Thị trường thực phẩm chức năng: Những hồi chuông báo động
(PetroTimes) - Trên thị trường hiện nay có khá nhiều người buôn bán thực phẩm chức năng (TPCN), nhưng rất khó kiểm chứng được chất lượng. Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện các loại TPCN giả, kém chất lượng, xử phạt nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm..., gióng lên hồi chuông báo động với người tiêu dùng.
Tràn lan khó kiểm soát
Chưa bao giờ TPCN lại đa dạng và dễ dàng mua bán, sử dụng như hiện nay. Trên các trang mạng, rất nhiều loại sản phẩm được quảng cáo và bán tràn lan với đủ loại nguồn gốc và mức giá khác nhau, từ vài chục nghìn đồng tới cả chục triệu đồng mỗi sản phẩm. Đặc biệt, nhiều sản phẩm còn được quảng cáo thổi phồng như thần dược, chữa đủ loại bệnh, khiến nhiều người sẵn sàng bỏ ra số tiền không nhỏ để mua, sử dụng với mong muốn tăng cường sức khỏe.
Cơ quan chức năng kiểm tra thực phẩm chức năng lưu thông trên thị trường |
Tình cờ đọc được trên trang facebook của một người bạn rao bán sản phẩm bột diệp lục, được quảng cáo là hàng xách tay Nhật Bản với rất nhiều tác dụng cho sức khỏe như thanh lọc cơ thể, giữ cân, đẹp da, chống lão hóa..., chị Nguyễn Thanh Xuân (quận Bình Tân, TP HCM) liền đặt mua 2 hộp với giá 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi uống một thời gian, chị Xuân cho biết không những chẳng giữ cân được như quảng cáo mà lại tăng thêm cân, còn các tác dụng khác thì rất khó nhận biết được.
Cũng như chị Xuân, rất nhiều người tiêu dùng khác vì tin và mua những sản phẩm TPCN kém chất lượng, quảng cáo qua mạng dưới mác “xách tay” đã phải “tiền mất tật mang”.
Tinh vi hơn, có những trang mạng và những trung tâm tư vấn online còn quảng cáo hoặc gọi điện trực tiếp đến khách hàng, mạo danh bác sĩ, dược sĩ của các nhà thuốc đông y gia truyền để tư vấn về TPCN. Các quảng cáo hay tư vấn đều giới thiệu là thuốc đã được Bộ Y tế thẩm định, nhất là các sản phẩm về xương khớp, sinh lý nam, tiểu đường, kích thích mọc tóc, trị mất ngủ... Nắm bắt được tâm lý người bệnh thường hay lo lắng, các nhân viên tư vấn thường nói giọng mang tính hù dọa về bệnh tình, khiến bệnh nhân càng lo lắng và nhanh chóng rút hầu bao. Song, những kẻ đó thường không cung cấp thông tin về địa chỉ của cơ sở sản xuất sản phẩm mà chỉ bán hàng thông qua hình thức chuyển phát.
Mới đây, Viện Dinh dưỡng Quốc gia vừa phát hiện một số trang web sử dụng logo và hình ảnh bác sĩ của viện để tư vấn và bán TPCN. Bác sĩ Phan Bích Nga - Giám đốc Trung tâm Khám và tư vấn dinh dưỡng trẻ em, Viện Dinh dưỡng Quốc gia - khẳng định, những trang web với hình ảnh và quảng cáo sản phẩm TPCN đều không phải của trung tâm. Hơn nữa, trung tâm cũng không có chủ trương quảng cáo bán hàng bằng nhắn tin hay điện thoại để lôi kéo, mời chào bệnh nhân.
Theo Hiệp hội TPCN Việt Nam, hiện nay nước ta có tới hơn 3.600 doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh TPCN với khoảng gần 7.000 sản phẩm. Thị trường TPCN đang phát triển nở rộ nhưng lộn xộn và khó kiểm soát; giá cả các sản phẩm cao - thấp vô tội vạ, cùng một loại TPCN nhưng mỗi nơi bán một giá khác nhau.
TPCN được xếp vào nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, rất nhiều các trang mạng kinh doanh online thường quảng cáo các sản phẩm này có tác dụng như thần dược, đẩy giá sản phẩm lên cao hơn nhiều so với giá trị thật. Thậm chí, nhiều cơ sở còn làm giả với các hình thức đóng gói, in ấn bao bì rất tinh vi, khó phát hiện.
Cảnh báo người tiêu dùng
Từ ngày 15/12/2018 đến 15/4/2019, Bộ Y tế đã triển khai các đoàn kiểm tra, thanh tra về dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, TPCN, dược liệu, qua đó đã xử phạt hành chính 26 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 1 tỉ đồng. Tuy nhiên, tình trạng hàng giả, hàng nhái trong lĩnh vực này ngày càng tinh vi, gây nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý.
Theo PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam, thực trạng TPCN bị làm giả, làm nhái đã đến mức báo động. Các vụ phát hiện và thu giữ TPCN gần đây cho thấy, các đối tượng làm giả rất tinh vi, có đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để đóng gói, dán tem nhãn sản phẩm không khác gì hàng chính hãng.
Cũng theo ông Đáng, nguyên nhân của thực trạng đó là do hệ thống quy định pháp luật về điều kiện sản xuất, kinh doanh TPCN còn lỏng lẻo, đến nay vẫn chưa có Nghị định nào quy định về quản lý TPCN, việc giám sát các hoạt động sản xuất, quản lý các cơ sở sản xuất TPCN chưa được chặt chẽ, thị trường TPCN vẫn đang bị thả nổi.
Trong khi đó, tình trạng bán sản phẩm TPCN dưới cái mác “xách tay” nhưng thực chất là hàng giả, hàng lậu đang ngày càng phát triển trên mạng xã hội. Các trang mạng xã hội như Youtube, Facebook, Zalo, hoặc trang thông tin điện tử có tên miền từ nước ngoài khiến cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong quản lý nội dung quảng cáo, không xác định được chủ thể quảng cáo vi phạm và không có cơ sở để xứ lý vi phạm. Đặc biệt một số website chủ thể đặt máy chủ tại nước ngoài nên cơ quan quản lý Nhà nước càng khó kiểm soát.
Để tạo hành lang pháp lý chặt chẽ cho việc kiểm soát chất lượng TPCN, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đang xây dựng Nghị định quản lý TPCN, trong đó quy định cụ thể về điều kiện sản xuất, kinh doanh, công bố, quảng cáo và ghi nhãn. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đang tăng cường thanh tra, kiểm tra để phát hiện các sai phạm, đồng thời xử phạt và “bêu” tên trên các phương tiện thông tin đại chúng để tăng mức răn đe.
Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo người tiêu dùng cần tìm hiểu thông tin khi mua TPCN, chỉ mua những sản phẩm đã được cấp phép, công bố chất lượng, mua ở những cửa hàng, hiệu thuốc được cấp phép hoạt động; không nên mua hàng “xách tay” trên mạng mà không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng.
Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo người tiêu dùng cần tìm hiểu thông tin khi mua TPCN, chỉ mua những sản phẩm đã được cấp phép, công bố chất lượng, mua ở những cửa hàng, hiệu thuốc được cấp phép hoạt động; không nên mua hàng “xách tay” trên mạng mà không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng. |
Trúc Lâm