Vì sao Trung Quốc sẽ không “nổ phát súng” đất hiếm trong thương chiến với Mỹ?
Giới quan sát nhận định Trung Quốc có thể có lý do để không biến đất hiếm thành “vũ khí” trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Một nhà máy sản xuất đất hiếm ở Nội Mông, Trung Quốc (Ảnh: Reuters) |
Tuần qua, truyền thông Trung Quốc đã đăng tải hàng loạt bài viết, dẫn ý kiến của các chuyên gia trong nước về việc Bắc Kinh có thể dùng đất hiếm để trả đũa các đòn đánh của Mỹ trong cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Do Mỹ đang phụ thuộc rất nhiều vào mặt hàng đất hiếm từ Trung Quốc, nên động thái này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền công nghệ, quốc phòng, công nghiệp sản xuất của Mỹ. Đất hiếm là nguyên liệu không thể thiếu để sản xuất pin, điện thoại thông minh, xe điện, tên lửa hành trình…
Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng Trung Quốc có nhiều hơn 1 lý do để không sử dụng lá bài này với Mỹ.
Trung Quốc từng tạm thời ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản năm 2010 khi 2 nước vướng vào căng thẳng hàng hải với việc Tokyo bắt giam một thuyền trưởng của Bắc Kinh.
Mặc dù Nhật Bản đã thả người Trung Quốc ngay sau đó, tuy nhiên Tokyo đã bắt đầu tìm kiếm nguồn đất hiếm khác để cắt đứt tối đa sự phụ thuộc vào Trung Quốc với mặt hàng này.
Sau 5-7 năm, Nhật Bản bắt đầu tìm nguồn cung ứng từ các mỏ nằm ngoài lãnh thổ Trung Quốc và bắt đầu chuyển dịch dần dần sang nhập nguyên liệu này từ đây.
Bắc Kinh thừa hiểu rằng việc cắt giảm cung ứng nguyên liệu này tới quốc gia khác cuối cùng sẽ gây bất lợi cho chính nền công nghiệp của họ.
“Trung Quốc nhận ra rằng các quốc gia khác sẽ làm như Nhật Bản nếu họ “vũ khí hóa” và cấm đất hiếm”, ông Ryan Castilloux, giám đốc điều hành công ty tư vấn về đất hiếm Adamas Intelligence (Canada), cho biết.
Kokichiro Mio, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại viện nghiên cứu NLI (Nhật Bản) nói với AFP rằng việc Trung Quốc ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ sẽ “thúc đẩy Washington tìm kiếm nguồn cung thay thế”.
Mỏ đất hiếm ở Nội Mông (Ảnh: Reuters) |
Theo ông ông Castilloux, Trung Quốc có thể sẽ sử dụng đất hiếm để buộc Mỹ tạm quay lại thương lượng do vai trò quan trọng của nguyên liệu này trong công nghiệp sản xuất của Mỹ. Tuy nhiên, điều này sẽ cho thấy Trung Quốc đã bế tắc và có thể khiến họ "lộ bài" rằng họ đã sử dụng "lá bài" cuối cùng.
“Điều này dường như cho thấy Trung Quốc đã bị trói chặt tay trong cuộc chiến và họ phải sử dụng tới “nút bấm hạt nhân” là đất hiếm (để đưa Mỹ về lại bàn đàm phán)”, chuyên gia trên cho hay.
“Trung Quốc có thể sẽ gây một số gián đoạn trong việc cung cấp nguyên liệu trên để cho Mỹ thấy rằng họ nghiêm túc trong lời cảnh báo. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không làm một cách quá mạnh tay trong khi mâu thuẫn giữa 2 nước đang leo thang”, ông Brian Menell, giám đốc công ty đầu tư kim loại TechMet (Malta) nói.
Tuy vậy, do Trung Quốc đã cảnh báo sẽ dùng "lá bài" này, Mỹ đã bắt đầu lên kế hoạch tìm kiếm nguồn cung cấp khác để độc lập hơn với Trung Quốc về đất hiếm. Về lâu dài, khi Mỹ đã tìm được nguồn cung khác, đất hiếm có thể sẽ không còn là lợi thế của Trung Quốc trước Washington trong tương lai.
Ông Castilloux cho rằng bằng việc đe dọa Mỹ, Trung Quốc cũng đã vô tình cảnh tỉnh tới các quốc gia khác xem xét một cách nghiêm túc về vai trò của Bắc Kinh trong chuỗi cung ứng của họ.
Theo Dân trí