cao su của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Trong khi khoảng 70% cao su tự nhiên được dùng trong ngành công nghiệp sản xuất lốp xe.
Mặc dù xuất khẩu cao su từ đầu năm 2019 đến nay tăng trưởng khả quan, nhưng để tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương khuyến cáo, các doanh nghiệp cần đa dạng hoá mặt hàng cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu, trong đó đặc biệt lưu ý tới thị trường Ấn Độ, nơi có ngành sản xuất lốp xe đang phát triển rất nhanh.
Rau quả nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến
Giá trị nhập khẩu rau quả tháng 5 của Việt Nam đạt 228 triệu USD. (Ảnh minh họa) |
Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, giá trị nhập khẩu rau quả tháng 5 của Việt Nam đạt 228 triệu USD, đưa tổng giá trị mặt hàng này sau 5 tháng đầu năm lên 878 triệu USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, mặt hàng rau ước đạt 198 triệu USD, tăng 46,8% so với cùng kỳ 2018 và mặt hàng quả đạt 655 triệu USD, tăng 48,7% so với cùng kỳ năm 2018. Thái Lan vẫn dẫn đầu thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam khi chiếm 45,11% thị phần, tiếp đến là Trung Quốc, Mỹ, Australia.
Ở chiều ngược lại, giá trị xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1,83 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trung Quốc vẫn dẫn đầu về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2019 với 74,26% thị phần. Tiếp đến là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Đánh giá về diễn biến rau quả trong nước, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, giá rau quả đa phần tăng. Trong đó, thanh long Bình Thuận đang được thu mua ở mức cao kỷ lục, từ 23.000 đến 24.000 đồng một kg, tăng 4-5 lần so với cùng kỳ năm 2018. Với vải thiều huyện Lục Ngạn giá bán tại vườn cũng tăng cao gấp ba lần so với mùa vải trước.
Vốn nước ngoài đổ vào TP HCM tăng gần 50%
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2019 của TP HCM cho biết, vốn nước ngoài đổ vào thành phố là 2,77 tỷ USD, tăng 49% so với cùng kỳ. Con số này tính cả hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước.
Trong đó, các dự án FDI được cấp mới có tổng vốn đầu tư là 472,16 triệu USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ 2018. Bất động sản tiếp tục dẫn đầu về thu hút dòng vốn, chiếm đến 46,7%. Tiếp đến là hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ (23,4%); bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, xe máy (16,8%). Trong khi đó, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 5,3%.
Ở kênh thu hút vốn này thì bất động sản cũng là ngành hấp dẫn nhất, chiếm 23,7%. Tiếp theo là bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (18,7%). Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ chiếm 18,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 14,7%.
Lâm Anh (t/h)