Thuyền muốn lặng...
(PetroTimes) - Người Việt nói “Nếu hôn nhân qua nổi 10 năm thì sẽ cặp đôi sẽ ở với nhau suốt đời”. Người Czech nói “Hôn nhân hạnh phúc chẳng bao giờ kéo dài qua 7 năm”. Vậy hạnh phúc là gì mà sao nó đỏng đảnh thế, có nó khó thế và có được rồi thì giữ cũng khó biết bao?
Chị Nguyễn Thị Hoa theo gia đình sang định cư tại Cộng hòa Czech từ hồi thiếu niên. Chị học trường Czech, nói tiếng Czech như tiếng mẹ đẻ. Chỉ có điều khi học hết bậc phổ thông, chị khó thi vào trường đại học ở Czech nên chấp nhận đi bán hàng vải ngoài chợ cùng mẹ. Thời còn con gái, có vài chàng trai người Czech để ý đến chị, nhưng chị xác định sẽ lấy chồng Việt. Chị nghĩ đơn giản, dù sao cùng ngôn ngữ, đồng văn hóa, cũng sẽ dễ sống với nhau hơn.
Ngoài hai mươi tuổi, chị có cảm tình và đồng ý lấy anh Nguyễn Ngọc Hùng, một người đàn ông mới từ Việt Nam sang Czech làm ăn sau khi anh đổ vỡ hôn nhân ở Việt Nam. Anh hơn chị tới mười lăm tuổi, lại từng có một đời vợ, có một con gái, người đời tất nhiên nghĩ anh sẽ phải cưng nựng, yêu chiều chị Hoa lắm. Chị Hoa cũng nghĩ như vậy.
Năm năm đầu hôn nhân trôi qua trong êm đềm, hạnh phúc và suôn sẻ. Chị sinh một con trai. Anh làm ăn khá tại một nhà hàng ăn nhanh Việt mở tại siêu thị Czech. Làm ăn thành công, anh cùng đối tác cũng là người Việt mở thêm một chuỗi nhà hàng ăn nhanh tại các siêu thị, rất đông khách và có uy tín. Anh kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng cùng lúc đó, anh quan hệ rộng hơn, đi ra ngoài nhiều hơn, và bắt đầu rơi vào tình trạng thiếu kiểm soát tài chính, thiếu kiểm soát chuyện gia đình, tình cảm.
Chị Hoa (bên trái) trong tiệm làm móng tay tại Czech |
Vợ chồng chị Hoa bắt đầu nảy sinh cãi vã do anh ít đưa tiền về nhà hơn, anh cũng ít khi ăn cơm với vợ ở nhà cho đúng bữa. Lý do của anh là tiền đang cần đầu tư mở rộng chuỗi nhà hàng, anh ít về nhà do phải đi giao dịch với nhiều đối tác, xử lý công việc làm ăn của công ty... Toàn những lý do nghe qua rất hợp lý và chị Hoa không thể phản bác. Thêm vào đó, anh bắt đầu kêu ca chị về vấn đề chị kém ngoại giao, sau giờ làm chỉ ru rú ở nhà, hiểu biết kém, tri thức hạn hẹp...
Chị Hoa nghĩ mình nên sinh thêm con để níu kéo anh ở nhà. Chị sinh một con gái, nhưng anh cũng chỉ ở nhà chăm chút chị và con vài hôm rồi lại bặt tăm. Thậm chí, kể từ khi có con gái thứ hai, anh mang gối ra phòng khách ngủ, không ngủ cùng vợ nữa. Chị bèn thử ngấm ngầm điều tra, thấy anh không chỉ ra ngoài về chuyện làm ăn ở nhà hàng, mà còn quan hệ với dân cho vay nặng lãi, nguy cơ đổ vỡ tài chính rất cao. Chị cũng nghi anh có bồ, nhưng chưa tìm được bằng chứng cụ thể.
Nhiều đêm nằm vò võ một mình, chị Hoa buồn bã nghĩ, chẳng lẽ mình còn trẻ vậy mà chồng đã sớm chán mình đến thế sao? Mình có lỗi gì? Hay vì mình sống đơn giản quá, không biết phấn son, không thời trang, không đòi đi ăn tiệm, không đi nghe hòa nhạc, không đòi du lịch... nên chồng cho rằng mình quá nhạt nhẽo? Nhưng nếu bảo chị phải sống khác đi, thì chị không muốn. Bản chất chị là người giản dị, chỉ mong muốn một cuộc sống nhẹ nhàng, không cầu kỳ, phức tạp. Chị không thể sống khác đi được. Từ xưa tới nay chị đã sống như thế, và anh thừa biết chị là người như thế, anh đã chọn chị làm vợ kia mà. Tại sao giờ đây, chị không thay đổi gì mà anh lại chán chị?
Rồi một lần, có bao nhiêu tiền tiết kiệm, anh lại mang đi hết để đổ vào chuyện làm ăn. Chị cản ngăn không được. Một thời gian sau, có những người quen gọi điện đến đòi tiền anh. Họ cho chị biết, chồng chị vay họ rất nhiều tiền và không chịu trả đúng hẹn. Chị hoảng sợ trước một nguy cơ quá lớn mà mình không thể kiểm soát. Nếu bỏ anh, thì chị lại lo các con sẽ tổn thương tinh thần nên không dám quyết.
Chị đành âm thầm tích lũy, rồi mở một tiệm làm móng tay, quyết không cho anh điều khiển chuyện tài chính tại cơ sở này. Chị cần phải có một điểm tựa tài chính riêng, không thể dựa vào chồng được. Nếu có chuyện xấu nhất xảy ra, mà hôn nhân thất bại, âu cứ coi như mình có lãi được hai đứa con. Cách suy nghĩ ấy xoa dịu lòng chị, trong mỗi đêm khó ngủ, vò võ một mình.
Việt Châu