Giá xăng, điện tăng: Đại biểu nói người dân bình tĩnh tin vào điều hành Chính phủ
Đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần sự phối hợp nhịp nhàng hơn nữa trong điều hành giá xăng, giá điện. Tuy nhiên, người dân cũng cần hết sức bình tĩnh, tin vào kinh nghiệm điều hành kiểm soát lạm phát ở Việt Nam.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân. |
Trả lời câu hỏi về diễn biến giá xăng dầu thời gian qua, bên lề kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) cho rằng, nếu như đầu năm nay, giá dầu thô chỉ khoảng 42 USD/thùng nhưng hiện đã là 62 USD/thùng, tức là giá dầu thô tăng hơn 30%.
"Vì thế ta buộc phải điều chỉnh giá xăng dầu theo thị trường. Quan trọng là hiệu ứng vòng 2, tức là hiệu ứng domino của điều chỉnh giá điện, xăng dầu tới các mặt hàng giá cả khác, có thể tạo ra lạm phát trong tâm lý", ông Ngân nói.
Ngoài ra, theo đại biểu, còn vấn đề lo ngại là nếu tình hình Mỹ và Iran căng thẳng hơn thì cung dầu trên thế giới biến động và giá dầu thô tăng đột biến.
"Cần có kịch bản trước về vấn đề này. Theo tôi, Chính phủ cần sự phối hợp nhịp nhàng hơn nữa trong điều hành giá xăng, giá điện. Ngoài ra, theo tôi, người dân cũng cần hết sức bình tĩnh, tin vào kinh nghiệm điều hành kiểm soát lạm phát ở Việt Nam", ông nhấn mạnh.
Theo ông Ngân, chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam dựa vào rổ hàng hóa 11 nhóm hàng với khoảng 500 mặt hàng. Tuy nhiên, trong số này, nhóm dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng cao nhất. Việt Nam cũng có cái may là giá điện, xăng lên nhưng giá lương thực giảm. Vì thế CPI những tháng đầu năm vẫn được kiểm soát dưới 3%.
Trả lời về vấn đề này tại buổi thảo luận tổ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng, giá xăng dầu thì phải chấp nhận theo thế giới. Đáng lưu ý, theo Phó Thủ tướng, công cụ bình ổn giá là một trong những công cụ quy định trong Luật giá.
"Ban chỉ đạo điều hành giá sẽ tính toán các kịch bản như hiện nay, kiểm soát lạm phát từ 3,3- 3,9% so với năm trước, công khai minh bạch kiểm soát chi phí đàu vào, tăng cường truyền thông", ông Huệ nói về công tác điều hành giá xăng dầu cũng như giá điện trong thời gian tới.
Hiện nay (tính đến ngày 16/5/2019), giá các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ở mức: Xăng E5RON92 không cao hơn 20.688 đồng/lít; Xăng RON95-III không cao hơn 22.191 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S không cao hơn 17.695 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 16.625 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 16.002 đồng/kg.
Theo một báo cáo từ Chính phủ gửi tới các đại biểu Quốc hội, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong nước hiện nay (sau kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 02/5) tăng khoảng 17,2-27,1% so với đầu năm 2019 (ngày 01/01).
"Như vậy, có thể thấy mức tăng giá bán lẻ các mặt hàng trong nước từ đầu năm đến nay vẫn được Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành tăng thấp hơn mức tăng của giá thành phẩm xăng dầu thế giới (30,6-46,2%), thông qua sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu", Chính phủ đánh giá.
Cũng liên quan tới điều hành giá xăng dầu, vừa qua, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam có đề xuất xem xét bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Tuy nhiên, trả lời về nội dung này, Chính phủ cho rằng, xăng dầu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật số 03/2016/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư. Bên cạnh đó, xăng dầu cũng thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá theo quy định tại Luật Giá số 11/2012/QH13.
Do vậy, theo Chính phủ, về nguyên tắc, giá bán xăng dầu trong nước phải được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết, quản lý của nhà nước. Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là công cụ để Nhà nước điều tiết giá bán xăng dầu trong nước nhằm hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà nước.
"Vì vậy, nếu bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thì Nhà nước sẽ không còn công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cũng như bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng", báo cáo Chính phủ nêu.
Theo DT