Tin tức kinh tế ngày 4/6: Dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại khoảng 3.600 tỷ đồng
(PetroTimes) - Giá vàng SJC liên tục biến động mạnh; Dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại khoảng 3.600 tỷ đồng; Xuất khẩu thủy sản đạt 3,2 tỷ USD; Xuất khẩu lâm nghiệp tăng đột biến; Kiên Giang thu hút hơn 2,75 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài... là những tin tức đáng chú ý trong ngày 4/6.
Giá dầu thế giới 4/6: Dầu Brent về mức 60 USD/thùng |
Hôm nay (4/6): Bộ trưởng bắt đầu "đăng đàn" trả lời chất vấn Quốc hội |
Giá vàng hôm nay 4/6: Đồng USD mất giá mạnh, giá vàng lại phi mã |
Giá vàng SJC liên tục biến động mạnh
Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết vào khoảng 37,3 triệu đồng/lượng |
Mở cửa giao dịch ngày 4/6, giá vàng SJC được các doanh nghiệp niêm yết 36,9 triệu đồng/lượng mua vào, 37,1 triệu đồng/lượng bán ra, tăng mạnh hơn 300.000 đồng mỗi lượng so với cuối ngày trước. Sau đó, giá vàng liên tục được điều chỉnh rồi quay đầu hạ nhiệt xuống dưới mức 37 triệu đồng/lượng.
Đến 11h30, giá vàng SJC được giao dịch quanh mức 36,77 triệu đồng/lượng mua vào, 36,97 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 130.000 đồng/lượng so với giá "đỉnh" trong buổi sáng, nhưng tính ra vẫn tăng tới 200.000 đồng/lượng so với ngày hôm qua.
Giá vàng trong nước biến động mạnh theo đà nhảy vọt của giá thế giới. Kim loại quý trên sàn quốc tế hiện đang ở mức 1.322 USD/ounce, tăng hơn 10 USD mỗi ounce so với phiên trước. Trong phiên, có thời điểm giá vàng chạm mốc 1.332 USD/ounce và hướng đến mức giá cao nhất trong năm nay là 1.350 USD/ounce.
Chỉ số USD giảm mạnh 0,63% xuống mức 97,05 điểm cũng giúp giá vàng tăng mạnh. Nhà đầu tư tìm đến vàng và các kim loại quý khác như tài sản trú ẩn an toàn. Quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, SPDR Gold Trust đã tăng mức nắm giữ vàng lên 743,2 tấn, tăng 0,3% so với những phiên trước.
Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá niêm yết vào khoảng 37,3 triệu đồng/lượng.
Dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại khoảng 3.600 tỷ đồng
Dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra tại 52 tỉnh thành, buộc tiêu huỷ hơn 2,2 triệu con lợn |
Số liệu cập nhật mới nhất của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, tính đến ngày 3/6, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra tại 52 tỉnh, thành phố, ở 3.536 xã ở 342 huyện. Tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là hơn 2,2 triệu con với trọng lượng gần 130 nghìn tấn. Thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi gây ra ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng, bao gồm chi phí hỗ trợ lợn tiêu hủy, chi phí mua hóa chất sát trùng, chi phí hỗ trợ tiêu hủy...
Theo thông tin từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), trong tháng 5/2019, giá lợn hơi trong nước giảm mạnh do dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh mặc dù đã công bố hết dịch nhưng lại bị tái bùng phát. Đặc biệt, do tâm lý lo sợ dịch bệnh, nhiều hộ chăn nuôi bán lợn chạy dịch số lượng lớn khiến nguồn cung lợn hơi tăng đột biến, kéo theo giá lợn hơi giảm mạnh.
Cụ thể, tại miền Bắc, do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đầu tiên nên giá thịt lợn hơi xuất chuồng đang ở mức thấp nhất cả nước, dao động khoảng 28.000-32.000 đồng/kg, giảm 6.000-7.000 đồng/kg. Ở các tỉnh miền Nam, dù có mức giá bán cao hơn các tỉnh miền Bắc và miền Trung, nhưng người chăn nuôi lợn lại đang phải hứng chịu đợt giảm giá mạnh nhất, còn khoảng 35.000-40.000 đồng/kg, giảm 9.000-15.000 đồng/kg so với tháng trước.
Xuất khẩu thủy sản đạt 3,2 tỷ USD
Trong 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam giảm 1,7% trong khi nhập khẩu tăng tới 5,3% |
Bộ NN&PTNT cho biết, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 5/2019 ước đạt 728 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2019 đạt mức 3,2 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam chiếm 53,7% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong những tháng đầu năm 2019, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Mexico tăng 31,7%, Malaysia tăng 22,7%, Philippines tăng 17,9% và Canada tăng 10%.
Về giá trị nhập khẩu, Bộ NN&PTNT ước tính, giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản tháng 5/2019 đạt 173 triệu USD, đưa tổng giá trị thủy sản nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2019 đạt 735 triệu USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất là Na Uy, chiếm 11,9% thị phần, tiếp đến là Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản với thị phần lần lượt là 11,5%, 8,7% và 7,6% (số liệu đến hết tháng 4); giá trị nhập khẩu thủy sản tăng mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2018 là thị trường Philippines tăng 76,8% và thị trường có giá trị nhập khẩu thủy sản giảm mạnh nhất là Ấn Độ, tới 44,7%, so với cùng kỳ năm 2018.
Xuất khẩu lâm nghiệp tăng đột biến
Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu lâm sản tháng 5 của Việt Nam ước đạt 959 triệu USD, qua đó đưa kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm đạt 4,26 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ đạt hơn 4 tỷ USD, chiếm trên 94%. Thị trường xuất khẩu lâm sản hiện nay chủ yếu vẫn là Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc, chiếm khoảng 87% tổng kim ngạch.
Cũng trong tháng 5, ước tính khai thác rừng trồng tập trung toàn quốc đạt khoảng 23.600 ha, tương ứng sản lượng 1,63 triệu m3. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2019, khai thác khoảng 108.000 ha, ước đạt 7,86 triệu m3, tương đương 40,3% kế hoạch năm 2019, tăng 5,2% so với cùng kỳ 2018.
Bước sang tháng 6, ngành lâm nghiệp sẽ có nhiều chuyển biến khi Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản có hiệu lực. Bên cạnh đó, từ 10/6, Nghị định 35 của Chính phủ Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp cũng có hiệu lực.
Kiên Giang thu hút hơn 2,75 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang, tính đến thời điểm này, Kiên Giang có 49 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực được cấp giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 2,75 tỷ USD.
Các nhà đầu tư tại Kiên Giang đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như Mỹ, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Pháp, Nga, Trung Quốc, Australia, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan…
Vốn của các dự án thực hiện lũy kế đến thời điểm này hơn 556 triệu USD, chiếm 20% tổng vốn đăng ký, đầu tư các lĩnh vực, gồm du lịch, nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, vận chuyển dầu khí, thương mại dịch vụ, giao thông…
Hiện Kiên Giang đã ban hành danh mục kêu gọi đầu tư bổ sung trên địa bàn tỉnh năm 2019, giai đoạn 2018-2020 nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài có nhiều sự lựa chọn. Có 117 dự án được mời gọi đầu tư trên các lĩnh vực du lịch, thương mại, môi trường, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nước nông thôn và đô thị, công nghiệp, đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu và cụm công nghiệp, nhà ở và phát triển đô thị, giao thông vận tải, giáo dục và đào tạo, văn hóa - thể thao…
Lâm Anh (t/h)