Vi chất dinh dưỡng giúp tăng trưởng, nâng cao tầm vóc, sức khỏe, trí tuệ và chất lượng cuộc sống
(PetroTimes) - Ngày 28/05/2019 tại Trường Mầm non Vườn Mặt Trời, TP. Thanh Hóa, Viện Dinh dưỡng tổ chức Hội nghị Cộng tác viên Báo chí và Lễ phát động Ngày Vi chất dinh dưỡng (1-2/6), với thông điệp chính của Ngày Vi chất dinh dưỡng năm nay là “Vi chất dinh dưỡng giúp tăng trưởng,nâng cao tầm vóc, sức khỏe, trí tuệ và chất lượng cuộc sống”.
Tới dự Hội nghị và Lễ phát động, về phía Trung ương có GS.TS Nguyễn Viết Tiến,Thứ trưởng Bộ Y tế và lãnh đạo Cục Y tế Dự Phòng, Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em, Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng,….Bộ Y tế; GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng và lãnh đạo các Khoa/ Phòng/Trung tâm của Viện Dinh dưỡng.
Tới dự lễ phát động còn có lãnh đạo các ban ngành của TW, đặc biệt có sự tham dự và đưa tin về sự kiện của phóng viên ở các cơ quan báo chí ở TW và địa phương.
Về phía tỉnh Thanh Hóa có ông Phạm Đăng Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo Trung tâm CDC, và đại diện các ban ngành địa phương. Buổi lễ có sự tham gia của 800 cháu nhỏ là học sinh trường mầm non. Một số các đồng chí lãnh đạo Sở y tế, trung tâm YTDP/CDC các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Ninh Bình, Nam Định cũng tham dự để trao đổi, tham khảo kinh nghiệm triển khai bổ sung vitamin A và các chương trình dinh dưỡng.
GS.TS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng thường trực Bộ Y Tế phát biểu về tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam và nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc bổ sung các vi chất dinh dưỡng |
Trong những năm qua, Đảng, Chính phủ và Ngành Y tế luôn đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong đó có công tác dinh dưỡng, phòng chống suy dinh dưỡng (SDD), phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng (VCDD) nâng cao tầm vóc và trí tuệ người Việt Nam, đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân như tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm nhanh và bền vững (suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 30,1% năm 2000 xuống còn 14,1% năm 2015 và năm 2016 tỷ lệ SDD nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi là 13,8%); chúng ta đã thanh toán được tình trạng mù lòa do thiếu vitamin A; tình trạng thiếu vitamin A huyết thanh, thiếu máu do thiếu sắt và thiếu các VCDD khác ngày càng được cải thiện; kiến thức, thực hành dinh dưỡng đúng của người dân ngày càng được nâng cao….
Tuy vậy, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức như: Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm giảm 1%, nhưng vẫn còn ở mức cao (24,3% năm 2016) và có sự chênh lệch giữa các vùng nhất là vùng núi, vùng khó khăn và nông thôn với thành phố, đồng bằng. Tỷ lệ này ở miền núi phía Bắc là 30,3% và Tây nguyên là 34,2%. Suy dinh dưỡng thấp còi và thiếu vi chất dinh dưỡng là những nguyên nhân chính dẫn tới chiều cao thấp ở thanh niên Việt Nam.
GS.TS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng thường trực Bộ Y Tế cùng các đại biểu khách mời cho các em học sinh uống Vitamin A, một trong những vi chất dinh dưỡng quan trọng giúp tăng trưởng, nâng cao tầm vóc, sức khỏe, trí tuệ và chất lượng cuộc sống. |
Ngoài ra, thiếu VCDD còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, tới sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em và khả năng sinh sản cũng như năng suất lao động của người lớn. Trong khi đó việc thực hiện chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, chế độ dinh dưỡng học đường, dinh dưỡng cho người lao động mới chỉ đạt kết quả bước đầu. Do vậy cần nâng cao nhận thức về vai trò dinh dưỡng, dinh dưỡng hợp lý của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân, các bộ ngành, địa phương cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho công tác dinh dưỡng.
Có mặt tại buổi lễ GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu “ngày vi chất dinh dưỡng là hoạt động được tổ chức thường niên nhằm vận động và đẩy mạnh công tác phòng chống thiếu Vi chất dinh dưỡng, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em và bà mẹ”. Ông bày tỏ mong muốn “các cấp ủy đảng, chính quyền của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và trên toàn quốc nói chung cũng sẽ dành cho trẻ em những tình cảm tốt đẹp và sự quan tâm bằng việc tổ chức triển khai có hiệu quả công tác phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống thiếu dinh dưỡng tại địa phương mình”.
Các đại biểu khách mời và các em học sinh chụp hình lưu niệm tại chương trình Lễ phát động Ngày vi chất dinh dưỡng năm 2019. |
GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho rằng “Cải thiện chất lượng bữa ăn, bổ sung vi chất dinh dưỡng được Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định là hết sức cần thiết ở tất cả các quốc gia, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Bổ sung đa vi chất dinh dưỡng có hiệu quả tới tăng trưởng và phát triển trẻ em nhiều hơn bổ sung một vi chất đơn lẻ. Khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đa vi chất vào sản phẩm thực phẩm. Viện Dinh dưỡng khuyến nghị sử dụng đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày; khuyến khích lựa chọn và sử dụng thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng. Người dân nên lưu ý lựa chọn các thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày như muối tăng cường I ốt, bột mỳ tăng cường sắt kẽm hoặc các thực phẩm có thành phần nguyên liệu có tăng cường vi chất dinh dưỡng này, dầu ăn tăng cường vitamin A. Với các cháu được uống sữa theo chương trình sữa học đường, sử dụng sữa tăng cường đa vi chất sẽ có lợi hơn cho sự tăng trưởng và phát triển. Loại và hàm lượng các vi chất dinh dưỡng tăng cường vào sữa học đường theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới và phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng lứa tuổi trong bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam (2017).
Năm 2019, Viện Dinh dưỡng cấp 14 triệu viên đa vi chất miễn phí cho phụ nữ mang thai để phòng thiếu vi chất cho bà mẹ và trẻ em được triển khai tại 85 huyện nghèo trong cả nước (Theo Quyết định số: 275/QĐ-TTg, ngày 07 tháng 03 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ). Viên đa vi chất có chứa 20 loại vi chất dinh dưỡng, các bà mẹ mang thai cần uống thường xuyên, đều đặn 1 viên/ngày.
Các em học sinh tại Thanh Hóa hào hứng tham gia chương trình văn nghệ chào mừng Lễ phát động Ngày vi chất dinh dưỡng năm 2019. |
Hàng năm, có gần 1 triệu trẻ dưới 5 tuổi được cải thiện tình trạng thiếu vitamin A nhờ hoạt động uống bổ sung vitamin A cho trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi ở 41tỉnh thành, uống bổ sung vitamin A cho trẻ từ 6 - 60 tháng tuổivà tẩy giun cho trẻ từ 24 – 60 tháng tuổi tại 22 tỉnh khó khăn (nơi có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao) mỗi năm 2 lần, bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng uống 1 liều vitamin A, đồng thời việc bổ sung vitamin A cho trẻ em và bà mẹ sau sinh đã trở thành hoạt động thường niên của hơn 11.000 xã/phường trong toàn quốc.
Trong Ngày Vi chất dinh dưỡng (1-2/6), các bà mẹ đưa trẻ trong độ tuổi đi uống vitamin A tại các điểm uống ở xã/phường, hoạt động đó thực sự có ý nghĩa như một ngày hội “Chăm sóc sức khỏe trẻ em”, là món quà nhân văn trong Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6. Theo kế hoạch, Ngày Vi chất dinh dưỡng năm nay sẽ có trên 6 triệu trẻ dưới 5 tuổi được uống vitamin A, hàng triệu trẻ từ 24-60 tháng tuổi tại 22 tỉnh khó khăn được tẩy giun.
Phòng chống thiếu VCDD là một cuộc chiến bền bỉ để nâng cao năng lực lao động, phát triển trí tuệ, tầm vóc, chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người dân Việt Nam. Phòng chống thiếu VCDD là 1 trong 6 mục tiêu quan trọng của Chiến lược quốc gia dinh dưỡng 2011 – 2020. Chiến lược phòng chống thiếu VCDD gồm các giải pháp đồng bộ như: Bổ sung VCDD cho các đối tượng có nguy cơ cao là một giải pháp cần thiết để khắc phục nhanh chóng, kịp thời tình trạng thiếu VCDD. Tăng cường VCDD vào thực phẩm là giải pháp trung hạn. Đa dạng hoá bữa ăn là biện pháp cải thiện tình trạng thiếu VCDD một cách lâu dài và bền vững. Tăng cường VCDD vào các thực phẩm thiết yếu là biện pháp đơn giản, có hiệu quả và dễ đạt độ bao phủ cao và có tính bền vững để giảm thiểu sự thiếu hụt các VCDD trong bữa ăn hàng ngày, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân. Tuyên truyền và giáo dục cho người tiêu dùng có nhu cầu tiêu thụ và biết lựa chọn đối với các thực phẩm tăng cường vi chất là điều kiện để thực hiện thành công công tác phòng chống thiếu VCDD. Công tác truyền thông để nâng cao kiến thức và thực hành dinh dưỡng đúng cho toàn dân cũng là một trong các giải pháp quan trọng, các nội dung tuyên truyền bao gồm khuyến khích người dân sử dụng đa dạng các loại thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày, sử dụng thường xuyên các thực phẩm giàu VCDD, biết cách lựa chọn các thực phẩm tăng cường VCDD; cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh, thực hiện nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng hoặc lâu hơn, trẻ em trong độ tuổi và bà mẹ sau sinh cần được uống vitamin A; phụ nữ có thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ cần được hướng dẫn sử dụng viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất. |
I. Thực trạng về thiếu vi chất dinh dưỡng ở Việt Nam: 1. Thiếu vitamin A: Năm 1995, Việt Nam đã được Tổ chức y tế thế giới (TCYTTG) công nhận là đã thanh toán thiếu vitamin A thể lâm sàng nhưng thiếu vitamin A tiền lâm sàng vẫn còn ở mức có YNSKCĐ. Kết quả Điều tra tình trạng thiếu một số vi chất dinh dưỡng ở phụ nữ và trẻ em (từ 6 – 59 tháng tuổi) tiến hành năm 2014 - 2015 cho thấy tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13,0%, có sự chênh lệch giữa các vùng; thậm chí một số địa phương miền núi, tỷ lệ này lên tới 16,1%, tỉ lệ vitamin A trong sữa mẹ thấp ở mức 34,8%. 2. Thiếu máu: Theo kết quả điều tra trên cho thấy 32,8% phụ nữ có thai; 25,5% phụ nữ tuổi sinh đẻ; 27,8% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu máu. Tỷ lệ thiếu máu cao nhất ở trẻ em 6 - 24 tháng tuổi (42,7% - 45%) và phụ nữ tuổi sinh đẻ khu vực miền núi (27,9%). Tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ thấp hơn ở khu vực nông thôn và thành phố với tỷ lệ tương ứng là 26,3% và 20,8%. Tỷ lệ thiếu máu có xu hướng giảm, nhưng giảm ở mức chậm và hiện vẫn ở mức trung bình về YNSKCĐ. Thiếu máu do thiếu sắt chiếm tỷ lệ 63,6 % (ở trẻ em < 5 tuổi); 54,3% (phụ nữ có thai) và 37,7% (phụ nữ tuổi sinh đẻ) trong các trường hợp thiếu máu. 3. Thiếu kẽm Cũng theo kết quả của cuộc điều tra vi chất năm 2014 - 2015 cho thấy có 80,3% phụ nữ có thai, 63,6% phụ nữ tuổi sinh đẻ và 69,4% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu kẽm và được đánh giá là ở mức nặng về YNSKCĐ. Tỷ lệ thiếu kẽm cao ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt ở miền núi (80,8%) và nông thôn (71,6%). 4. Thiếu vitamin D và can xi: Điều tra vi chất năm 2010 trên 19 tỉnh thành của Việt Nam cho thấy tình trạng thiếu vitamin D còn rất phổ biến, tỷ lệ thiếu vitamin D huyết thanh và tỷ lệ vitamin D thấp là 17% và 40% ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và là 21% và 37% ở trẻ em. Nếu sử dụng ngưỡng là 75 nmol/L thì tỷ lệ thiếu vitamin D tương ứng là 90% ở cả phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh đó mức tiêu thụ vitamin D và canxi của phụ nữ và trẻ em Việt Nam cũng mới chỉ đạt 1% và dưới 43% nhu cầu khuyến nghị. 5. Thiếu Iốt: Kết quả điều tra của Bệnh viện Nội tiết TW năm 2013 – 2014 cho thấy tỷ lệ bướu cổ trẻ em từ 8 -10 tuổi là 9,8%, tỉ lệ hộ gia đình sử dụng muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh khoảng 60%, mức trung vị iốt niệu là 8,4 mcg/dl. Đây là mức thấp nhất trong 10 năm qua, trong khi đó theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về thanh toán tình trạng thiếu iốt mà chúng ta đã đạt được năm 2005 thì tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8 -10 tuổi <5% và mức trung vị iốt niệu ≥ 10 mcg/dl, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh > 90%. |
Hoàng Yến