Arập Xêút đang mưu tính gì?
(PetroTimes) - Cái bóng của Iran sẽ lơ lửng tại 3 hội nghị thượng đỉnh dự kiến sắp diễn ra tại Mecca, Arập Xêút, đúng vào thời điểm Mỹ đang duy trì áp lực tối đa với Iran và trong bầu không khí căng thẳng ở vùng Vịnh.
Arập Xêút, đồng minh với Mỹ, dự định cô lập hơn nữa đối thủ Iran và 3 cuộc họp (Các quốc vương vùng Vịnh, nguyên thủ các quốc gia Arập và lãnh đạo các nước Hồi giáo) sẽ phục vụ mục đích đó. Cụ thể, Arập Xêút muốn có được sự ủng hộ rộng rãi nhất có thể.
Một tàu chở dầu của Arập Xêút bị phá hoại ngoài khơi UAE |
Căng thẳng khu vực Trung Đông đã trở nên trầm trọng hơn kể từ khi chính quyền Donald Trump siết chặt các lệnh trừng phạt đối với Tehran sau khi rời khỏi thỏa thuận hạt nhân ký với Iran và quốc tế vào năm 2015.
Những căng thẳng vẫn đang leo thang với cuộc tấn công vào ngày 12-5-2019 nhằm vào 4 tàu thương mại, trong đó có 2 tàu chở dầu của Arập Xêút ngoài khơi Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và sự gia tăng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của phiến quân Houthis ở Yemen, được Tehran hậu thuẫn, nhằm vào các mục tiêu của Arập Xêút, bao gồm 2 trạm bơm của một đường ống dẫn dầu quan trọng tại nước này.
Đầu tháng 5-2019, Washington tuyên bố triển khai một tàu sân bay và máy bay ném bom B52 ở vùng Vịnh trước khi quyết định gửi thêm 1.500 binh sĩ tới Trung Đông. Các tướng lĩnh Iran đe dọa sẽ đóng cửa eo biển Hormuz, nơi có đến 35% lượng dầu vận chuyển bằng đường biển đi qua.
Trong khi Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đã được lên kế hoạch từ lâu, Riyadh đã triệu tập thêm hai cuộc họp, đó là Hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và Hội nghị thượng đỉnh của Liên đoàn Arập.
Số lượng các quốc gia tham gia vẫn chưa được biết, nhưng Qatar, mặc dù đang bị Riyadh tẩy chay, xác nhận đã nhận được lời mời.
Dưới sự chủ trì của vua Salman, Hội nghị thượng đỉnh OIC lần thứ 14 sẽ tập trung một quan điểm thống nhất về các vấn đề hiện tại, trong đó có vấn đề cuộc chiến chống khủng bố, vấn đề Palestine và Hồi giáo ở phương Tây.
Iran là một phần của OIC (57 thành viên), nhưng do Riyadh và Tehran không có quan hệ ngoại giao nên ít có khả năng Iran được mời tham gia dự.
Riyadh đang tìm cách thiết lập quyền lực của mình đối với thế giới Hồi giáo Arập, cáo buộc Iran gây bất ổn cho Bahrain, Iraq, Syria, Lebanon và Yemen thông qua việc cung cấp vũ khí cho nhiều nhóm khác nhau, bao gồm cả nhóm Houthis, nhưng Tehran phủ nhận tất cả các cáo buộc này.
“Sự phối hợp và thống nhất giữa các nước rất quan trọng. Riyadh với sức ảnh hưởng lớn tại khu vực và quốc tế có khả năng thành công” - Anwar Gargash, Ngoại trưởng UAE nói. Nhưng có được một mặt trận thống nhất sẽ không dễ dàng. Trong khi UAE và Bahrain liên kết với Riyadh, các đối tác GCC khác như Qatar, Oman, Kuwait có mối quan hệ gần như bình thường với Iran. Doha đã sáp lại gần hơn tới Iran kể từ Arập Xêút, UAE, Bahrain và Ai Cập cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar vào giữa năm 2017 với cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố.
Theo truyền thống, Oman có quan hệ tốt với Iran. Hai nước cùng kiểm soát eo biển Hormuz. Kuwait lo ngại việc đóng cửa lối đi này, nơi tất cả các hoạt động xuất khẩu dầu của nước này đều đi qua nên ít có khả năng Koweit “trở mặt” với Tehran.
Iran ủng hộ các phong trào chính trị mạnh mẽ ở Lebanon, Syria và Iraq, điều này ngăn cản các quốc gia này đối đầu trực diện với Tehran như Riyadh mong muốn.
Nói chung, “nhiều quốc gia có thể không thích Iran nhưng có lẽ sẽ muốn tránh một cuộc xung đột”, chuyên gia Simon Henderson thuộc Viện Chính sách Cận Đông của Mỹ nhận xét.
Các cuộc tấn công vào các tàu thương mại tại lối vào vùng Vịnh và các trạm bơm dầu ở Arập Xêút đã làm dấy lên mối lo ngại về an ninh của nguồn cung cấp dầu.
Lực lượng Houthis ở Yemen đã thừa nhận trách nhiệm trong cuộc tấn công thứ hai, trong khi UAE nói rằng họ muốn điều tra nghiêm túc về việc phá hoại các tàu thương mại, không chỉ đích danh Iran. Nhưng các quan chức Mỹ đã không ngần ngại nói thẳng như tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo gần đây. Washington đã tuyên bố dỡ bỏ các lệnh cấm bán vũ khí mới cho Arập Xêút và UEA, với lý do mối đe dọa của Iran ngày càng dai dẳng.
Theo Nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG), việc nối lại các hoạt động hạt nhân của Iran và việc làm gián đoạn các hoạt động xuất khẩu dầu mỏ trong vùng Vịnh là cách để cải thiện “sức mạnh mặc cả” của Tehran. “Nhưng nếu đây là một đòn ngoại giao, thì thật nguy hiểm vì một bên có thể hiểu sai ý định của bên kia”, ICG cảnh báo.
Đầu tháng 5-2019, Washington tuyên bố triển khai một tàu sân bay và máy bay ném bom B52 ở vùng Vịnh trước khi quyết định gửi thêm 1.500 binh sĩ tới Trung Đông. Các tướng lĩnh Iran đe dọa sẽ đóng cửa eo biển Hormuz, nơi có đến 35% lượng dầu vận chuyển bằng đường biển đi qua. |
S.Phương