Tòa quốc tế yêu cầu thả thủy thủ và tàu Ukraine, Nga “phản pháo”
Nga đã chính thức lên tiếng phản bác sau khi Tòa án Quốc tế về Luật biển yêu cầu Moscow thả 24 thủy thủ và 3 tàu hải quân Ukraine bị bắt giữ hồi năm ngoái tại eo biển Kerch.
Một sĩ quan an ninh Nga áp giải một thủy thủ Ukraine tới tòa án tại Crimea. (Ảnh: AP) |
Trong phiên tòa diễn ra tại thành phố Hamburg, Đức hôm 25/5, Thẩm phán Jin-Hyun Paik thuộc Tòa án Quốc tế về Luật biển đã yêu cầu Nga phải thả 24 thủy thủ và 3 tàu hải quân Ukraine bị lực lượng an ninh Nga bắt giữ trong vụ đụng độ hồi tháng 11 năm ngoái tại eo biển Kerch nối biển Azov và biển Đen.
“Tòa lưu ý rằng bất kỳ hành động nào ảnh hưởng tới quyền miễn trừ của tàu chiến đều có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho chủ quyền quốc gia và có khả năng làm xói mòn an ninh quốc gia”, thẩm phán Jin-Hyung Paik nói.
Trước đó, phía Ukraine đã đề nghị Tòa án Quốc tế về Luật biển yêu cầu Nga trả lại các tàu của UKraine, ngay lập tức trả tự do cho 24 thủy thủ bị bắt giữ, cho phép họ quay trở lại Ukraine, chấm dứt việc truy tố hình sự các thủy thủ và không tiến hành các cuộc điều tra mới.
Tòa án kết luật hai đề nghị đầu tiên của phía Ukraine là phù hợp. Tuy nhiên tòa cho rằng không cần thiết phải yêu cầu Nga dừng điều tra hình sự hay không tiến hành các cuộc điều tra mới.
Tòa cũng kêu gọi Nga và Ukraine tránh các động thái có thể leo thang căng thẳng tại eo biển Kerch. Theo tòa, sự vắng mặt của phía Nga tại phiên tòa không được xem là lý do để không xem xét vụ việc này.
Trong thông báo gửi Tòa án Quốc tế về Luật biển, Đại sứ quán Nga tại Đức cho biết, xét từ quan điểm của Moscow, tòa không có thẩm quyền xem xét vụ việc căng thẳng giữa Nga và Ukraine tại eo biển Kerch.
3 tàu hải quân Ukraine bị Nga bắt giữ (Ảnh: Sputnik) |
Vào ngày 25/11/2018, 3 tàu hải quân Ukraine bị Moscow cáo buộc xâm phạm lãnh hải Nga khi đi từ biển Đen vào biển Azov qua eo biển Kerch. Để ngăn 3 tàu Ukraine, lực lượng an ninh Nga đã nổ súng. 24 thủy thủ bị Nga bắt giữ đều mang quốc tịch Ukraine. Họ bị cáo buộc xâm phạm biên giới Nga theo Bộ luật Hình sự Nga. Nếu bị kết tội, các thủy thủ này có thể đối mặt với mức án 6 năm tù giam.
Nga và Ukraine đã nhiều lần nổ ra tranh cãi xung quanh vụ việc. Ukraine cho rằng Nga đã dùng tàu để chặn eo biển Kerch, không cho các tàu Ukraine đi qua, đồng thời khẳng định các tàu này hoạt động theo quy định của luật quốc tế. Trong khi đó, Moscow cáo buộc Kiev không thông báo trước về hoạt động của các tàu hải quân khi qua eo biển Kerch và phớt lờ các quy định của Nga, buộc Nga phải sử dụng vũ lực để ngăn chặn.
Bộ Ngoại giao Nga lên tiếng
Đồ họa hành trình di chuyển của 3 tàu Ukraine qua eo biển Kerch trước khi bị Nga bắt giữ. (Ảnh: BBC) |
Tòa án Quốc tế về Luật biển được thành lập để giải quyết các tranh chấp hàng hải theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982. Cả Nga và Ukraine đều đã ký vào công ước này, tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với việc hai bên phải thực thi phán quyết của tòa.
“Như phía Nga đã từng khẳng định trước đây, các tuyên bố của Nga và Ukraine khi ký và phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 đã loại trừ khả năng sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp theo công ước đối với vụ việc xảy ra vào ngày 25/11/2018 tại eo biển Kerch”, Bộ Ngoại giao ra thông báo ngày 25/5.
Nga tuyên bố sẽ không thực thi các phán quyết của tòa quốc tế trong các vấn đề liên quan tới biên giới lãnh thổ, quân đội và an ninh quốc gia của Nga.
Về phần mình, Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Olena Zerkal cho biết phán quyết của Tòa án Quốc tế về Luật biển là “dấu hiệu rõ ràng cho thấy Nga không thể vi phạm luật quốc tế mà không bị trừng phạt”. Bà Zerkal hy vọng Nga sẽ nhanh chóng thực hiện phán quyết này.
Tân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói rằng nếu Nga thả các thủy thủ và tàu Ukraine, đây sẽ là dấu hiệu đầu tiên từ lãnh đạo Nga cho thấy Moscow sẵn sàng chấm dứt cuộc xung đột với Kiev.
Theo Dân trí