Thêm một công cụ giải quyết tranh chấp thương mại
(PetroTimes) - Trung tâm Hòa giải Việt Nam VMC do TS. Nguyễn Sĩ Dũng làm Giám đốc. Sau 1 năm hoạt động, VMC đã nhận được 05 yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại với tổng trị giá tranh chấp lên đến 934,5 tỷ đồng.
Đáng chú ý cả 05 vụ yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại đều trong lĩnh vực xây dựng. Tuy các tranh chấp có yếu tố phức tạp nhưng theo đại diện VMC, các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực pháp luật và kinh tế được đào tạo chuyên sâu về giải quyết tranh chấp nói chung cũng như hòa giải thương mại nói riêng của Trung tâm đã giúp doanh nghiệp tìm được phương án giải quyết tranh chấp hiệu quả nhất.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng - Giám đốc VMC phát biểu tại Tọa đàm |
Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng - Giám đốc VMC, việc thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Hòa giải Việt Nam đã cung cấp thêm một công cụ giải quyết tranh chấp thương mại, góp phần vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.
Bên cạnh phương thức giải quyết tranh chấp thông qua tòa án, trọng tài, phương thức hòa giải là xu hướng được nhiều doanh nghiệp lựa chọn trong giải quyết tranh chấp. Bởi phương thức hòa giải thương mại phát huy quyền chủ động tối đa của hai bên trong quá trình giải quyết tranh chấp, vừa giữ được quan hệ tốt đẹp cho cả hai bên trong việc giải quyết tranh chấp. Đồng thời giảm thiểu rủi ro, chi phí cho doanh nghiệp, do đó là phương thức ngày càng phổ biến trong thương mại quốc tế.
Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, việc thành lập Trung tâm Hòa giải Việt Nam là một vấn đề thiết thực, giúp cho môi trường kinh doanh tốt hơn và xử lý các vấn đề tranh chấp một cách mềm mại hơn.
Đặc biệt là, hòa giải thương mại có thể giải quyết được tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu về nợ đọng hoặc xử lý được nhiều vấn đề cụ thể tồn tại trong các doanh nghiệp. Cụ thể: trong lĩnh vực thầu xây dựng, việc xử lý tranh chấp và giữ vững quan hệ giữa chủ đầu tư và nhà thầu là khá nhạy cảm. Thực tế bất cập hiện nay là dù bị chiếm dụng vốn, song nhà thầu vẫn không dám lên tiếng kiện chủ đầu tư khi có nợ đọng hoặc tranh chấp do e ngại chủ đầu tư không hợp tác tiếp ở các dự án sau nữa. Vì vậy, hòa giải là phương án tối ưu cho các doanh nghiệp.
Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Hòa giải Việt Nam VMC Phan Trọng Đạt cho biết, VMC hiện có 51 Hòa giải viên, trong đó có 38 Hòa giải viên Việt Nam và 13 Hòa giải viên nước ngoài. VMC thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) là trung tâm hòa giải đầu tiên của Việt Nam được thành lập vào ngày 27/4/2018. Đội ngũ Hòa giải viên là các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực pháp luật và kinh tế cũng như được đào tạo chuyên sâu về giải quyết tranh chấp nói chung cũng như hòa giải thương mại nói riêng.
M.L
Cắt giảm giấy phép con – Điều kiện kinh doanh: Điển hình “trên nóng dưới lạnh” |
Doanh nghiệp Việt “run lẩy bẩy” khi tranh chấp thương mại ở nước ngoài |
Sức ỳ của “cỗ máy” cải cách ở đâu? |