Thị trường chứng khoán tuần qua và dự báo tuần tới
Sau 2 tuần tăng giá, nhiều mã cổ phiếu đã đạt mức giá gần bằng ngưỡng giá trước khi giảm. Sàn Hà Nội có dấu hiệu tăng nóng khi thanh khoản trong tuần tăng đột ngột lên mức 215,8 triệu đơn vị cổ phiếu với sự tăng giá mạnh mẽ của các bluchips trên sàn.
Thị trường tuần qua
Tính trong cả tuần qua, VN-Index chỉ tăng nhẹ, hơn 2 điểm với thanh khoản duy trì mức 145.4 triệu đơn vị, tương đối cao so với khoảng thời gian trước đó. Số đông nhà đầu tư tuần qua đã thể hiện tâm lý khá hưng phấn với thị trường, một phần ảnh hưởng bởi những lý do: (i) Sau quá trình sụt giảm kéo dài 8 tháng qua, mặt bằng giá cổ phiếu đã ở mức tương đối thấp. (ii) CPI tháng 6 được dự báo là có chiều hướng tiếp tục giảm tốc so với tháng 5. Bên cạnh đó, một số mặt hàng như xăng, điện chưa có dấu hiệu tăng giá. Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính trình phương án điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước. (iii) Gần đến thời điểm chốt số liệu sổ sách cho báo cáo quý II, 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp niêm yết, nhiều ý kiến cho rằng có dấu hiệu “đẩy NAV” của một số định chế tài chính tham gia thị trường. (iv) Bộ Tài chính được chỉ định nghiên cứu phương án miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, VN-Index vẫn chưa vượt được qua kháng cự 460 điểm và vào phiên cuối tuần, lực cầu có dấu hiệu yếu đi ở gần ngưỡng này. Sau 2 tuần tăng giá, nhiều mã cổ phiếu đã đạt mức giá gần bằng ngưỡng giá trước khi giảm. Sàn Hà Nội có dấu hiệu tăng nóng khi thanh khoản trong tuần tăng đột ngột lên mức 215,8 triệu đơn vị cổ phiếu với sự tăng giá mạnh mẽ của các bluchips trên sàn.
Vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại
(i) Lạm phát và nhập siêu vẫn là vấn đề lo ngại hàng đầu trong thời điểm hiện tại với các cấp điều hành vĩ mô và với mọi thành viên tham gia nền kinh tế. Trong phiên họp thường kỳ tháng 5, Chính phủ quán triệt bộ, ngành và địa phương tập trung vào 8 nhóm giải pháp ưu tiên kiềm chế lạm phát khoảng 15% và giảm bội chi ngân sách xuống mức 6%, nhập siêu không quá 16% kim ngạch xuất khẩu.
(ii) NHNN đã khẳng định không lùi thời hạn thực hiện tỉ lệ dư nợ tín dụng phi sản xuất ở mức dưới 22% vào cuối tháng 6. Thị trường bất động sản và chứng khoán gặp khó khăn cũng góp phần khiến tỉ lệ nợ xấu của các NHTM tăng cao.
(iii) Khảo sát thị trường cho thấy tỉ lệ nợ cũ phát sinh từ nghiệp vụ hỗ trợ vốn cho khách hàng ở các công ty Chứng khoán hiện nay còn rất lớn, do đó áp lực bán chứng khoán thu hồi các khoản nợ từ phía các công ty Chứng khoán hiện nay vẫn là một mối lo ngại lớn của giới đầu tư. Bên cạnh đó, có khả năng các công ty Chứng khoán sẽ bị tổng cục thuế truy thu thuế VAT đối với các nghiệp vụ như ứng trước tiền bán chứng khoán.
Trên thực tế, vĩ mô vẫn chưa có những chuyển biến đáng kể
(i) Mặt bằng lãi suất huy động của các NHTM hiện vẫn ở mức rất cao (từ 16,5 – 20%). NHTM có quy mô càng nhỏ, thanh khoản kém thì mức lãi suất huy động càng cao. Thống đốc NHNN cho biết lãi suất sẽ tự nhiên hạ nhiệt theo tốc độ giảm đà của CPI, tuy nhiên ông cũng bày tỏ quan điểm rằng nền kinh tế vĩ mô thường có độ trễ từ 6-8 tháng so với sự thay đổi của chính sách vĩ mô.
(ii) Giá điện chưa tăng, nhưng giá xăng dầu cũng không giảm. Ngày cuối tuần, lãnh đạo Bộ Tài chính đã chốt phương án giữ nguyên giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Bên cạnh đó, giá các mặt hàng thực phẩm vẫn ở mức cao.
(iii) Tính đến đầu tuần qua, NHNN cho biết vẫn còn 20 NHTM có tỉ lệ dư nợ tín dụng phi sản xuất cao hơn 22%, cá biệt có 2 NHTM có tỉ lệ này cao hơn 50%.
Dự báo thị trường
VN-Index gặp kháng cự mạnh tại 460 điểm gần nhất, và có khả năng rất khó vượt qua ngưỡng này. Trong điều kiện hiện tại vẫn chưa có cơ sở nào để cải thiện dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán, do đó chưa có cơ sở cho sự phục hồi bền vững của thị trường.
Trong ngắn hạn, VN-Index có thể dao động trong khoảng 420 – 460 điểm. HNX-Index đã phá vỡ xu thế ngắn hạn khi bứt phá khỏi kháng cự 78 điểm phiên cuối tuần. Trong ngắn hạn tuần tới, HNX-Index có thể dao động theo chiều hướng tăng dần hướng tới ngưỡng 90 điểm.
Phạm Bình – Đào Dương